Nghệ thuật đương đại Việt: Đã vượt được ngưỡng 100.000 USD?

01/07/2016 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không hề có ý phân biệt về giới, nhưng nếu nhìn vào kết quả các phiên giao dịch công khai và chuyên nghiệp, thì nghệ thuật Việt đương đại (theo nghĩa tác giả còn sống) chưa có “công chúa” nào vượt ngưỡng 100.000 USD.

>>> Chuyên đề: Giấc mơ "triệu đô" của tranh Việt

Nhưng các “hoàng tử” về giá thì cũng đã có vài người được cho là đã vượt được ngưỡng này như Dinh Q.Lê, Lê Kinh Tài, Bùi Công Khánh, Bùi Hữu Hùng, Lê Quảng Hà…

Vào lúc 18h30 ngày 23/6 tại The Factory Contemporary Art Centre (15 Nguyễn Ư Dĩ, quận 2, TP.HCM) khai mạc triển lãm Lạc chốn của Bùi Công Khánh.

Đây là bộ tác phẩm được chạm khắc từ gỗ mít, diễn tả sự tinh tế, xa hoa đầy mỉa mai, một thời của văn minh cung đình với các quan niệm về tâm linh, chiến tranh. Bộ tác phẩm này sẽ tham gia Singapore Biennale 2016, và nghe nói được Bảo tàng Mỹ thuật Singapore ngắm để mua trưng bày với giá tương đương 100 ngàn USD.


Một góc tác phẩm "Lạc chốn" của Bùi Công Khánh. Ảnh: Đại Ngô

Năm 2014 Bùi Công Khánh (sinh 1972 tại Hội An) được đồn là bán cho bảo tàng này bộ tác phẩm đa phương tiện về cơm gà Hội An (tên tiếng Anh là Chicken Rice In The Border) với giá cũng rất tương xứng với công sức bỏ ra, trên 100 ngàn USD. Rất tiếc, đến nay thì phía bảo tàng và Bùi Công Khánh vẫn chưa muốn công bố con số chính thức, vì vẫn trong giai đoạn đàm phán để chốt hợp đồng.

Năm 2005, nghệ sĩ Mỹ gốc Việt Dinh Q.Lê (sinh 1968 tại Hà Tiên) đọc báo thấy hai anh Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh chế tạo trực thăng, anh liền làm phim tài liệu về họ.

Phim này được trình chiếu tại Úc năm 2006, tại Singapore năm 2008 và nhiều nơi khác, sau đó Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMA, New York) đã bay sang xin mua với giá hơn trăm ngàn USD. Hiện cả phim và chiếc máy bay đều trong bộ sưu tập vĩnh viễn của bảo tàng này.

Gần đây, Lê Kinh Tài (sinh 1967 tại Đà Nẵng) đã bán một vài tác phẩm trên 150 ngàn USD (theo hợp đồng mua bán). Nhìn lại 10 năm qua, với phong cách “nguệch họa”, mà nói như chính họa sĩ này là “vẽ tầm xàm, vẽ tào lao mía lao” có sức tăng trưởng mạnh mẽ nhất, cao hơn 10 lần.

Tác phẩm của Lê Kinh Tài cũng đang được vài giám tuyển, nhà môi giới hướng đến các sự kiện thị trường lớn như Art Basel, nên chắc chắn giá bán còn leo thang chóng mặt.


Tác phẩm "Giấc mộng ban ngày" (sơn dầu - sơn thỏi và acrylic trên bố, 155 x 300 cm, 2009) của Lê Kinh Tài được một nhà sưu tập Việt Nam mua với giá 158.000 USD

Các họa sĩ như Bùi Hữu Hùng (sinh 1957 tại Hà Nội), Lê Quảng Hà (sinh 1963 tại Hà Nội), Đặng Xuân Hòa (sinh năm 1959 tại Hà Nội)… cũng đã có một vài tác phẩm được bán lại với giá tròm trèm 100 ngàn USD. Những tác phẩm phê phán hiện thực của Lê Quảng Hà, sơn mài cảm hứng từ triều đình Huế của Bùi Hữu Hùng… sẽ còn tăng giá trong tương lai không xa.

Dù trên các thị trường nghệ thuật thế giới giá tác phẩm của Việt Nam chưa cao, tên tuổi chưa nhiều, nhưng nếu thời kỳ đầu có Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Bùi Xuân Phái, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Hoàng Tích Chù, Alix Aymé, Joseph Inguimberty, Than Trần Phềnh, Tạ Tỵ, Lê Văn Đệ… thì thời sau này có Đỗ Quang Em, Dinh Q.Lê, Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Lê Kinh Tài, Lê Quảng Hà, Bùi Công Khánh, Bùi Hữu Hùng…

Nói chung cũng có hơn 50 cái tên được quốc tế dòm ngó, nhiều người trong số họ sẽ có tác phẩm vượt ngưỡng 100 ngàn USD. Như từ cuối năm 1999, tờ The Wall Street Journal đã dự báo tác phẩm của Đỗ Quang Em sẽ vượt 100 ngàn USD, dù đến nay chưa thành hiện thực, nhưng sức tăng trưởng là có thể nhìn thấy.

Hiền Hòa
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm