Để tin được nhau bây giờ quả là không đơn giản. Và vì thế, nhiều người tốt đã mất đi cơ hội được sống đúng với lòng tốt của mình. Nhưng nếu để cá cược với lòng tin thì tôi vẫn đặt cửa “tốt” hơn là cửa “xấu”…
* Công nhận kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay… vui ghê cơ! Lần đầu tiên thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi – cứ như đồng loạt thi vào ngành báo, hoặc ngành cảnh sát điều tra ấy chị nhỉ?
- Tôi thì thấy vui ở góc độ: Quyền công dân của những công dân trẻ đang được tôn trọng hết sức có thể, bằng một thái độ cầu thị và một động thái hợp tác rõ ràng là tích cực đấy chứ, từ phía Bộ, sau vụ việc Đồi Ngô...
* Đấy là đứng ngoài nói vào thôi chị ơi! Chứ cứ thử ngồi trong phòng thi, đang căng thẳng chết đi được, tự dưng lại bị một cái máy quay nó chĩa vào mặt, người ngay không khéo trông cũng lúng túng không khác gì kẻ gian đâu chị!
- Ô hay, anh không quay cóp, không gà bài cho thí sinh, thì người ta thừa hơi quay anh làm gì? Cây ngay làm sao phải sợ chết đứng?
* Máy quay “to quyền” thế mà hôm qua, vẫn có một thí sinh mang cả… dao gọt hoa quả vào phòng thi để ép bạn thi cho chép bài đấy chị! Gấu nhỉ?
- Thì đấy, đời sống luôn là như vậy: những mảng sáng và tối đan xen, để không một công cụ nào là hữu hiệu hoàn toàn với tất cả mọi người ở mọi nơi mọi lúc… Nhưng dẫu vậy, theo tôi cũng đừng vội thất vọng về cả cái cậu thí sinh mang dao kia! Vì biết đâu, hành động đấy có thể bắt nguồn từ một áp lực tâm lý quá lớn dẫn đến việc làm quẫn. Điều đáng thất vọng hơn, là vì sao một chiếc dao gọt hoa quả lại có thể đi qua cửa phòng thi một cách dễ dàng như thế…
* Thi ĐH bây giờ xem ra nhiều… “cạm bẫy” hơn thời chúng ta thì phải? Hết máy quay, đến dao gọt hoa quả, lại thêm cả vụ lưu manh đội lốt tình nguyên viên lừa tiền, làm hại nữ sinh nữa chứ!
- Thời của tôi (mà tôi lại còn may mắn vào thẳng ĐH nữa) thì đúng là chưa có các tình nguyện viên nhưng những kẻ lưu manh đội lốt này, lốt kia… thì bao giờ chả có (tiếc là đội lốt tình nguyện viên thì quả thật là một câu chuyện buồn)! Thôi thì, trên các nẻo vào đời, mỗi người tốt nhất là nên phải học cách tự phòng vệ cho chính mình, là trước hết…
* Tuần rồi cứ như là một câu chuyện dài về lòng tin ấy chị nhỉ: thí sinh mất tin vào giám thị nên mới phải vác máy vào phòng thi, nữ sinh dại dột đặt lòng tin vào “tình nguyện viên” nên bị lừa tiền, giám thị thì chắc là vì tin… không có chuyện “dân anh chị” đi thi ĐH nên để lọt cửa cái dao gọt hoa quả. Bên cạnh đó, có cả những người tốt cũng không dám mở rộng cửa giúp những thí sinh tỉnh xa một chỗ trọ miễn phí ngay tại nhà mình cũng chỉ vì không dám đặt cược với lòng tin…
- Đúng là, để tin được nhau bây giờ quả là không đơn giản! Và vì thế, nhiều người tốt đã mất đi cơ hội được sống đúng với lòng tốt của mình. Nhưng nếu để cá cược với lòng tin thì tôi vẫn đặt cửa “tốt” hơn là cửa “xấu”. Và tôi cũng tin rằng, nếu như bạn thực sự là người tốt và muốn sống tốt, sống thật nhất với chính bản thân mình, thì tôi nghĩ kiểu gì rồi bạn cũng sẽ tìm được cách cho đi và đặt cược lòng tin một cách an toàn nhất có thể.
* Nói thật với chị là, nhìn cảnh nhà chùa phát cơm cho thí sinh, hay một chủ khách sạn dám dành đến 10 phòng giúp thí sinh tỉnh xa chỗ trọ…, tận thâm tâm tôi cũng thấy áy náy và ngượng nghịu lắm, vì sự vô cảm của mình! Trong khi lẽ ra tôi đã có thể làm khác. Chỉ là, sao nhỉ, cứ như mình luôn bị cấn cá về lòng tin, hoặc ngần ngại thể hiện lòng tốt ở dạng lộ thiên hay sao vậy…
- Cái này thì tôi nghĩ không chỉ bạn đâu, mà nhiều người cũng cảm thấy như vậy. Sống tốt lúc này quả thật chẳng dễ dàng gì, ngay cả khi bản chất của bạn là người tốt. Dù nếu như bạn mạnh dạn hơn một chút, hoặc chỉ cần bạn chịu khó để ý hơn một chút, mất công hơn một chút thì câu chuyện có thể sẽ đơn giản hơn nhiều, thật đấy!
* Chưa chắc đâu chị! Chẳng hạn như ai cũng biết một chân lý ngàn đời rằng: “Phi… tứ chiếng, bất thành Thủ đô”, ấy vậy mà tuần qua, vẫn có một bài báo gây tranh cãi gay gắt vì đã khăng khăng đổ lỗi cho người tỉnh lẻ cái “tội làm bẩn Thủ đô” đấy nhé! Lại thêm một câu chuyện về lòng tin…
- Không phải vì tôi cũng là người tỉnh lẻ mà tôi mới lên tiếng bênh vực chuyện này đây nhé! Mà, chỉ là, tôi thấy: Tại sao, thay vì thương họ - những người tỉnh lẻ phải gặp không biết bao nhiêu khó khăn hơn chúng ta về nơi ở, công ăn việc làm, các mối quan hệ, cả những cú sốc về văn hóa… khi bám trụ Hà Nội, và nên coi họ cũng là một trong những đối tượng cần giúp đỡ, thì chúng ta lại chỉ nghĩ đến việc dễ nhất là đổ lỗi? Bạn đã từng đi ra nước ngoài chưa, từng thấm thía cái cảm giác có một “người nhà quê”, “tỉnh lẻ” trong mình, dù nơi bạn đi là Thủ đô, hay một thành phố lớn nhất nước mình? Tôi ngờ là phải nếm trải cảm giác đó, “cú sốc văn hóa” đó, bạn mới dễ bề thông cảm với những người ngoại tỉnh mà bạn coi là “tội đồ” ở đây. Vì vậy, nếu có thể, hãy cho họ thời gian, cũng như nhìn họ bằng con mắt độ lượng hơn!
* Chị ở Hà Nội tới nay là bao nhiêu năm rồi ấy nhỉ?
- Xem nào, thế mà tròn 25 năm rồi đấy!
* 25 năm ấy, “tội” của “gái Lạng” là gì, và “công” của Hà Nội là gì?
- Là một “gái Lạng” giờ đây đã biết lưu thông trên đường một cách…. biết sợ hơn, không như cái thời “một mình một đường” trên phố núi. Một “gái Lạng” biết nói năng, đi đứng, đối đãi ít nhiều duyên dáng và mềm mại hơn; tiếp thu những cái mới tự tin hơn, khả năng thích nghi và hòa nhập khi đi đến một nơi mới cũng dễ dàng hơn... Nhưng, điều này cũng quan trọng không kém nhé, đó là khi về lại Lạng Sơn, lại vẫn phải là một “gái Lạng xịn”!
* Từng sống một “thời thanh niên sôi nổi”, cũng lại từng nếm không ít vị đắng cuộc đời và có hơn 20 năm đứng trong môi trường ĐH, chị có thể nói cho các bạn thí sinh vừa qua được biết: Điều gì nằm sau cổng trường ĐH?
- Cổng trường ĐH cao vòi vọi, đúng, nhưng một khi đã bước vào, thực tế không khốc liệt đến mức như các bạn tưởng đâu! Vì bên cạnh những khó khăn, bạn vẫn có rất nhiều cơ hội để được sống một “thời thanh niên sôi nổi”! Và vì vậy, sau này, dù có phải nếm những vị đắng, bạn vẫn có thể sống như tôi của ngày hôm nay: Nhìn đời khá là nhẹ nhàng bằng một bản lĩnh sống tương đối vững, đủ để tin mình cũng như tin cuộc đời, và đón nhận những niềm vui, dù là bé nhỏ…
Theo Đẹp