Jean-Claude Mourlevat- giải Văn học Astrid Lindgren: Người tạo ra 'thế giới không giống ai'

01/04/2021 19:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những giải thưởng danh giá nhất dành cho văn học thiếu nhi - giải thưởng mang tên Astrid Lindgren - đã được công bố vào hôm 30/3 trong một buổi lễ trực tuyến ở Stockholm (Thụy Điển). Chiến thắng năm nay đã thuộc về nhà văn Pháp Jean-Claude Mourlevat (69 tuổi).

Nhà văn Hà Lan đoạt giải văn học thiếu nhi Astrid Lindgren

Nhà văn Hà Lan đoạt giải văn học thiếu nhi Astrid Lindgren

Hôm 20/3, nhà văn thiếu nhi Hà Lan Guus Kuijer đã đoạt giải Astrid Lindgren 2012 kèm theo số tiền thưởng 5 triệu kronor (740.000 USD). Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 28/5.

Để đoạt được giải thưởng trị giá 5 triệu kroner Thụy Điển (574.000 USD), Mourlevat đã đánh bại 250 ứng cử viên từ 68 quốc gia. “Tôi không thể tin được” - Mourlevat thốt lên phấn khích - “Đây là một bất ngờ lớn đến nỗi tôi không thể nói bất cứ điều gì thú vị vào lúc này”.

Hội đồng Nghệ thuật Thụy Điển, đơn vị tổ chức giải thưởng, tuyên bố: “Jean-Claude Mourlevat là người đổi mới xuất sắc các truyền thống truyện cổ tích. Thời gian và không gian trong thế giới hư cấu của ông, cũng như các chủ đề vĩnh cửu về tình yêu và khao khát, được miêu tả một cách chính xác và đẹp như mơ. Các tác phẩm của Mourlevat đã đưa kết cấu sử thi cổ đại vào hiện thực đương đại”.

Đọc sách từng là niềm vui duy nhất

Jean-Claude Mourlevat hiện là một trong những nhà văn viết truyện thiếu nhi và thanh thiếu niên hàng đầu của Pháp. Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay vào năm 1997, cho đến nay ông đã tung ra hơn 30 cuốn sách, được dịch ra gần 20 thứ tiếng. Với tình yêu đặc biệt dành cho những câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và giả tưởng, Mourlevat đã dựa trên những truyền thống văn học để tạo ra những thế giới không giống ai.

Chú thích ảnh
Nhà văn Pháp Jean-Claude Mourlevat

Sinh năm 1952 tại Ambert - một ngôi làng thuộc vùng Auvergne của Pháp -Cha ông là một thợ xây và mẹ trông coi trang trại với 6 người con trong gia đình. Gia đình Mourlevat có rất nhiều trò chơi vui vẻ nhưng có rất ít sách. Mourlevat từng trải qua 8 năm tại một trường nội trú đầy những quy tắc khắc nghiệt khiếnông thường xuyên nhớ nhà. Mourlevat nhiều lần nói trong các cuộc phỏng vấn rằng đọc sách là niềm vui duy nhất của ông thời điểm đó.

Thế giới nông thôn nơi Mourlevat lớn lên đã khiến ông nhạy cảm hơn: “Văn hóa thời thơ ấu của tôi không phải là sách vở. Đúng hơn, nó được truyền đến tôi qua cuộc sống thực. Khi còn rất nhỏ, tôi đã trải qua những đêm đen với tuyết rơi, hay những lần lội qua suối vào mùa Xuân trong rừng”.

Tại trường nội trú, Mourlevat “bén duyên” với văn học khi đọc cuốn Robinson Crusoe của Daniel Defoe: “Tôi cảm thấy như có giọng nói thoát ra từ cuốn sách - như ai đó đang nói với tôi” - Mourlevat từng chia sẻ.

Chú thích ảnh

Mourlevat bắt đầu làm giáo viên dạy tiếng Đức trước khi chuyển hướng và làm đạo diễn, diễn viên ở Pháp và Đức. Ông trở thành một giáo viên vui vẻ. Với ông, điều quan trọng nhất là thích nhìn thấy học sinh của mình cười - vì vậy ông quyết định trở thành một diễn viên hài.

Trong 12 năm, Mourlevatđã đi khắp thế giới với các vai diễn của mình và đã chinh phục được nhiều khán giả cả trẻ em và người lớn. Rồi Mourlevattrở thành một đạo diễn sân khấu. Chính nhà hát đã dẫn dắt ông bắt đầu viết văn và vào năm 1997, ông đã ra mắt làng văn với cuốn sách Histoire de l’enfant et de l’oeuf (tạm dịch: Chuyện đứa trẻ và quả trứng). Kể từ đó, Mourlevat dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho con đường này.

Luôn khiến độc giả kinh ngạc

Tác phẩm của Mourlevat rất rộng và đa dạng. Ông viết tiểu thuyết phê phán xã hội, nhưng đặc biệt yêu thích thể loại truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và giả tưởng. Ông luôn khiến độc giả kinh ngạc mỗi khi tung ra cuốn sách mới. Tình yêu sách và văn học chảy trong tất cả các bài viết của ông. Điều này có thể lý giải là do ông đã trải qua thời thơ ấu của mình trong một ngôi nhà không có sách.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn truyện “L’enfant océan” của Jean-Claude Mourlevat

Năm 1998, ông xuất bản La balafre (Vết sẹo), một tiểu thuyết nửa lịch sử, nửa giả tưởng. Tuy nhiên, thành công quan trọng đến một năm sau đó, với L’enfant océan (Đứa trẻ đại dương). Cuốn truyện này đã nhận được nhiều sự hoan nghênh và đưa Mourlevat đến với đông đảo khán giả quốc tế. Trong tác phẩm này, độc giả theo chân 7 anh chị em, hai trong số họ là anh em sinh đôi, trên hành trình rời khỏi một ngôi nhà bị đe dọa. Mourlevat dệt nên một câu chuyện xã hội, tăm tối, không khoan nhượng, nhưng lung linh với những đoạn văn tuyệt vời. Mỗi chương của câu chuyện được giao cho một trong các nhân vật, mỗi quan điểm hòa quyện và phản ánh trong tổng thể đa diện của cuốn sách. Cuốn tiểu thuyết cho đến nay đã bán được hơn 800.000 bản. Kể từ đó, lượng độc giả của Mourlevat ngày càng đông.

Năm 2000, với La rivière à l’envers (Dòng sông đảo ngược), Mourlevat đưa ra một vũ trụ hoàn toàn khác. Trong một thế giới sống động, mang tính ngụ ngôn, hai nhân vật chính trẻ tuổi đi tìm nguồn thần kỳ để cứu một con chim. Trong câu chuyện này, người đọc được đưa mối quan hệ của những người yêu nhau và được ru ngủ bởi sự êm dịu trong tình cảm của họ.

Một trong những thành công lớn nhất của Mourlevat là cuốn tiểu thuyết dành cho thanh niên Le combat d’hiver (Winter Song hay còn được xuất bản với tên gọi Winter's End - 2006), kể về câu chuyện của 4 học sinh mồ côi cha mẹ bị khiển trách tại một trường nội trú. Tác phẩm đoạt giải này đã được dịch sang 20 thứ tiếng và nó có thể được lấy cảm hứng từ chính thời gian học tại trường nội trú của Mourlevat.

Cũng phải kể tới Le chagrin du roi mort (2009) - một câu chuyện cổ tích, trong đó sự tồn vong của cả một dân tộc đang bị đe dọa. Hoặc, cuốn Jefferson (2018), nhân vật chính là một chú nhím thích đọc sách. Khi bị buộc tội oan vì giết người, chú tiếp tục chạy trốn nhưng vẫn giữ thói quen đọc tiểu thuyết của mình.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn “Jefferson” của Jean-Claude Mourlevat

Trong 10 năm qua, những cuốn sách của Mourlevat đã trở thành sự kiện được người Pháp háo hức mong đợi. Độc giả trẻ và không quá trẻ đều chờ đợi, quan tâm và hy vọng ở những tác phẩm của ông. Song họ cũng lo lắng liệu tác phẩm tiếp theo liệu có hay như cuốn trước? Dù vậy nhưng độc giả luôn biết chắc một điều rằng: Với tiểu thuyết hiện thực xã hội, giả tưởng sử thi, truyện tranh, Mourlevat luôn cố gắng tạo ra những tác phẩm bất ngờ và không chịu lặp lại con đường mà chính ông đã mở ra với những thành công trước đó.

Vài nét về giải thưởng Astrid Lindgren

Giải thưởng mang tên Astrid Lindgren được Chính phủ Thụy Điển tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 - năm nữ tác giả Thụy Điển này qua đời ở tuổi 94 - nhằm vinh danh các tác giả văn học viết cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Lindgren là cây bút đã tạo ra nhân vật viễn tưởng nổi tiếng Pippi Longstocking (Pippi tất dài), đồng thời để lại dấu ấn của bà trong nền văn học thiếu nhi ở Thụy Điển và khắp thế giới.

Nhà văn đầu tiên đoạt giải Astrid Lindgren là tác giả Mỹ Maurice Sendack, được biết đến với cuốn sách nổi tiếng Where the Wild Things Are và Christine Noestlinger của Áo. Người chiến thắng hồi năm 2020 là họa sĩ truyện tranh Hàn Quốc Baeck Heena.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm