30/04/2022 06:24 GMT+7 | Văn hoá
Vào buổi tối đầu tiên của lễ, cả gia đình quây quần bên bàn tiệc thịnh soạn, ăn bánh mì không men, nhúng các loại rau đắng trong nước muối và đọc sách Haggadah, một cuốn sách đầy những giai thoại, câu đố, trò chơi hỏi đáp... Nhưng thực sự họ ăn mừng điều gì?
Ngày ấy thế giới khác xa hôm nay, cũng là lúc diễn ra câu chuyện ta đang đọc về Lễ Quá Hải, kể về đoàn người trốn chạy khỏi Ai Cập mà ta cũng có thể đọc lại trong Kinh thánh.
Đã có một thời
Ở thời hồng hoang của lịch sử ấy chưa có Liên Hợp Quốc, không ai biết quyền con người là gì, đơn giản kẻ mạnh sẽ thống trị kẻ yếu. Chiếm hữu nô lệ hay dịch bệnh là chuyện thường ngày, cũng rất bình thường khi một bộ lạc tàn sát bộ lạc khác để chiếm đất đai và của cải.
Mô-sê, tiếng Latin là Moses hay Moyses, là nhà lãnh đạo của một dân tộc nô lệ - tên ông ta trong tiếng Ai Cập thực ra có nghĩa đơn giản là “con trai” - yêu cầu Pharaon Ramses Đệ nhị phải trả tự do cho người dân của mình.
Theo ký thuật của Kinh thánh, Mô-sê là một lãnh tụ, nhà tiên tri, người xây dựng luật pháp, và ông nhận được từ Chúa trời trọng trách dẫn dắt dân tộc Do Thái thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Ông là con của một phụ nữ Do Thái và được nhận nuôi để trở thành một thành viên Hoàng gia Ai Cập. Ngày đó Ramses ban lệnh nhấn tất cả trẻ sơ sinh nam người Do Thái xuống sông Nile để đề phòng hậu họa. Để dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ, Mô-sê phải tìm cách băng qua Biển Đỏ, tiến vào hoang mạc và trở về miền Đất Hứa.
Truyền thuyết sống dai
Trong lịch sử nghệ thuật phương Tây nói chung - nhất là văn chương, hội họa và sân khấu - các chủ đề trong Kinh thánh được tiếp nhận và thiên biến vạn hóa cho đến ngày nay. Riêng giai thoại rẽ nước vượt biển của dân Do Thái là mảnh đất màu mỡ cho nhiều tác phẩm sử thi hoành tráng như phim Mười điều răn của đạo diễn Cecil B. DeMille hay Cuộc chiến chống Pharaon của Ridley Scott.
Thực tế là người ta không cần đến thánh thần để ủng hộ giả thuyết này. Một cơn gió mạnh vào đúng thời điểm là xong! Hiện tượng như Scott mô tả ở đây đã diễn ra nhiều lần trên hồ Erie ở Đông Bắc Hoa Kỳ: Nếu cơn bão đủ mạnh, toàn bộ vịnh cảng sẽ bị thổi khô như một vũng lội; không có gì xảy ra với những người đi xuống đáy vịnh. Hoặc cũng có một số địa điểm trên thế giới mà tại đó, khi thủy triều đạt mức đáy, sẽ lộ ra một dải đất dưới đáy biển cạn như một con đường, để rồi khi thủy triều lên, con đường sẽ lại nhanh chóng bị nhấn chìm.
Năm 1798, hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte dẫn binh lính băng qua vịnh Suez, nơi Hồng Hải chia thành 2 nhánh và tạo thành 2 vịnh là Suez ở phía Tây và Aqaba ở phía Đông. Thậm chí đó chính là nơi được cho là Mô-sê cùng người dân vượt biển. Ở đây, khi thủy triều xuống thấp, một dải đất cạn dài khoảng 1,6 cây số hiện ra dưới đáy biển!
Khoa học nói gì?
Tuy nhiên, các cách lý giải trên thật khó đối đầu với một vấn đề: Thời gian nước rút trước cơn sóng thần chỉ khoảng từ 10 đến 15 phút, hoặc thời gian triều xuống cực điểm ở gần bán đảo Sinai cũng quá ít để bầu đoàn thê tử Do Thái băng qua đáy biển. Và thực tế là một số lớn quân lính của Napoleon đã chết đuối hồi 1798.
Kỹ sư phần mềm Carl Drews đã dùng máy tính công suất cao tạo ra một mô hình mô phỏng tình thế và công bố kết quả nghiên cứu trên một tạp chí khoa học. Xuất phát điểm của ông là các dữ kiện được coi là có thật: Khoảng năm 1250 trước Công nguyên có những ngày gió thổi từ phía Đông với tốc độ bão tố, gần 100km/giờ. Khi nhiều yếu tố ngẫu nhiên trùng hợp, gió có thể tạo ra một doi đất rộng khoảng 4 km và dài 5 km ở đáy hồ Hồ Tanis. Những người nô lệ Do Thái, về lý thuyết, chạy qua doi đất này. Nên biết là quân lính Ai Cập đứng trên những cỗ xe do ngựa kéo, họ có giáo và cung tên. Ai Cập là một siêu cường và chiến xa của họ có thể được coi như xe tăng hôm nay. Đoàn nô lệ không có cơ hội chống lại lực lượng này. Chẳng bao lâu, đạo truy binh Ai Cập đã áp sát đám người tị nạn. Nhưng chiến xa của Pharaon có một nhược điểm lớn so với những người nô lệ đi chân trần: Chúng quá nặng nề và bị sa lầy trên nền cát nhão. Rồi bão lặng xuống. Theo tính toán của Carl Drews, Mô-sê và người của ông phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ để thoát khỏi cuộc truy sát bởi lính Ai Cập, còn lính Ai Cập với những chiến xa cồng kềnh chết đuối thảm thương.
Chúng ta, những kẻ hậu sinh, nay được phép đóng vai trọng tài hay thẩm phán: có nên tin vào sự may mắn ngẫu nhiên đó?
Trăm sự chỉ tại…
Cái mà ta vẫn tin là Hồng Hải, trong bản gốc viết “yam suf”, có nghĩa đen là “biển sậy” hay một cánh đồng sậy bạt ngàn. Cho đến ngày nay, sậy là một thứ cây được dùng lợp mái nhà và làm bột giấy, vốn là khởi điểm cho văn hóa làm sách sau này. Và chính cái lỗi dịch thuật ngớ ngẩn ấy làm cho cuộc tranh cãi mất hết cơ sở. Cái gọi là biển sậy ấy, rất có thể là đồng bằng sông Nile nằm ở phía Đông Bắc, nơi sậy mọc um tùm đến tận chân trời. Nó không phải là biển, mà chỉ là một vịnh nông choèn và đục ngầu toàn nước lợ.
Đoàn nô lệ thậm chí còn chưa kịp nướng bánh mì vì phải vội vã chạy trốn, đột nhiên có lợi thế. Quân Ai Cập với vũ trang nặng nề chết chìm. Và những người nô lệ hân hoan thoát nạn.
Câu chuyện về cuộc chạy trốn may mắn quá hấp dẫn, quá choáng ngợp, đến nỗi được nhiều nền văn hóa khác kể lại. Những nô lệ da đen ở các bang miền Nam Hoa Kỳ, và ngay cả Martin Luther King thường nói đến cuộc di cư - bản thân ông cũng giống như một Mô-sê da đen. Bất cứ nơi nào mọi người đoàn kết với nhau để lật đổ một chế độ chuyên chế, ký ức về những nô lệ chân đất của quá khứ mờ mịt lại được khơi dậy. Mọi thứ đều có thể đổi khác. Những hàng rào dây thép gai có thể sụp đổ. Kẻ yếu thế bỗng trở nên mạnh mẽ. Những bạo chúa có thể mất ngôi. Hy vọng sống lâu hơn và mạnh mẽ hơn chiến tranh và bạo lực. Vậy thì mấy lỗi dịch thuật cũng dễ được tha thứ.
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất