07/09/2020 07:25 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Con tàu đắm Bình Châu (Quảng Ngãi), niên đại TK 13 - 14, được khai quật tháng 6/2013 đã đưa ra khá nhiều vấn đề đáng thảo luận, trong đó nổi lên một chủ đề chuyên ngành: “Khảo cổ học tàu thuyền”.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn khảo cổ học tàu thuyền với khảo cổ học dưới nước. Khảo cổ học tàu thuyền nhằm vào khai quật và nghiên cứu một loại hình sản phẩm đặc thù của nhân loại: Đó là các phương tiện giúp con người đi lại trên mặt nước. Các phương tiện đó có khi bị chìm và nằm dưới mặt nước, nhưng có rất nhiều trường hợp do thay đổi môi trường, các phương tiện đó tồn tại trong môi trường không ngập nước. Vì thế có khi chúng được khai quật dưới mặt nước (underwater) và cũng khá phổ biến, chúng được khai quật trên cạn và thường ở môi trường đất ngậm nước (chứ không phải ngập nước), khá giống môi trường khai quật các mộ thân cây khoét rỗng vùng đồng bằng thấp.
Cuộc khai quật tàu Bình Châu
Cho đến cuộc khai quật tàu Bình Châu, các nhà khảo cổ Việt Nam đã khai quật 5 con tàu đắm khác nhau (Cù Lao Chàm, Bình Thuận, Cà Mau…). Điểm chung là chúng đều vẫn nằm ở dưới đáy biển với độ sâu mà thực tế không có một nhà khảo cổ Việt Nam nào trong đoàn khai quật có thể tiếp cận để nghiên cứu.
Thực chất, đối với những nhà khảo cổ học tham gia khai quật các con tàu đó theo cách gọi là khảo cổ học dưới nước (underwater archaeology) chỉ là xem xét và giám định các đồ mà thợ lặn vớt lên từ con tàu (có theo từng ô quy ước).
Khi tiến hành khai quật tàu Bình Châu, vì tàu gần bờ, độ sâu khi thủy triều rút chỉ cách bờ chừng 50m và ở độ sâu khoảng 2 mét, nên Công ty trúng thầu đã tổ chức đóng kè khung sắt và hút nước từ bên trong ra, tạo điều kiện cho một cuộc khai quật gần như trên cạn. Nhưng về cơ bản, cuộc khai quật đã “kết thúc thành công” vẫn theo cách làm như với những con tàu trước đó. Mục tiêu chính của khai quật vẫn là lấy đồ và nghiên cứu đồ trong con tàu đắm một cách có hệ thống và có kiểm soát.
Chúng tôi đã có mặt trong quá trình khai quật với nhiệm vụ chính là vẽ và nghiên cứu con tàu. Chúng tôi đã ghi nhận và thu thập được nhiều tư liệu tàu thuyền quý giá. Nhưng thực sự là chưa bao giờ chúng tôi được nhìn thấy toàn bộ con tàu, nhất là phần đáy, từ long cốt (trục xương sống của tàu) trở lên đến 50cm luôn ngập trong nước bùn cát và mảnh gốm vỡ lẫn rác bẩn cho đến ngày kết thúc khai quật.
Theo đúng nghĩa của khảo cổ học tàu thuyền thì cuộc khai quật chưa đào đến sinh thổ. Hoặc giống như khai quật mộ thân cây khoét rỗng, phần trong lòng quan tài đã được lấy ra, nhưng nửa đáy dưới quan tài thế nào vẫn chưa được biết. Chúng tôi đã đề xuất và chờ đợi, nhưng chưa bao giờ được thấy phần lòng đáy thuyền trong tình trạng cạn nước và hút sạch bùn cát, và cũng chưa bao giờ được nhìn vỏ tàu từ phía bên ngoài như đã hoạch định trong kế hoạch khai quật.
Bài viết này, một mặt trình bày kết quả nhận thức khoa học của chúng tôi về vỏ con tàu, mặt khác góp bàn về phương pháp khai quật theo đúng nghĩa “khảo cổ học tàu thuyền” trên thế giới, với hy vọng những cuộc khai quật tiếp theo các vỏ con tàu sẽ không bị vứt bỏ như cách làm của những kẻ lặn lấy đồ, sau khi đã vét sạch những thứ cần lấy.
Khảo cổ học tàu thuyền
Trong quá trình phát triển của khảo cổ học, trên thế giới đã xuất hiện những chuyên ngành phụ của khảo cổ học, ví dụ từ lâu đã có Khảo cổ học mỹ thuật (Archaeology of Art), Khảo cổ học thành thị (Urban Archaeology), Khảo cổ học cư trú (Settlement Archaeology), Khảo cổ học táng thức (Archaeology of Dead hoặc Mortal Archaeology ), Khảo cổ học đất ướt (Wetland Archaeology)… thậm chí cả Khảo cổ học Toilet (Archaeology of Toilet), bên cạnh các phạm trù chuyên môn mang tính thời đại hay khu vực, như Khảo cổ học thời đại đá, Khảo cổ học Phù Nam - Óc Eo...
Khảo cổ học tàu thuyền cũng ra đời và thuộc phạm trù chuyên ngành trên. Sự khác biệt về điều kiện khai quật và đối tượng khai quật đã khiến các nhà khai quật tách việc khai quật, nghiên cứu, bảo quản tàu thuyền thành một lĩnh vực riêng: Wreckship Archaeology.
Bản thân chúng tôi, từ thực tiễn khai quật 1976 -1982 đã nhận thấy khác biệt của khai quật đất khô trong hang động với đất ướt ngậm nước và đất ướt ngập nước dẫn đến việc cần có những phương pháp khai quật và xử lý riêng biệt cho từng loại hình di tích.
Ví dụ đất khô bở rời trong hang động chỉ có thể dùng sàng khô mới lấy được tàn tích hữu cơ khô héo và than hạt quả. Thử nghiệm sàng nước năm 1982, 1986 của chúng tôi ở Xóm Trại, Con Moong đã cho thấy độ ẩm ướt sẽ làm hỏng hết các tiêu bản mẫu hạt quả, phân động vật… Vậy mà gần đây, đào hang động ở Tràng An, có người vẫn dùng phương pháp floatting (lấy tiêu bản hữu cơ bằng cách dùng nước làm nổi chúng lên). Thực ra floatting chỉ dùng cho khai quật các địa điểm ngoài trời, đất có độ ẩm 80-120% trở lên.
Thế rồi chúng tôi đã từng đề xuất khảo cổ học hang động và khảo cổ học đất ướt. Khi cùng các chuyên gia Australia khai quật khu mộ thân cây khoét rỗng Động Xá (Hưng Yên), năm 2004, một cuộc tọa đàm khoa học đã diễn ra trong nội bộ đoàn khai quật để thống nhất phương pháp khai quật.
Chúng tôi đã đề xuất cách khai quật chuyên biệt cho các loại hình mộ táng còn nguyên quan tài. Đó là phải coi quan tài bao gồm cả những thứ nó chứa bên trong là một hiện vật lớn. Việc khai quật ngoài hiện trường chỉ nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến chôn cất, tức quan hệ giữa huyệt mộ với xung quanh, quan hệ giữa quan tài và huyệt mộ, nấm mộ, nhà mồ…
Quan tài và mọi thứ chứa bên trong quan tài không mở ra tại hiện trường mà phải được đưa về “khai quật” độc lập trong phòng thí nghiệm dưới điều kiện cho phép ghi nhận và khai thác đày đủ những dữ kiện khảo cổ học bên trong. Đó là cách mà người ta đã làm đối với các quan tài Ai Cập. Mọi người đã nhất trí và quan tài Động Xá đã được khai quật cẩn trọng với rất nhiều nhiều thông tin khảo cổ học.
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, ngành khảo cổ học dưới nước đặc biệt phát triển, trong đó lĩnh vực khai quật tàu đắm hấp dẫn rất nhiều nhà khoa học, nhà đầu tư và các công ty du lịch. Ban đầu là các tuyến giao thương và hành quân cổ đại ở Địa Trung Hải, vịnh Ba Tư rồi Ấn Độ Dương… Tiếp theo là các tàu và đồn, cảng Viking ở Bắc Âu. Bảo tàng Viking ở Roskilde (Đan Mạch), Brehmen (CHLB Đức), Bảo tàng Vasa ở Stockholm (Thụy Điển) là những bảo tàng chuyên ngành lớn có nhiều thành tựu cả trong lý thuyết khai quật lẫn bảo quản, phục dựng, trưng bày các các con tàu đắm của các thời đại khác nhau. Số lượng tàu thuyền đã được khai quật, bảo tồn, phục dựng ở châu Âu đã lên tới hàng trăm.
Khảo cổ học tàu thuyền ở phương Đông phát triển chậm hơn chút ít. Cho đến tổng kết năm 2010 tại Đại học Flinder (Australia) của Hội nghị khoa học chuyên đề Shipwreck Asia - Thematic Studies in East Asian Maritime Archaeology (Tàu đắm châu Á - Nghiên cứu chuyên đề trong Khảo cổ học Hàng hải vùng Đông Á) thì số tàu thuyền cổ được khai quật, nghiên cứu ở toàn phần Đông và Đông Nam Á chưa đạt đến con số 50 chiếc, trong đó số tàu thuyền cổ được khai quật và nghiên cứu đúng phương pháp khảo cổ học tàu thuyền chỉ đạt 30%. Việt Nam không có tàu thuyền nào nằm trong danh mục thống kê này.
Thực ra có một vài con tàu cổ bị đắm được khai quật ở nước ta đã được các chuyên gia nước ngoài công bố, mặc dầu đó chưa phải là những báo cáo khai quật chính thức. Con tàu Bình Châu vừa khai quật, vì thế, sẽ rất được chờ đón của giới khảo cổ học tàu thuyền châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
(Còn nữa)
Khai quật trên 10 con tàu thời La Mã ở Đức Khảo cổ học tàu thuyền trên thế giới bắt đầu với những cuộc khai quật tàu đắm trên cạn. Đúng ra là ở những đường nước cổ nay đã bị khô cạn. Tiêu biểu nhất là công cuộc khai quật vỏ trên 10 con tàu thời La Mã ở ven dòng sông Main đoạn chạy qua trung tâm thành phố Main (CHLB Đức) vào những năm 1960-1970. Những vỏ tàu này nằm trên một đoạn sông cổ mà hiện tại đã dịch chuyển dòng, xuất lộ khi công nhân làm một tuyến đường lớn trong thành phố. Việc giải phóng toàn bộ các con tàu cổ trên dưới 2.000 năm này đã diễn ra trong vòng 3 năm trời và một viện nghiên cứu và bảo tàng tàu thuyền La Mã đã được chính quyền thành phố xây dựng ở ngay bên cạnh bờ sông cổ đó, nơi các thuyền La Mã được lấy lên. Quá trình khai quật gắn liền với mục tiêu bảo tồn và xây dựng bảo tàng tàu thuyền cổ đại, đã hóa giải một loạt vấn đề đặc thù của lĩnh vực chuyên ngành mới này, từ phương pháp khai quật, nghiên cứu tàu thuyền, bảo quản, vận chuyển, phục dựng, đào tạo, công bố và quảng bá thành tựu, kết quả nghiên cứu… |
Nguyễn Việt - Nguyễn Sơn Ca
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất