Ảnh = Ký ức = Lịch sử: 'Đám tang hoàng đế' cuối cùng

29/08/2022 19:31 GMT+7 | Văn hoá

Kể từ lúc thực dân Pháp nổ súng xâm lược (1858) cho đến lúc chế độ thuộc địa sụp đổ (1945), triều đại nhà Nguyễn còn trải qua 8 đời vua. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử, chỉ có 2 vị hoàng đế Đồng Khánh (1885-1889) và Khải Định (1916-1925) có cái chết được gọi là “băng hà”.

Sách 'Bảo tàng Khải Định': Từ bảo tàng cổ vật hàng đầu đến cảm hứng huyền thoại

Sách 'Bảo tàng Khải Định': Từ bảo tàng cổ vật hàng đầu đến cảm hứng huyền thoại

Hơn 100 năm trước, ngày 16/11/1913, "Hội Những người bạn cố đô Huế" (Association des Amis du Vieux Hué, thường gọi là B.A.V.H.) đã ra mắt, sau đó xuất bản tập san cùng tên.

1. Hoàng đế Tự Đức băng hà sau một phần tư thế kỷ chèo chống mà không cản nổi sức xâm lăng của thực dân, đã để mất hoàn toàn 6 tỉnh Nam kỳ. Lăng Tự Đức xây rất to rất đẹp, nhưng dựng sẵn tấm bia tự thừa nhận sự bất lực và thất bại khi để quốc gia tan nát trước họa ngoại xâm và giao mình cho“lịch sử phán xét”. Đám tang của vị hoàng đế trị vì lâu nhất (1847-1883) diễn ra lặng lẽ giữa lúc số phận quốc gia đang nguy biến, vương triều hỗn loạn.

Nỗ lực của các vị đại thần nhiếp chính như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường cũng không cứu vãn nổi. Đưa Dục Đức lên ngôi được 3 ngày đã phế truất, bỏ đói chết trong ngục thất; Hiệp Hòa chưa kịp đăng quang đã phải ký vào Hiệp ước Quý Mùi (25/8/1883) nhận sự bảo hộ của Pháp rồi cũng bị phế truất và bắt uống thuốc độc mà chết. Người kế nhiệm là Kiến Phúc cùng chỉ tại vị được có 8 tháng, rồi bị bức tử khi mới 15 tuổi. Chẳng có một nghi thức nào dành cho cái chết của những vị hoàng đế xấu số này.

Chú thích ảnh
Khải Định với các loại huân chương và phù hiệu, trang sức

Hoàng đế thứ 8 là Hàm Nghi lên ngôi tháng 8/1884, lóe sáng bằng một cuộc nổi dậy chống Pháp và giống như hai người kế nghiệp sau này là Thành Thái và Duy Tân, đều bị thực dân phế truất, rồi đầy ra đảo xa. Cả ba vị phế đế yêu nước ấy đều kết thúc cuộc đời thầm lặng trong những hoàn cảnh khác nhau. Hàm Nghi qua đời tại Algérie (Bắc Phi) ngày 14/1/1944. Thành Thái được trở về quê hương và mất tại Sài Gòn (20/3/1954). Riêng cựu hoàng Duy Tân đã toan trở về tổ quốc, mong tiếp tục sự nghiệp chính trị, nhưng tử nạn khi máy bay bị rơi ở Trung Phi (26/12/1945). Còn vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, Bảo Đại tại vị được 20 năm, từ 1925 cho đến khi tự tuyên bố thoái vị 31/8/1945, thì kết thúc trong thân phận một cựu hoàng, một chính khách lưu vong, qua đời ở Paris (31/7/1997).

Đồng Khánh là người hoàn toàn do thực dân Pháp dựng lên để đánh dẹp Hàm Nghi - vị hoàng đế đã rời kinh thành tổ chức kháng chiến Cần vương chống Pháp. Vị hoàng đế đầy công huân với thực dân này cũng chỉ tại vị được có 3 năm và 131 ngày (từ 19/9/1885 đến 28/2/1889), hưởng dương 24 tuổi, có xây lăng tẩm (Tư Lăng), nhưng cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy một tấm ảnh nào. Sự lặng lẽ ấy cũng hợp với khung cảnh đất nước và kinh thành sau một cơn đại biến loạn, nền cai trị của thực dân và triều đình thân Pháp vẫn còn nghiêng ngửa, mà hai vị hoàng đế kế vị là Thành Thái và Duy Tân là bằng chứng?!

Chú thích ảnh
Lễ động quan ở điện Càn Thành

2. Với bối cảnh như thế, đám tang của Hoàng đế Khải Định (1885-1925) có thể được coi là sự kiện đình đám nhất trong lịch sử của triều Nguyễn thời cận đại. Tuy ông không phải là hoàng đế cuối cùng, nhưng xét ở khía cạnh quốc tang, thì đây như là “đám tang hoàng đế” cuối cùng.

Kế vị vị hoàng đế yêu nước Duy Tân đã bị thực dân lưu đầy, Khải Định lên ngôi vào năm 1916, thời điểm Thế chiến I đang diễn ra ác liệt, nhưng ở thuộc địa Đông Dương thì tương đối ổn định. Sau khi thế chiến kết thúc là bước vào cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, được coi là thời kỳ hoàng kim của xứ Đông Dương.

Chú thích ảnh
Vua Bảo Ðại mặc tang phục đứng kế bên quan tài

Khải Định không thể nói khác là một “ông vua bù nhìn”, điều mà nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã từng công khai lên án. Nhưng cũng là một người đứng đầu triều đình có nhiều ý tưởng cách tân về hình thức, mà biểu hiện rõ nhất là trang phục và lăng tẩm. Khải Định cũng là vị hoàng đế đầu tiên du hành sang nước Pháp và gửi thế tử sang đào tạo trong nền giáo dục Tây phương.

Trong bối cảnh ấy, đám tang của Khải Định trở thành một sự kiện lớn, được giới truyền thông và chính trị quan tâm. Số lượng ảnh từ nhiều nguồn khác nhau: Phủ Toàn quyền, các tổ chức khoa học như Hội Đô thành hiếu cổ, giới truyền thông… để lại rất nhiều hình ảnh có chất lượng. Riêng hiệu ảnh Tăng Vinh ở Huế cũng chụp và phát hành album để bán…

Có thể nói, việc khảo sát nghi thức một đám tang hoàng đế (quốc tang) thì đám tang Khải Định là một nguồn sử liệu có giá trị.

Có điều cần nói thêm, năm 1922 Khải Định qua thăm nước Pháp và hội chợ Marseille, đến năm 1924 thì tổ chức rất linh đình ngày Tứ tuần đại khánh (sinh nhật 40 tuổi). Nhưng chẳng bao lâu sau (6/11/1925) thì băng hà, đám tang kéo dài từ 31/1/1926 (phát tang) cho đến 3/3/1926 mới an vị thi hài trong Ứng Lăng. Các sự kiện ấy đều được chụp ảnh rất nhiều và có thể nói ảnh tư liệu về vị hoàng đế này là kỷ lục.

Chú thích ảnh
Kiệu tang
Chú thích ảnh
Voi cung đình dẫn đầu đám tang
Chú thích ảnh
Đoàn đưa đám tang đi ra cổng thành
Chú thích ảnh
Toàn quyền Pháp đến dự lễ
Chú thích ảnh
Tấm triện ghi tên họ và chức tước của vua
Chú thích ảnh
Đoàn sư dẫn hương linh
Chú thích ảnh
Chuyển quan tài vào lăng
Chú thích ảnh
Lăng Khải Định
Chú thích ảnh
Lễ động quan với sự hiện diện của những nhân vật quan trọng
Chú thích ảnh
Đoàn hát
Chú thích ảnh
Toàn cảnh lăng
Chú thích ảnh
Bên trong lăng Khải Định
Chú thích ảnh
Điện Kiến Trung bằng giấy
Chú thích ảnh
Đốt đồ mã
Chú thích ảnh
Toàn quyền Alexandre Varenne và Khâm sứ Pierre Pasquier viếng lăng
Chú thích ảnh
Khâm sứ Trung kỳ Pierre Pasquier và đoàn chính phủ Pháp
Chú thích ảnh
Album chụp ảnh đám tang Khải Định do hiệu ảnh Tăng Vinh ở Huế chụp và bán

  QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm