25/11/2020 06:50 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Tuồng - Tấm gương tâm khảm của Nguyễn Ngọc Vũ đang diễn ra tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM) mang lại cho người xem cảm nhận khác về một loại hình nghệ thuật cổ điển đang bên bờ vực biến mất. Vì vậy mà, dù gián tiếp, nhưng qua triển lãm này, tuồng (còn gọi là hát bộ, hát bội) được gợi nhớ để có thêm một sức sống mới, ít nhất trong cái nhìn siêu thực cực đại (maximalist surrealism) của một nghệ sĩ trẻ.
1. Nguyễn Ngọc Vũ sinh năm 1991, bắt đầu đến với tuồng từ khi làm đồ án tốt nghiệp đại học ở Malaysia. Lúc ấy, Vũ muốn tìm hiểu sâu hơn về các loại nghệ thuật văn hóa bản địa, đã thú vị với tuồng, một trong vài bộ môn trình diễn có tính hàn lâm đầu tiên của Việt Nam. Điều này sau đó đã được Vũ tiếp tục áp dụng một phần trong 2 triển lãm cá nhân là Play (2017) và Strange Forest (2019).
Trong nghệ thuật tuồng, vẽ mặt (còn gọi là mặt nạ) là một trong vài yêu cầu bắt buộc, nó vừa là tín hiệu để nhận ra bản tính các nhân vật, vừa là đặc trưng nghệ thuật. Nguyễn Ngọc Vũ lấy mặt nạ và các tín hiệu khác của tuồng để làm cảm hứng soi xét chính mình trong việc sáng tạo, để nhận diện xã hội. Từ đó, Vũ đặt ra những câu hỏi và giả thuyết về con người trong quan hệ với môi trường sống, với xã hội, nơi mà mỗi người sẽ có những cách đối mặt riêng.
Nguyễn Ngọc Vũ rất thích thực hành kết hợp nhiều loại ngôn ngữ và vật liệu, những thứ đã tác động vào bản thân trong nhiều chu kỳ nhận thức và sáng tác. Thời tiểu học, trung học, Nguyễn Ngọc Vũ bị ảnh hưởng bởi truyện tranh comic, truyện tranh manga. Thời đại học, Vũ tìm hiểu về nghệ thuật đại chúng (pop art) và nghệ thuật ý niệm (conceptual art). Tất cả trở thành kinh nghiệm sống, song hành với những điều thú vị, những phản biện, thách thức, làm nên những tác phẩm có tạo hình vui nhộn, phá cách.
Tuồng là một loại hình cổ điển, nhưng Nguyễn Ngọc Vũ không bê nguyên xi, cũng không phê phán trực tiếp, mà chỉ phản biện gián tiếp, để tìm ra một sức sống mới. Bằng cái nhìn siêu thực cực đại, Nguyễn Ngọc Vũ tăng màu sắc, tăng độ rực rỡ, tăng nét vẽ ấn tượng đến mức siêu thực cho tác phẩm. Dường như Vũ muốn nói rằng khi các tín hiệu tuồng đi vào cuộc sống đương thời là phải chuyên chở thêm nhiều chất liệu, nhiều gánh nặng khác.
2. Nhìn lại lịch sử thị giác, ta thấy tinh thần cực đại (maximalist) luôn khuyến khích sự pha trộn giữa nghệ thuật hiện thời và nghệ thuật trong quá khứ, dùng các kỹ nghệ hiện đại để phục dựng các hình ảnh, các cảm hứng bắt nguồn từ cổ xưa. Điều này dễ phù hợp với các nghệ sĩ trẻ, có tinh thần phá cách, nhất là khi họ đứng giữa ngã ba của noi theo truyền thống hoặc rẽ lối theo tân kỳ, nhưng không muốn chọn bên nào. Chính tinh thần cực đại đã giúp các nghệ sĩ trẻ vững tin trong việc tìm tòi và dấn bước, cũng như giúp khỏa lấp phần nào kỹ thuật thể hiện có thể còn được chưa chín muồi.
Về thẩm mỹ đương thời, nơi được cho rằng con người tuy đông đúc nhưng khá lẻ loi, do cấu trúc gia đình, huyết thống đang thay đổi, nên các phương án trang trí phức tạp và đa dạng đã được nhiều người chọn lựa.
Xem các tác phẩm tại triển lãm Tuồng - Tấm gương tâm khảm của Nguyễn Ngọc Vũ, có thể nhận ra một phần sự cô đơn và một phần xu hướng phong phú hóa phong cách tạo hình. Vũ muốn mượn sự bề bộn ấy để che bớt cái tôi hơi đơn độc, che bớt nỗi niềm riêng của của mình. Dường như Vũ muốn đặt câu hỏi: Trong lịch sử dài dằng dặc và các tín hiệu bộn bề kia của đời sống, ta đang ở đâu? Trước vẻ quyến rũ đến bí ẩn của tuồng, ta phải làm gì?
Ví dụ như tác phẩm MwF, Vũ kết hợp tranh Lý ngư vọng nguyệt với hình ảnh tướng phiên (tức tướng của ngoại bang) râu đỏ. Trong khi con cá chép có mặt màu đỏ, tượng trưng cho sự thẳng thắn, trí dũng, nghĩa khí, trung liệt. Rõ ràng “mối hòa khí” này cần sự rõ ràng, bản lĩnh.
Hoặc tác phẩm Immortality, đó là những hình ảnh đã thành bất tử trong lòng người dân yêu nước ở Việt Nam, nên đi vào nhiều loại hình tác phẩm, trong đó có tuồng. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 43) không chỉ mở ra một cánh cửa quan trọng trong ý thức giành độc lập, khai quốc, mà còn là biểu tượng nữ lưu hào kiệt sớm của cả nhân loại.
Hoặc như tác phẩm Us, đó là cách Vũ gián tiếp nói rằng thì hiện tại kiểu gì cũng có liên kết với thì quá khứ, nên những hình ảnh từ tuồng vẫn hiện diện trong đời sống hôm nay v.v…
Sau bộ tác phẩm lấy cảm hứng từ tuồng này, Nguyễn Ngọc Vũ sẽ đào sâu hơn về những câu chuyện dị bản của cổ tích Việt Nam, đi vào những vấn đề được cho là chưa chuẩn với thuần phong mỹ tục. Về hình thức thể hiện, Vũ sẽ kết hợp từ tranh dân gian và phim hoạt hình.
Triển lãm Tuồng - Tấm gương tâm khảm sẽ kéo dài đến hết ngày 28/11/2020, vào cửa tự do. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất