Nhà sử học Dương Trung Quốc và nếp nhà Hà Nội

13/09/2010 15:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dương Trung Quốc, nhà sử học nổi tiếng, đủ tầm vóc của một nhà văn hoá, nhưng hôm nay, chúng ta sẽ gặp ông trong tư thế một người Hà Nội. Câu chuyện của đại gia đình ông như Hà Nội thu nhỏ, là một phần lịch sử của địa linh này.

Buổi tối mưa, trong tiếng nhạc Đoàn Chuẩn, tôi được tiếp kiến nhà sử học Dương Trung Quốc và lắng nghe lối nói hấp dẫn cùng cả “pho chuyện” dồi dào của ông.

Cận cảnh phòng làm việc

Từ 2002, ngôi nhà 60m2, 4 tầng trong ngõ Lê Văn Hưu là tổ ấm của vợ chồng ông Quốc, bà Hằng và vợ chồng Thu Nga (con gái lớn của hai người) cùng cô cháu ngoại Phương Anh lớp 3. Sách chất 10 tầng lên tận trần phòng làm việc của ông, sách tràn hành lang và cầu thang. 5.000 con lợn được ông sưu tập 20 năm qua, đủ các kích cỡ, chất liệu, xuất xứ được cắm cờ rất ngộ. Ông bảo: “Không yêu mình, không yêu được người khác”.

Phòng làm việc có 2 ti vi, màn hình phẳng 25 inch và plasma 42 inch, hai laptop, máy in, máy quay Sony, màn bạc làm studio tại nhà... tất cả để phục vụ cho người ham việc, mỗi đêm chỉ ngủ 4 giờ.


Dương Trung Quốc “thời tóc đen” và vợ dịp Tết Nhâm Thân 1992
Là Ủy viên văn hóa giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng Quốc hội, ủy viên đoàn chủ tịch các Hội KHKT VN, ông Dương Trung Quốc nhiều năm ròng lên tiếng bảo vệ nhiều giá trị, di sản, trước hết bởi ông là một người Hà Nội. Thông hiểu tiếng Pháp, năm 40 tuổi xuất ngoại lần đầu tới Bulgaria, đến nay ông đã đến 30 nước. Đi để hiểu biết mà bảo tồn, tôn vinh di sản đất nước mình. Lịch sử là sự kế thừa, tiếp nối. Lịch sử mỗi gia đình, dòng tộc, một thành phố, đều có mã gene, quy luật.

Dương Trung Quốc luôn thẳng thắn quyết liệt đấu tranh. Trước tình trạng HN ngổn ngang tu sửa trước Đại lễ, ông nói: “Đa số chúng ta có tập tính thúc mới làm. Tình yêu bền lâu phải là quá trình, chứ không phải tranh thủ”.

Sống được bằng nghề sử, ông còn là nhà báo (TBT tạp chí Xưa và nay của Hội KHLS VN nơi ông là Tổng thư ký) với hàng nghìn bài viết. Nghiên cứu, gìn giữ vẻ đẹp Hà Nội ngốn nhiều sức lực, là đam mê đầy trách nhiệm của ông. Những hình ảnh của quá khứ của cuộc đời ông chồng lớp, thúc giục ông viết bằng kí ức. Ông bận đến mức lúc nào cũng làm việc trong hối thúc. Cứ về đến nhà là bật tivi, đi ngủ không tắt đèn, để mở mắt bất cứ lúc nào là ngồi dậy viết luôn.

Ông bảo: “Ba mươi năm trước, có người xem tử vi nói tôi không thọ, thế là tôi bị bức xúc thời gian, luôn trong cảm giác chạy đua. Không ngủ trưa, đêm ngủ ít, vì ngủ là “chết”, tiếc lắm. Tôi mất năng lực đọc tiểu thuyết vì dồn tâm sức cho chuyên môn quá nhiều”. Lúc thư giãn, ông nghe nhạc tiền chiến, nhạc Pháp, thích âm thanh guitar, chơi clarinet, phim hành động Mỹ và cả phim diễm tình (erotic).

Những người phụ nữ Hà Nội

Cuộc đời Dương Trung Quốc và gia đình ông chịu ảnh hưởng, gắn bó với những người phụ nữ Hà Nội. Họ duy trì truyền thống, tạo nên gia phong. Vợ chồng ông Quốc sinh trưởng ở phố “hàng” trong phố cổ, quê gốc ông - xứ dừa Bến Tre. Ông nội là cụ Dương Trung Giao - chủ hãng nước mắm Liên Thành, là người duy tân, làm kinh tế để nuôi chí. Hãng Liên Thành bảo trợ cho trường Dục Thanh ở Phan Thiết nơi Nguyễn Tất Thành dạy học. Ra Hà Nội, cụ mua ngôi nhà 27 Hàng Đường từ 1917, lấy vợ là Nguyễn Thị Hợi, người Ngọc Thụy. Họ chỉ có 1 con duy nhất: Dương Trung Hậu.

Cô gái phố Đào Duy Từ, Nguyễn Thị Bảy (sinh năm 1925), con chủ hàng rượu Vĩnh Phương lấy ông Hậu năm 1942, có ba con trai: Hiệp (1943), Mạnh (1945) và Quốc (1947). Liệt sĩ Dương Trung Hậu hy sinh năm 1947, đứa con út trong bụng mẹ mới được ba tháng, bà Bảy 22 tuổi góa phụ, ở vậy nuôi con. Cụ thân sinh Nguyễn Thị Hợi đã mất từ 1968, thọ 83 tuổi, được truy tặng Bà mẹ VN anh hùng năm 1998.

Ngôi nhà Hàng Đường được Nhà nước trao lại cửa hiệu tầng 1 năm 2007, sau 49 năm. Ở đó, với quầy hàng nhỏ, cụ Bảy muối dưa cà tuyệt chiêu, ướp chè sen, làm cốm sấy ... nuôi con ăn học. Vừa làm mẹ vừa làm cha, người phụ nữ kiên cường ấy rất nghiêm khắc khi dạy con. Quốc được cho mặc áo vai bồng cổ tròn, mẹ muốn cậu út là ... con gái. Hiện nay, ngôi nhà 27 Hàng Đường vẫn là nơi sinh tụ của 4 thế hệ họ Dương. Theo ông Quốc, tính cố kết không phải do sống chung, mà là không gian gia đình, phải tạo ra nếp sum họp đêm giao thừa, giỗ chạp, quan tâm đến nhau trong đời sống hàng ngày. Ông cho rằng, lối sống Hà Nội tạo từ căn cốt đạo lý, nếp sống đô thị (ý thức pháp luật, tập quán).

Đau đáu và bức xúc, ông nói: “Hà Nội đang mất rất lớn trong chiều sâu của truyền thống. Trước kia, nếp sống HN là giữ những giá trị nông thôn truyền thống và tiếp thu văn minh phương Tây, nay lôm nhôm không cốt cách, một đời sống thị dân xô bồ. Cần xây dựng văn hóa đô thị, tình hàng xóm, biết vì người xung quanh, từ đấy họ mới có ý thức quê hương mới. Thực tế Thủ đô là chốn quần tụ tứ xứ, không có hội đồng hương Hà Nội. Những người sống ở đây có vẻ tự hào là người HN mà lại phân thân, không gắn kết. Họ giữ nguyên tập quán nơi xuất thân, từng bước phá vỡ văn hóa, lối sống, giá trị kinh kỳ”.

Ông đi liên miên, bà Hằng trách yêu: “Ông ấy là người của công chúng, của xã hội”, nhưng ông luôn có mặt tại nhà những thời khắc, dịp cần. Bà Hằng cho biết: “Áp lực nhiều việc, nhưng anh ấy mát tính, tốt lắm, 35 năm sống chung, anh không bao giờ to tiếng cãi vã hay văng tục, dù một lần”.

Sự lịch lãm, bặt thiệp toát lên nơi Dương Trung Quốc là cả một phông văn hóa bền vững và sống động. Mọi việc nhà cửa, mua sắm, bà lo liệu chu toàn. Mùa nào thức ấy, bà đều nấu những món ngon và luôn được chồng khen “Về nhà ăn là nhất”. Tiệc tùng bốn phương, ông Quốc vẫn chỉ nhớ các món của những người phụ nữ của đời mình. Đặc biệt món tủ cụ Bảy nấu, là khoai sọ rán chênh cùng thịt ngan, rán ướp húng lìu đun xấp nước, là giả bào ngư làm từ dạ dày cổ hũ thái miếng, ướp ván hầm với gà rán, hạt sen nấm hương. Chè ướp hoa sen, cốm sấy cụ Bảy có tiếng, bán cho bà con đem đi các nước, truyền lại cho con dâu, cốm sấy cầm trên tay phải nhẹ, xanh mới đạt tiêu chuẩn.


Gia đình ông Quốc 4/2010. Anh: Trịnh Đình Tiến
Và những vẻ đẹp ký ức

Tình yêu Hà Nội của Dương Trung Quốc là tình yêu ký ức chính mình. Thời bé cuốc bộ, lớn nhảy tàu điện, đi xe đạp rồi xe máy. HN vắng, êm đềm, trật tự.

Sau này, bỏ xe máy, ông đi bộ, xe đạp, xe ôm hay taxi. Vì đầu óc luôn nghĩ công việc, giao thông lại hỗn loạn. Ai cũng biết, ông viết nhiều, song Dương Trung Quốc chưa có thời gian làm sách của mình. Số lượng những bài viết ngồn ngộn thông tin, kiến thức xúc cảm về Hà Nội, có thể in chục cuốn sách.

Dương Trung Quốc tóc trắng năm 45 tuổi, mặt giống ông nội (khác là ông nội không để ria). Khi không phải lễ nghi, ông không thích complet, mà thích mặc quần soóc, áo không cổ, đi sandal hoặc giày da cá sấu. Chẳng quá cầu kỳ đồ hiệu, ông tự mua hoặc vợ sắm, từ áo vải lanh đến các đồ mặc, đều tự nhiên. Ông thích màu nâu, yêu hoa loa kèn, hồng các màu, cúc tím như vợ. Mùa vợ chồng ông cùng yêu nhất là mùa thu có món cốm tuyệt vời.

Nhấm nháp chén trà sen, bà Hằng thủ thỉ: “Đây là chè của các cụ làng Lim vốn quý ông Quốc, mỗi Tết biếu chỉ một lạng, sao tẩm kỹ”. Bà vốn học ĐH Kinh tế, đã nghỉ hưu 5 năm, là cán bộ tài vụ lâu năm của Hội ĐAVN; nhưng bà không bao giờ hỏi thu nhập của chồng, đưa bao nhiêu, bà theo đấy mà lo liệu. Ông đi đâu, làm gì bà không tra hỏi và nhất là không động đến phòng, đồ riêng. Chỉ dịp Tết họ được gần nhau nhiều nhất. Tết nào ông Quốc cũng tự mua cành đào phai và sáng mồng Một cả nhà quây quần chụp ảnh.

Tình sử ông bà Quốc - Hằng là câu chuyện đẹp gắn với Hà Nội thời nghèo mà đẹp, lãng mạn vô cùng. Thân phụ của bà Hằng - cụ Nguyễn Quang Hội là thành viên tổ lái làm cho Air France, qua đời năm 1953 vì tai nạn máy bay, khi ấy, Nguyễn Cường, người anh cả 10 tuổi còn Thu Hằng lên 3. Nguyễn Cường chơi với anh cả Dương Trung Quốc, rồi hai bà mẹ thân nhau. Là con thứ tư trong gia đình 5 anh em, hai chị gái đi học xa, từ lúc nhỏ Thu Hằng đã tháo vát tảo tần, cơm nước nhà cửa chu toàn, hồn nhiên lớn lên mà không biết chàng Quốc cao 1m73 đôn hậu tốt bụng đã để ý từ lúc mình 15 tuổi. Bảy năm sau, 22 tuổi bà mới biết yêu, tự cảm, rồi yêu mối tình đầu và duy nhất của đời bà. “Thời ấy, nhát lắm, chẳng dám nắm tay khi đi dạo. Cứ ngồi ở balcon tầng 2 nhà 94 Hàng Bạc, đèn sáng trưng ngắm phố, trò chuyện”.

Họ cưới ngày 6/4/1975. Chú rể đạp xe Vĩnh Cửu cùng các phù rể, họ hàng đi bộ từ Hàng Đường qua Hàng Bạc. Mặc trên đường sợ xấu hổ, sai chú bé mang vest chạy theo, đến gần cửa nhà cô dâu, chú rể mới thay vest màu ghi, chở cô dâu áo dài xanh da trời, cô dâu ôm lay ơn hồng. Sau khi sinh con gái đầu lòng Thu Nga, năm 1979, họ có con gái Thanh Huyền (ý nghĩa là Thành, một tên khác của ông nội Dương Trung Hậu).

Mùa thu, mùa yêu

Ông thích ngắm Hà Nội trong chậm rãi êm đềm, thơ mộng, để hồi tưởng và lãng mạn tận lực, gìn giữ những hình ảnh đó bằng hết cả khả năng. Sắp tới, ông Quốc sẽ hiến phần lớn gia tài sách của mình cho trường Chu Văn An, trường cũ của ông để lập tủ sách Nguyễn Mạnh Tường, vị luật sư đã lấy 2 bằng tiến sĩ Luật, Văn chương tại Pháp năm 1930. Khi tôi tỏ ý tiếc sao ông không giữ lại cho con cháu, ông bảo đến giờ chưa thấy đứa nào kế nghiệp, thôi thì chúng tự gây dựng. Con gái lớn của ông Quốc học Luật nay làm designer, cô út làm ngân hàng.

Được hỏi về việc chiếm giữ được người tài năng, có duyên, râu trắng tóc trắng, bao người tấm tắc, bà Hằng cười tươi hết cỡ: “Tôi chẳng bao giờ ghen. Tôi tin chồng và tự trọng. Yêu anh ấy bao năm vì tính cách tâm hồn anh ấy, không phải vì đẹp trai xưa hay kháu lão hiện giờ”. Dương Trung Quốc, người đàn ông 1m73 mảnh khảnh ngày nào, giờ là ông ngoại. Không ai thấy tình yêu nào khác nơi ông, ngoài tình yêu dành cho Hà Nội, cho người thân, cho văn hóa nghệ thuật và chính mình.

Lúc yêu nhau chàng trai Dương Trung Quốc thường đạp xe đón người yêu mỗi chiều đi làm về. Thu Hằng da trắng bóc, tóc ngang vai, lúm đồng tiền, trông rất tươi, phúc hậu ... Cảnh lãng mạn nhất là Quốc chở người yêu bằng xe đạp quanh từ Hồ Tây vừa đi vừa tâm tình (không dừng lại để hôn lần nào!). Đến tận bây giờ, họ chưa có dịp vòng quanh Hồ Tây lần nữa, không có thời gian, họ chỉ đi qua đường Thanh Niên hay thả bộ cùng nhau.

Họ vẫn còn tâm hồn trẻ. Và hẹn nhau một ngày cuối thu, sẽ cùng đi dạo qua phố cổ, trở lại Cổ Ngư để nhớ tuổi trẻ của mình. Lần này, họ sẽ dừng lại bên Hồ Tây.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm