11/11/2021 08:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần mà nó còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước.
Văn hóa Việt Nam
Văn hóa Việt Nam là tổng thể những những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S này sáng tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử. Những giá trị ấy kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo thành những truyền thống, những phong tục, tập quán, những ứng xử... làm nên bản sắc của dân tộc.
Xuất phát từ những điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử hết sức đặc biệt, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam có những giá trị, phẩm chất độc đáo. Đó là nồng nàn yêu nước nhưng hết sức nhân văn; đó là anh hùng trong chiến đấu nhưng tinh tế trong ứng xử; đó là sáng tạo trong lao động nhưng giản dị trong lối sống; đó là tinh thần cố kết cộng đồng, là lòng khoan dung, cởi mở, giàu năng lực tiếp biến... Những giá trị văn hóa ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, cùng chung tay dựng xây đất nước, cùng ra sức bảo vệ non sông, cùng chia sẻ những nỗi đau trong thiên tai, địch họa, cùng khát vọng về một cơ đồ tươi sáng “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Từ rất sớm văn hóa được coi là một trong những trụ cột quan trọng
Nhận thức được đúng tính chất, vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng ta từ rất sớm đã luôn coi văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng cần có sự quan tâm đầy đủ và đồng bộ để tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong quá trình phát triển. Ngay từ năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa là một trong ba mặt trận chính trị-kinh tế-văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, theo Người, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần được coi trọng ngang nhau, đó là chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Người khẳng định, “chính trị nghĩ rộng cũng là văn hóa và văn hóa nghĩ sâu cũng là chính trị”. “Văn hóa cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
Quan điểm này được Đảng ta liên tục kế thừa, bổ sung, phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX tiếp tục khẳng định và làm rõ thêm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Kinh nghiệm thực tiễn cực kỳ quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thời kỳ đổi mới đất nước đã cho chúng ta những bài học về tài năng, năng lực “kích hoạt” động lực văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Bốn nhân tố: tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước đều là giá trị văn hóa truyền thống quý báu, lâu đời của dân tộc và chính là những giá trị văn hóa cốt lõi trong hệ giá trị văn hóa, hệ động lực do văn hóa Việt Nam tạo ra..
Một trong những nhân tố quan trọng trong phòng, chống đại dịch COVID-19 trong gần hai năm qua là đã khơi dậy được truyền thống yêu nước, ý thức đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cả nước chung tay, chia sẻ gian khó; vùng khó ít chi viện thầy thuốc và vật chất cho vùng khó nhiều như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An… Chúng ta đã và đang huy động sức mạnh toàn dân tộc, trong đó có sức mạnh văn hóa vào việc thiết lập trạng thái “bình thường mới” để nhanh chóng hồi sinh sự sống của đất nước.
Văn hóa có mặt trong nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày nay. Không thể phủ nhận sự đồng hành của văn hóa, sự hiện diện của văn hóa trong các bình diện của đời sống xã hội đã tạo thành sức mạnh nội sinh, vừa là nguồn lực, vừa là thành quả của phát triển.
Phương Anh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất