09/05/2009 15:01 GMT+7 | Văn hoá
Vở nhạc kịch đầu tiên của TP.HCM
Âm nhạc của vở vũ kịch này được sáng tác trước, sau đó dựng múa trên nền nhạc đó chứ không phải nhạc sáng tác theo múa đã dàn dựng sẵn. Vì vậy âm nhạc mang tính chủ động sáng tạo độc lập, đó cũng là điều mà các nhạc sĩ trên thế giới thường làm để “giao hưởng hóa” nhạc múa. Đến giữa năm 1998 thì tác phẩm hoàn thành và được biểu diễn lần đầu tiên trong Liên hoan ca múa nhạc mừng 300 Sài Gòn - TP.HCM. Ngay trong liên hoan này nó đã giành được giải thưởng đặc biệt và 2 diễn viên chính Yến Xuân, Tấn Lộc (vai Mỵ Châu và Trọng Thủy) được nhận giải diễn viên xuất sắc.
Trước đó Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM có dàn dựng vở Lục bình tím nhưng vì nhiều lý do, nó không thành hình được. Vì vậy Ngọc trai đỏ được xem là vở vũ kịch đầu tiên của TP.HCM.
Ngọc trai đỏ… lung linh
Ngọc trai đỏ trước hết hấp dẫn về mặt kịch bản, một huyền thoại chuyện tình hầu như mọi người Việt Nam đều biết. Tuy nhiên từ câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy để xây dựng vũ kịch Ngọc trai đỏ, nhóm tác giả đã khai thác yếu tố lãng mạn và bi kịch để tôn vinh tình yêu, một tình yêu mãnh liệt vượt lên trên cả những ý đồ đen tối trong câu chuyện.
Về ngôn ngữ múa, nó là sự sáng tạo nhuần nhuyễn, kết hợp múa của Việt Nam với múa cổ điển châu Âu và được cấu trúc theo hình thức ballet của châu Âu. Đặc biệt Ngọc trai đỏ được trình diễn với giày mũi cứng, sử dụng những kỹ thuật đặc sắc của múa cổ điển châu Âu.
Âm nhạc trong Ngọc trai đỏ vừa mang tính chất trữ tình vừa có tiết tấu của múa. Các chủ đề âm nhạc đã khắc họa được tính cách của nhân vật. Đặc biệt với ngôn ngữ âm nhạc rất Việt Nam được hình thành bởi kỹ thuật đối âm của phức điệu châu Âu, các giai điệu âm nhạc vừa có tính “múa” vừa thể hiện được sự “dữ dội” và triết lý sâu sắc, các chủ đề bện chặt với nhau. Cũng với kỹ thuật đối âm, nhiều giai điệu mang tính chất Việt Nam được kết hợp để tạo nên một ngôn ngữ “hòa âm” mới không theo cách của châu Âu. Điểm sáng trong âm nhạc của Ngọc trai đỏ có thể ví như những bản nhạc phức điệu đầy màu sắc Việt Nam, dữ dội nhưng cũng lung linh, huyền ảo. Chính phần âm nhạc này, sau đó GS Ca Lê Thuần đã “biên tập” lại thành Tổ khúc giao hưởng Ngọc trai đỏ, có thể biểu diễn như một tác phẩm khí nhạc độc lập.
GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần sinh năm 1938, quê Mỏ Cày, Bến Tre. Tốt nghiệp cả 2 bằng lý luận và sáng tác tại Liên Xô (cũ). Ông là nhà lý luận âm nhạc, nhà sáng tác và là nhà quản lý văn hóa. Từng làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM... nhưng ông luôn nói: “Tôi vẫn là nhà giáo”. Là một nhà sư phạm với kiến thức uyên thâm, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ nhà giáo, nhạc sĩ xuất sắc. Ông sáng tác cũng với mục đích phục vụ cho giảng dạy, nhiều tác phẩm của ông được dùng trong giáo trình giảng dạy của các nhạc viện. |
Hữu Trịnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất