Nghệ sĩ đầu tiên đưa 'Văn chiêu hồn' vào nghệ thuật thị giác

23/05/2018 06:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Văn tế thập loại chúng sinh của Phạm Trần Việt Nam kéo dài đến hết ngày 13/7/2018 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (TP.HCM). Đây có lẽ là nghệ sĩ Việt đầu tiên lấy cảm hứng từ Văn tế thập loại chúng sinh (quen gọi: Văn chiêu hồn, hoặc: Văn tế chiêu hồn) của Nguyễn Du để đưa vào nghệ thuật thị giác, với những tác phẩm công phu, đồ sộ.

Được sự đồng ý của họa sĩ - giám tuyển Trần Lương, chúng tôi xin trích in một phần bài nghiên cứu của anh về triển lãm đặc biệt này. Tựa bài và các tít phụ do Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đặt.

Vẽ như vô chiêu

Đã từng yêu thích và tôn thờ, rồi thất vọng và ghét bỏ. Để rồi khi trở lại, nghệ thuật thị giác của Phạm Trần Việt Nam đã không còn là thực thể đối trọng, mà trở thành một phần của bản thể đầy mâu thuẫn, nhưng không thể tách rời. Vì thế không có sự tiếc nuối về “mối quan hệ”, hoặc khuôn phép ứng xử nào giữa anh với nghệ thuật. Anh chà xát, dày vò vật liệu, thậm chí không ngần ngại cắt nát nhiều bức tranh khổ lớn để tái cấu trúc chúng trong một tác phẩm khác, như một cuộc hồi sinh.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phạm Trần Việt Nam. Ảnh: Văn Bảy

Hành vi “vẽ tranh” của Nam làm tôi tĩnh lại để suy nghĩ rất nhiều về cái gọi là “vẽ” và “tranh”. Ở trường hợp của Nam, vai trò của hình thức đã trở thành thứ yếu. Điều này nghe có vẻ vô lý vì tác phẩm vẫn là sản phẩm của hình thức được xây dựng bởi vật liệu sờ được. Nhưng thực sự ở đây không có phương pháp, hay định hướng hình thức nào trong quá trình sáng tạo. Và cũng không có sự “nhờ cậy” làm “người phát ngôn” nào của cảm xúc với hình thức cả. Hình thức cứ “tuột” ra như “vô thức” trực tiếp từ năng lượng của cảm xúc và hơn thế, năng lượng phần nào còn được truyền từ một “sự tồn tại khác”.

Hiện tượng này làm tôi nhớ đến một lý thuyết trong võ học “Vô chiêu thắng hữu chiêu” được điển hình bằng nhân vật Lệnh Hồ Xung trong tiểu thuyết võ học/dã sử/đương đại của Kim Dung. Khi sự rèn luyện và kỹ thuật hòa quyện với tinh thần thông suốt, tức là đã đạt đến mức “thượng thừa”, hoặc “giác ngộ”. Chiêu thức cứ tuột ra mà ứng biến không còn lệ thuộc vào trường phái võ, có thể “thắng” mà không cần sát thương.

Có thể thấy khối lượng công việc mà Nam đã làm cho triển lãm này là rất lớn, nó thách thức sức khỏe và tinh thần. Với thời gian 8 tiếng làm việc “vẽ” trong một ngày và liên tục kéo dài, nhưng tác giả vẫn vượt qua hết tranh lớn này đến tranh lớn khác mà không cho thấy phải cố gắng, mệt mỏi hay cạn năng lượng.

Chú thích ảnh
Không gian triển lãm “Văn tế thập loại chúng sinh”. Ảnh: Lê Thiên Bảo

Từng từ bỏ vẽ và triển lãm

Kể từ trước khi tốt nghiệp năm 2000, Nam đã vẽ khá nhiều tranh sơn dầu mà không sáng tác đúng ngành đã học: điêu khắc. Nam đã có triển lãm cá nhân ở Sài Gòn và Hà Nội, cùng một số triển lãm nhóm khác trong và ngoài nước. Cùng lúc anh thành lập ban nhạc Giao Chỉ, nhóm nhạc mang phong cách indie rock, chuyên biểu diễn ngoài luồng với những nhóm khán giả đặc biệt.

Tranh của Nam giai đoạn đầu mang nhiều triết lý và đề tài to tát, như tác phẩm The Last Supper, diễn tả sự tức giận và phản kháng có hơi hướng bạo lực. Hòa sắc mạnh, tương phản ánh kim xanh lè, lửa đỏ cùng ráng vàng từ địa ngục. Vào lúc đó, so với các nghệ sĩ trẻ cùng lứa anh có vẻ như đã đạt được những thành công nhất định.

Nhưng không! Rất nhanh Nam đã tự thất vọng về mình. Anh bỏ vẽ đi buôn bán từ năm 2011, mở một quán cà phê rất lớn tại quận Gò Vấp (TP.HCM), một quán ăn tại Đà Nẵng, cả hai đều tiến triển tốt. Nhưng một ngày Hè năm 2013, Nam gọi điện từ TP.HCM nói đại ý rằng không bỏ được hội họa, nhưng lại vẫn ghét cái gọi là hội họa mà mình đã từng làm, cũng như hầu hết các hình thức hội họa hiện đại Việt Nam vào thời điểm đó.

Ba tháng sau, Nam lại gọi và bảo vừa làm xong một loạt tranh, tôi liền bay vào xem. Trước mắt tôi là “cái gì” hoàn toàn khác! Hòa sắc và hình vẫn có chút hơi hướng của loạt tranh cũ, nhưng tinh thần và cấu trúc thì khác hẳn: Sâu hiểm, kỳ bí, chết chóc, nhưng lại tự tại như chuyện đã rồi. Tranh trước kia thì hằn học và cùng đường, còn tranh bây giờ lại thản nhiên và có phần bay bổng, chúng như một thế giới hòa quyện, không mặc cảm của sự sống và cái chết. Trên tường của xưởng vẽ thì đầy những dòng chữ rời rạc và giật cục, đó là sự pha trộn giữa những từ cảm thán với các từ đơn độc nhặt từ triết học, tôn giáo, văn chương...

Trong giai đoạn từ 2013 đến đầu 2015 tôi đã thất bại trong việc thuyết phục Nam tham gia các triển lãm mà tôi giám tuyển. Ngay đến tận năm 2017 tác giả còn từ chối tham gia một sự kiện chung của các tác giả trẻ do Saatchi Gallery tổ chức tại London. Rất may, Phạm Trần Việt Nam đã vượt qua cơn trầm cảm, đã “hồi tâm chuyển ý” để trở lại, để chia sẻ cùng chúng ta trong một triển lãm quy mô và thú vị như thế này.

Linh hồn là bình đẳng

Với 184 câu thơ chữ Nôm, theo thể song thất lục bát, Văn chiêu hồn là một niềm cảm thương về linh hồn của thập loại chúng sinh - nghĩa là cả xã hội. Nơi đây không còn mâu thuẫn giàu nghèo, cao thấp, giỏi dốt… bởi linh hồn của thập loại chúng sinh đều bình đẳng trước nỗi đau, sự bơ vơ. Phạm Trần Việt Nam cho biết tác phẩm của mình cũng diễn đạt về sự bơ vơ, đau khổ và bình đẳng này.

Đến đảo Lý Sơn, gặp những người chiêu hồn ngư dân

Đến đảo Lý Sơn, gặp những người chiêu hồn ngư dân

Không làng chài nào có những ngôi mộ chiêu hồn cho người đi biển như Lý Sơn (Quảng Ngãi. Nhưng tới giờ, cũng chỉ còn duy nhất gia đình anh Võ Văn Nhành là theo đuổi nghề nặn “hình nhân chết thế”.

Trần Lương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm