28/08/2014 07:31 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sáng nay, 28/8, Nhà hát Kịch Hà Nội vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của họa sĩ, nhà điêu khắc, NSƯT Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - với nhiều xúc cảm và kỷ niệm độc đáo dành riêng cho “thương hiệu kịch nói” hàng đầu Việt Nam.
1. Nghề nghiệp và công việc cho tôi gắn bó mật thiết với sâu khấu hầu suốt cuộc đời mình. Trước ngày kỷ niệm niệm 55 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi có cơ hội được trẻ ra, khi nối thời gian - không gian 3D vào một vùng nghệ thuật từ ký ức niên thiếu. Những xúc cảm chân thành của tôi, sẻ chia bằng tinh thần của một nghệ sĩ, mãi là như vậy.
Được đào tạo bài bản về điêu khắc, năm 1980, tôi về công tác tại Nhà hát Múa rối Việt Nam (từ năm 1982-1987, tôi quay về trường học hội họa). 30 năm làm tạo hình rối, viết kịch bản - đạo diễn các vở rối, tôi vẫn duy trì việc vẽ tranh, làm điêu khắc - năng khiếu tôi có và được cha mẹ cho học từ nhỏ. Bởi công việc biểu diễn liên quan chặt chẽ đến người xem, dù là các loại hình nghệ thuật khác nhau, tôi rất chú ý tới tính hấp dẫn của mỗi vở diễn. Thiện cảm, ấn tượng của khán giả là nền tảng cho sự thành công, dấu ấn của mỗi người, tác phẩm, lớn hơn là của các đơn vị nghệ thuật.
Tôi nhớ những năm chiến tranh chống Mỹ, thiếu thốn vật chất, vất vả, lại bom đạn, sơ tán, Thủ đô Hà Nội vẫn là thành phố văn hóa hàng đầu đất nước, không chỉ ở bề dày văn hiến nghìn năm, mà còn là môi trường, đời sống tinh thần của người Hà Nội. Có thể thiếu ăn thiếu mặc, song chưa bao giờ người Hà Nội túng thiếu văn hóa văn nghệ. Điện ảnh - sân khấu lên ngôi, được chú trọng, được hâm mộ mê say, chính ở thời chiến tranh, bao cấp ấy. Đây cũng là thời hoàng kim của Kịch Hà Nội, kéo dài nhiều năm.
Trong căn nhà rất chật 18m2 (7 nhân khẩu) tại Khu tập thể Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (111 Lò Đúc), chúng tôi đã say sưa sáng tác. Nhà hẹp, lại đầy sách, tranh, tượng. Tôi được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, hít thở khí quyển nghệ thuật từ gia đình tới môi trường tinh thần. Bố mẹ tôi đều ưa thích Kịch Hà Nội. (Bố của NSƯT Vương Duy Biên là họa sĩ, nhà nghiên cứu Vương Như Chiêm, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 1985 - 1990 và mẹ của ông là nhà văn - nhà báo Lý Thị Trung - người tham gia sáng lập và là phụ trách đầu tiên của báo Phụ nữ Thủ đô).
Năm 1969, tôi đã gọt tượng Bác Hồ bằng phấn viết bảng, làm phù điêu Bác Phạm Văn Đồng bằng đất sét, thạch cao.
Niềm yêu thích hội họa - văn chương, do dòng máu mẹ cha, lại được chia sẻ bởi không khí giao tiếp, qua những người bạn của bố mẹ và cả bạn tôi, trong đó có anh em ruột Thụy Lân - Y Lan, con của tác giả Bửu Tiến.
Gần 10 năm sau, năm 1978, tôi là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thích xem kịch Hà Nội, tôi để dành tiền mua vé, đạp xe tới rạp Công Nhân, có lúc đi bộ từ Lò Đúc ra Tràng Tiền hơn 1km, dẫu có xa hơn - chẳng sá gì!
Tôi xem vở Âm mưu tình yêu, khâm phục và thích thú đặc biệt. Ấn tượng ấy mạnh đến mức, giờ đây, sau 36 năm, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc tối hôm đó. Buổi diễn còn chất chứa một kỷ niệm "kép": tôi nhận ra cô bạn năm xưa, trong vai tiểu thư Louise. Cô ấy lấy nghệ danh Đam Ka. Vẫn đôi mắt to tròn ấy, anh em Đam Ka học cùng tôi lớp 6 trường Nguyễn Công Trứ. Lên lớp 7 thì tôi vào trung cấp Mỹ thuật thuộc Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu. Sau khi tốt nghiệp Trường Sân khấu Việt Nam, anh em Y Lan cùng về Đoàn Kịch nói Hà Nội, với tên Đam San, Đam Ka.
Đam Ka theo nghề được 10 năm thì theo người chồng Đức sang Đức định cư từ 1987, anh trai cũng xuất ngoại, tôi chỉ biết vậy và mất liên lạc. Chừng 20 năm sau khi Đam Ka xa Hà Nội, tôi mới gặp lại bạn, chỉ qua... tiếng nói. Có vài lần công tác qua Đức, tôi đã nhờ người tìm được số điện thoại Đam Ka. Cô ấy không ở Berlin và thời gian tôi ở Đức rất ít, nên Đam Ka không lên gặp được. Đam Ka nói, vẫn nhớ Biên cùng lớp, mặt bầu.
2. Bây giờ, tóc đã bạc lại thêm đôi kính cận, nhiều thứ đổi thay, song tôi thấy Kịch Hà Nội vẫn giữ được chất của mình, chất ấy là phong cách riêng có mà tôi đã lưu nhớ từ Âm mưu tình yêu và nhiều vở khác.
Là một người con Hà Nội, tôi tự hào về Hà Nội có phong vị kịch của riêng mình. Đài từ của diễn viên Kịch Hà Nội rất hay, như tiếng nói Hà Nội không bao giờ ào ạt, mà sâu lắng. Những vở diễn là mốc của mỗi giai đoạn đều có chiều sâu, làm nên thương hiệu bản sắc trong nền sân khấu Việt Nam.
Tôi luôn dõi theo Kịch Hà Nội, để đến nay, thấy mình là người bạn đồng hành.
Là Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tháng 7/2012 ở Huế, tôi có kỷ niệm trao Huy chương Vàng cho vở Những mặt người thấp thoáng của Nhà hát Kịch Hà Nội, Giám đốc - NSND Hoàng Dũng lên nhận.
Từ "chấn động" khi xem Âm mưu tình yêu, rồi quen biết và ngưỡng mộ NSND Hoàng Cúc, tôi đã có ý định cộng tác với Nhà hát Kịch Hà Nội. Tôi cũng ấn tượng với vẻ đẹp mong manh và diễn xuất của NSƯT Thu Hà 24 năm trước, khi xem chị đóng Út Vân - bạn gái Nguyễn Tất Thành trong phim truyện nhựa Hẹn gặp lại Sài Gòn. Với Thu Hà, tôi được xem phim nhiều hơn kịch. Thực ra, tôi chú ý đến chị từ vai tiểu thư Nga trong phim Lá ngọc cành vàng trước đó.
Làm con rối, nặn tượng, đạo diễn múa rối, viết báo... ở cương vị nào, bận đến đâu, tôi cũng không quên vẽ và muốn trở lại làm sân khấu.
Từng thiết kế mỹ thuật cho một vở của Nhà hát Chèo Việt Nam, tôi tiếc khi chưa làm sâu khấu cho kịch nói, cho Kịch Hà Nội.
Hôm nay, tôi mới thổ lộ ra điều này, sự chín của niềm trân trọng, yêu mến.
Tôi rất bận vì ngoài công việc ở Bộ, còn đang chuẩn bị triển lãm cá nhân cuối năm 2014. Nhưng, riêng với Nhà hát Kịch Hà Nội tôi không thể vắng mặt trong ngày hội kỷ niệm 55 năm. Và rất vui, thú vị, nếu có cơ hội làm một vở kịch, như là kỷ niệm quý báu với nhau, bằng trách nhiệm và tình cảm của một nghệ sĩ yêu Kịch Hà Nội.
Thứ trưởng Vương Duy Biên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất