Khánh thành Thư viện Tô Hoài - một biểu tượng của trí thức Thủ đô

18/11/2018 08:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Với mong muốn tri ân những đóng góp to lớn của nhà văn Tô Hoài cho nền văn học Việt Nam nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng, sáng 17/11, tại Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức lễ khánh thành thư viện Tô Hoài.

3 tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài: 'Kho báu' về Hà Nội

3 tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài: 'Kho báu' về Hà Nội

Nhà xuất bản Văn học và Phương Nam Book vừa phát hành 3 cuốn sách được cho là lần đầu công bố của Tô Hoài, đó là "Giữ gìn 36 phố phường" (tạp văn), "Những ký ức không chịu ngủ yên" (hồi ký), "Người con gái xóm Cung" (tập truyện ngắn).

Thư viện có diện tích 150 m2 được xây dựng từ nguồn kinh phí của NXB Kim Đồng hứa hẹn tạo ra không gian đọc tốt đối với học sinh. Thư viện Tô Hoài sẽ giúp các em có cơ hội tiếp cận một cách đầy đủ nhất các ấn phẩm sách của nhà văn Tô Hoài nói riêng cũng như các ấn phẩm dành cho thiếu nhi khác. Thư viện cũng được kỳ vọng là địa chỉ văn hóa, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi ở địa phương…   

Chú thích ảnh
Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng của Việt Nam với sự nghiệp đồ sộ. Ảnh: daidoanket.vn

Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng của Việt Nam với sự nghiệp đồ sộ. Trong đó, ông có trên 50 tác phẩm viết cho thiếu nhi như: Võ sĩ Bọ Ngựa, Đám cưới Chuột, Chuột thành phố, Gã Chuột Bạch, O Chuột, Mụ Ngan đực, Con Gà ri, Đôi Ri đá, Ngọn cờ lau, Chim Chích lạc rừng, Con Mèo lười, Kim Đồng, Vừ A Dính, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử... Nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Tô Hoài chính là tác phẩm đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký.

Năm 2010, nhà văn Tô Hoài được trao giải thưởng Lớn thuộc hệ thống giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Ông được đánh giá là một biểu tượng của trí thức thủ đô về sức làm việc bền bỉ với trí tuệ mẫn tiệp hiếm có; một chứng nhân của gần một thế kỷ thăng trầm trên đất thủ đô; là cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội”

Qua những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, người ta thấy rằng ông đưa đến cho thiếu nhi những điều tốt đẹp, khẳng định cái thiện trong cuộc sống và mong muốn về một cuộc sống hạnh phúc, bình yên cho xã hội.

Ông cũng phê phán lối sống nhàm chán, ru rú một chỗ hoặc kiêu căng, ngạo mạn, hoặc ù lì, an phận. Như thế cũng đủ thấy ông muốn thế hệ trẻ hãy sống tích cực và hướng tới cuộc sống xã hội tốt đẹp hơn.

HC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm