Kịch Người điên trong ngôi nhà cổ: Ái Như, Thế Sơn – hai kiểu “lột xác”

14/08/2010 08:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vở Người điên trong ngôi nhà cổ (KB: Ngọc Linh, ĐD: NSƯT Thành Hội) đang sáng đèn tại Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (36 Lê Quý Đôn, TP.HCM) là một bi kịch nhiều ẩn ý về tình bạn ở Nam bộ thời Pháp thuộc.

Câu chuyện kể về Hà Văn Tân (do Trung Dũng thủ vai) vì làm quốc sự mà phải mang vợ con và của cải gửi cho người bạn tâm giao là Ninh (NSƯT Thành Hội), để cuối cùng vợ chết, con bị khùng, của cải mất trắng do bị Ninh chiếm đoạt...


Ái Như vào vai cô gái điên 19 tuổi (ngoài cùng bên trái),
còn Thế Sơn vào vai ông già 70 tuổi (ngoài cùng bên phải)
Bên cạnh tuyến chính, người xem một lần nữa được chứng kiến “phù thủy” Ái Như tuổi 50 “lột xác ngược” để hóa thân vào cô gái 19 tuổi (vai Hà Thị Ngọc Uyên), nhưng do bị khùng, nên lờ khờ như mới 10 tuổi. Vai diễn này chỉn chu đến từng chi tiết, nhiều sáng tạo về tính cách và tâm lý khiến khán giả phải khóc cười. Hành trình trở lại đời thường của Uyên, mà cao trào là lớp diễn nhận mặt cha trên viện tâm thần, để cuối cùng được tỉnh táo, là ý tưởng mà vở diễn muốn xây dựng và tạo được sự hợp lý nơi người xem.

Sự éo le của tình bạn cũng đến một phần từ lão già Bảy Dom (Thế Sơn thủ vai), người biết hai bí mật chính của câu chuyện, là một nhân chứng có thể bênh vực cho cả nguyên cáo và bị cáo trước tòa, nếu ông muốn làm điều đó. Thế Sơn tuổi 8x, nhưng lại khá tinh tế khi “lột xác xuôi” để vào vai ông già Nam bộ khoảng 70 tuổi, chân chất, lù khù. Trong thế hệ 8X, cách cảm nhân vật và cách diễn của Thế Sơn với các vai bi, vai thương, đặc biệt các vai già... là triển vọng, nếu nghệ sĩ chịu khó theo đuổi.

Cố nhà văn, nhà biên kịch Ngọc Linh từng thành công với nhiều vở kịch có chủ đề về ngôi nhà, ví dụ như Ngôi nhà không có đàn ông, Ngôi nhà của những linh hồn, Ngôi nhà của chúng ta, Ngôi nhà không có đàn bà... “Ngôi nhà” trong quan niệm của Ngọc Linh thường có những thử thách, mất mát, và mỗi tác phẩm của ông là một cuộc tìm kiếm sự thật, cách hóa giải làm sao để có thể kết thúc có một tia hi vọng. Người điên trong ngôi nhà cổ cũng vậy, sau tất cả gian dối, lòng tham và sự vô cảm, ông Ninh vì cắn rứt mà phải thú nhận với con gái sự thật, để cuối vở diễn, ông tìm về với tính bổn thiện của mình, dù con đường ấy không hứa hẹn một sự dễ dàng.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm