19/04/2012 11:17 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Tại sao chúng ta không mở rộng vai trò và biến Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân tộc trên cả nước? Đó là ý kiến được GS Tô Ngọc Thanh đưa ra trong ngày khai mạc Liên hoan văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Sơn Tây (Hà Nội) vào hôm qua (18/4).
Được khai trương vào năm 2010, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (có diện tích hơn 1.500 ha) có vai trò như một khu văn hóa quốc gia, nơi lưu giữ bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Hiện tại, hàng chục cụm văn hóa cộng đồng đã được đặt tại đây với tái hiện cấu trúc làng, bản của nhiều dân tộc Việt Nam, kèm theo đó là những giới thiệu về kiến trúc dân gian, cộng đồng và tín ngưỡng.
“Cố gắng để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”
Theo GS Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), mô hình đưa một số cộng đồng dân tộc thiểu số về tập trung trong một khu văn hóa lớn như tại Đồng Mô không phải là cách bảo tồn văn hóa dân gian duy nhất. Ngoài Liên Xô (cũ) và Trung Quốc từng theo mô hình này, rất nhiều nước trên thế giới chọn lựa một phương pháp bảo tồn văn hóa khác: xây dựng những bảo tàng sống tại chỗ, nghĩa là chủ động đầu tư biến khu vực sinh sống của từng cộng đồng này thành những khu sinh thái đích thực và thu hút khách du lịch.
“Mỗi mô hình bảo tồn đều có những ưu, nhược điểm riêng” - GS Tô Ngọc Thanh nhận xét - “Trong điều kiện Việt Nam, khi chúng ta đã lựa chọn phương án này và xây dựng làng văn hóa Đồng Mô rồi, hãy cố gắng khắc phục nhược điểm lớn nhất của nó: vô tình tách đồng bào dân tộc ra khỏi không gian văn hóa đặc thù và biến họ trở thành những diễn viên... bất đắc dĩ trong một không gian văn hóa mô phỏng”.
Thực tế, ngay từ khi xây dựng làng văn hóa Đồng Mô, Bộ VH,TT&DL cũng chủ động lưu ý quan tâm tới điều này với quan điểm: “Cố gắng để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”. Điển hình, theo sáng kiến của tỉnh Kon Tum, các cộng đồng dân tộc trong tỉnh là Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Ba Na, Rơ Mâm.... được bố trí tổ chức cư trú luân phiên trong năm tại làng văn hóa. Mỗi dân tộc này được tạo điều kiện nhận 1 nhà rông và 2 nhà ở, cư trú dưới hình thức 2 hộ gia đình. Đời sống văn hóa bản địa được nghiên cứu khá kĩ để phục vụ khách tham quan cũng như giới chuyên môn: phụ nữ giã gạo, cõng nước nấu ăn, ủ rượu làm vườn, còn đàn ông đi thăm đơm cá, thăm câu ở hồ Đồng Mô hoặc đan lát, trồng cây, làm mộc truyền thống...
Tuy nhiên, theo GS Tô Ngọc Thanh, cách làm này mới chỉ phục vụ mục đích quảng bá văn hóa phục vụ du lịch mà chưa đảm đương được nhu cầu về bảo tồn.
Làm chậm, làm chắc và tỉ mỉ
“Tôi hiểu rằng Bộ VH,TT&DL đã rất rất cố gắng. Nhưng về bản chất, các sinh hoạt dân gian tại làng văn hóa du lịch vẫn là... biểu diễn cho khách tham quan. Chúng ta hay than thở về nạn “sân khấu hóa” lễ hội mà không hiểu rằng tách đồng bào khỏi thảm thực vật, động vật và cộng đồng gốc rồi động viên họ phục dựng lại sinh hoạt ở đồng bằng thì cũng là một cách sân khấu hóa”, GS Thanh nói.
Mới nghe qua, giải pháp khắc phục vấn đề của GS Tô Ngọc Thanh khá đơn giản: Làm chậm, làm chắc và tỉ mỉ với từng chi tiết nhỏ. “Thực tế, dù từ thiện ý, cách xử lý với văn hóa dân gian của chúng ta vẫn thường vội vàng và chủ quan.Thay vì tuyên truyền cho đồng bào về những điều vĩ mô, hãy cố gắng khơi dậy ở họ lòng tự hào và sự nhiệt tình với văn hóa truyền thống một cách tự nhiên nhất”.
GS Thanh lấy ví dụ về việc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam dạy chữ dân tộc cho đồng bào tại Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Các lớp học được “lồng” rất khéo với việc tổ chức những câu lạc bộ nói và thi kể chuyện bằng tiếng dân tộc, rồi tiếp đó là phong trào thi sưu tầm chuyện cổ tích (cũng bằng tiếng dân tộc luôn). Chỉ với hơn chục triệu đồng/năm cho một xã, các lớp học này phát triển khá mạnh.
“Vào làm việc với địa phương, họ bảo thanh niên bây giờ không thích tiếng dân tộc đâu. Kết quả, thay vì dự kiến mỗi lớp chỉ nhận 40 người, có tới cả trăm thanh niên kéo tới xin đăng kí”, GS Thanh kể.
Những chuyện nhỏ như động viên đồng bào yêu tiếng dân tộc, yêu nghệ thuật ẩm thực, yêu sử thi của cộng đồng... đều cần có biện pháp hợp lý. Tổ chức được các câu lạc bộ như vậy tại Làng Văn hoá du lịch được vài lần thì mọi chuyện sẽ tốt dần hơn theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể vội vàng được, GS Thanh nói.
Theo lời ông, nếu làm được, Làng văn hóa du lịch sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân tộc trên cả nước, từ đó giúp Bộ VH,TT&DL đưa ra những nghiên cứu và giải pháp hợp lý về vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc.
Khai mạc Liên hoan văn hóa các dân tộc Việt Nam |
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất