01/02/2011 15:58 GMT+7 | Văn hoá
* Xin ông cho biết về tình hình mỹ thuật Việt Nam trong vòng 10 năm qua?
- Đây là chủ đề cho các công trình nghiên cứu chuyên sâu. Tôi thấy 10 năm qua là thập niên rất sôi nổi, biến động nhiều, thay đổi nhiều của mỹ thuật, có thêm nhiều cái mới và những cái mới đó đã bắt rễ, định hình trong đời sống văn hóa. Thang giá trị thẩm mỹ cũng có thay đổi và xã hội dần chấp nhận những thay đổi ấy. Mỹ thuật vẫn giữ được vị thế đi đầu, “khơi mào” cho đổi mới, hội nhập, hội tụ nghệ thuật ở trong và ngoài nước.
* Những sự kiện mỹ thuật nào đáng nói tới trong 10 qua? Chúng có tác động gì đến sự phát triển của mỹ thuật nước ta, thưa ông?
- Tôi nhớ tới hội thảo quốc tế về Art - Đổi mới do Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) tổ chức tại Singapore tháng 9/2008. Nó chứng tỏ vị trí và sự hấp dẫn của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Về hội họa các bậc thầy hiện đại đầu tiên và tác giả đổi mới xuất hiện ở các bảo tàng, triển lãm, đấu giá, hội chợ, workshop… cùng các nghệ sĩ trẻ vẫn cho thấy uy tín của mỹ thuật Việt Nam bất chấp tệ làm tranh giả, tranh nhái tràn lan cũng như sự tự copy, thương mại hóa của không ít họa sĩ.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân chia sẻ với TT&VH
về bộ mặt mỹ thuật Việt Nam trong 10 năm qua.
Triển lãm điêu khắc Không gian mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 1999 và hàng loạt triển lãm, điêu khắc khác ở Hà Nội, TP.HCM của các nhóm, các cá nhân cho thấy ở Việt Nam cuối cùng cũng đã có điêu khắc hiện đại, đương đại. Diện mạo điêu khắc đã thay đổi rất “căn bản”...
Sự kiện Đỏ Vàng Xanh ở Viện Goethe, Festival nghệ sĩ trẻ ở ĐH Mỹ thuật VN và ở TP.HCM, các sự kiện contemporary art (nghệ thuật đương đại) trong Festival Huế và nhiều không gian nghệ thuật tư nhân, các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, cũng như ở các nước khác cho thấy contemporary art đã lớn mạnh, trở thành bộ phận năng động, nhạy cảm, phản biện mạnh nhất của mỹ thuật cả về thẩm mỹ lẫn chính trị, xã hội. Một phong thái làm nghệ thuật phi lợi nhuận, phi chính phủ, kết nối toàn cầu, kết nối cộng đồng… đã hình thành.
Một “hiện tượng âm thầm” lặng lẽ ít ai để ý tới là sự phát triển của design (thiết kế) và mỹ thuật thủ công. Với đòi hỏi của thị trường và công nghệ, hai ngành này phát triển khá mạnh, tác động trực tiếp vào thị hiếu cũng như không gian sống. Nghề design trở thành một nghề hot nhất.
Sự xuất hiện các trung tâm văn hóa, các quỹ văn hóa nước ngoài ở Việt Nam như Viện Goethe, L’Espace, SIDA, Ford… cũng như việc có nhiều nghệ sĩ nước ngoài, Việt kiều sinh sống và làm việc tại Việt Nam tạo ra một thứ “nghệ thuật liên doanh”, “nghệ thuật sứ quán” khá nhộn nhịp, gây nhiều sự kiện, làm hoạt náo đời sống mỹ thuật. Nó gây ra không ít lo lắng và hy vọng cho giới quản lý và nghệ sĩ, góp phần riêng của mình vào hội tụ, hội nhập.
* 10 năm, với sự ghi dấu của việc thâm nhập các loại hình nghệ thuật đương đại, ông có ý kiến gì về điều đó?
- Contemporary art đã phát triển ngoạn mục tạo được đội ngũ đông đảo, hoạt động sôi nổi nhất, gây được nhiều sự quan tâm của công chúng nhất, cũng là bộ phận “xuất khẩu”, đại diện thường xuyên nhất của mỹ thuật Việt Nam trong không gian quốc tế. Qua gần 20 năm phát triển nó đã có các tác giả có uy tín, các tác phẩm chuẩn mực của mình. Nó đang tiến vào các cơ sở đào tạo để đi tới hình thành lớp nghệ sĩ thị giác trẻ bài bản hơn. Giai đoạn tự phát rất lãng mạn, phiêu lưu và gay cấn sẽ dần qua.
Từ những năm 90 tôi đã mong đợi sự xuất hiện tất yếu của nó nhưng vẫn bị bất ngờ khi nó xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội chứ không phải TP.HCM.
Gần đây có một số nghệ sĩ thị giác đương đại đã có thể sống bằng nghệ thuật “phi lợi nhuận” của mình.
Cái mới lạ, tinh hoa, gây chấn động luôn cực hiếm
* Theo ông, phải chăng đang có sự suy thoái về các loại hình nghệ thuật mới như trình diễn, sắp đặt, video art, sound art khi các tác phẩm bắt đầu trở nên nhàm chán, chưa có những khám phá mới? Và không ít nghệ sĩ thực hành lại chưa được trang bị kiến thức nghệ thuật một cách bài bản, đầy đủ?
- Tôi không nghĩ có suy thoái. Có chăng là ta đã dần quen với các loại hình này, không còn tò mò háo hức như trước và sẽ thấy nhàm chán khi ở đâu cũng gặp lại những tác giả ấy, những ý tưởng ấy. Khi đã trở nên bình thường thì ở đâu cũng “bấy nhiêu chuyện” thôi. Cái mới lạ, tinh hoa, gây chấn động luôn cực hiếm.
Song tôi thấy đáng mừng là contemporary art đã có công chúng của mình. Một ký giả về văn hóa nói: Xem cái món này (contemporary art) thú hơn xem triển lãm điêu khắc mà triển lãm điêu khắc còn đỡ chán hơn triển lãm hội họa!Đúng là đã tới lúc cần và đã có thể đào tạo chính quy, cung cấp kiến thức bài bản các môn này ở các trường mỹ thuật. Cần xây dựng một bộ thuật ngữ chuyên ngành contemporary art và một hệ cơ cấu hạ tầng để các môn này phát triển tự nhiên, bình đẳng trong xã hội (curator, nhà tài trợ, bên cấp phép, luật hành nghề, công nghệ và không gian hoạt động, hoạt động giáo dục nghệ thuật, kết nối truyền thông, kết nối cộng đồng, mạng giao lưu quốc tế, lưu trữ và quảng bá…). Điều này rất cần vì contemporary art không chỉ khác các môn truyền thống về mặt thẩm mỹ mà chủ yếu khác về cách sáng tác, cách tiếp nhận, cách tổ chức, cách tiêu thụ, cách quảng bá…
* Về hội họa thì sao, theo ông, có những triển lãm nào đáng lưu ý?
- Đây là câu hỏi hay vì tôi và nhiều người khác sẽ không trả lời được. Không nhẽ tôi nêu triển lãm Post Đổi Mới ở Singapore và hai cuộc trưng bày S.Polker và G.Richter ở Hà Nội!
Tác phẩm tranh khắc gỗ tô màu Trẻ ngủ của nữ họa sĩ Nguyễn Hương Giang
* Còn trong 10 năm qua, ông có thể cho biết những gương mặt họa sĩ, nghệ sĩ, nhân vật nào trong làng Mỹ thuật ghi được dấu ấn?
- Xin trả lời rất “bột phát” hoàn toàn không đánh giá gì về mặt “chất lượng” và không theo thang bậc của “tầm quan trọng”:
Các tác giả của rất nhiều tượng đài khổng lồ chiếm hầu hết kinh phí Nhà nước chi cho mỹ thuật - với nhiều tỷ đồng. Một loại nghệ thuật “độc nhất vô nhị” tiếp nối kiểu nghệ thuật tuyên truyền đã cũ ở Liên Xô và Trung Quốc trước đây!Tranh Lê Phổ xuất hiện tại các cuộc đấu giá lớn và lập kỷ lục về giá tranh Việt Nam trên thị trường “lớn” tức là nơi bức tranh là một khoản đầu tư thuần túy. Lão họa sĩ Trần Lưu Hậu làm việc năng suất hơn ai hết và xây cả một studio - bảo tàng cá nhân lớn ngay tại Hà Nội. Điều đó chứng tỏ các thế hệ lão thành vẫn đồng hành với lớp trẻ.
Đinh Ý Nhi, Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Lý Trần Quỳnh Giang… có một thứ hội họa giàu chất nữ quyền, gai góc bóc đi cái nhãn “dịu dàng đèm đẹp” vốn bị dán cho nghệ thuật của phái nữ.
Lê Quảng Hà, Hà Mạnh Thắng, Minh Phước, Nguyễn Sơn… cho thấy câu chuyện “tính dân tộc” chỉ là mặt kia của hội tụ nghệ thuật, không chỉ với châu Âu mà cả với nghệ thuật châu Á đương đại, Pop Trung Hoa chẳng hạn.
Đào Châu Hải, Bùi Hải Sơn... vừa có các sáng tác vừa tổ chức hoạt động có ảnh hưởng làm thay đổi ngôn ngữ, khuynh hướng điêu khắc ở Hà Nội và TP.HCM.
Trần Lương, Trương Tân… với các tác phẩm và sự kiện contemporary art có ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển các môn này.
N. Kraevskaia - Salon Natasha, V.Rudokovic, Đinh Q.Lê - Sàn Art, Chủ Quỳnh Gallery, S.Lecht chủ Art Vietnam Gallery, ông Augustin - Viện Goethe… là những người nước ngoài, Việt kiều làm việc, giảng dạy, nghiên cứu hay kinh doanh mỹ thuật tại Việt Nam. Chủ Apricot Gallery, một phòng tranh thương mại thành công nhất, mới mở một chi nhánh ở London. Bùi Quốc Chí, Trần Hậu Tuấn xây hai bảo tàng tư nhân đầu tiên (tuy chưa hợp thức hóa) lưu giữ tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Thành Chương Việt phủ đưa sưu tập nghệ thuật cổ thành một điểm du lịch văn hóa.
Phan Cẩm Thượng với các sách nghiên cứu nghệ thuật cổ và đời sống nghệ thuật rất được quan tâm.Trương Hán Minh, Lê Quốc Việt… cho thấy một sự “lạ đời” là tuy cả ngàn năm theo Khổng học và gần Trung Hoa tới tận bây giờ, quốc họa và thư pháp mới xuất hiện như là một môn nghệ thuật nghiêm túc ở ta.
Đào Anh Khánh - studio, Mạnh Đức - Nhà sàn, anh em Thanh Hải - New Space, Đào Vũ - VAC…với các không gian nghệ thuật tư nhân liên kết, hoạt động độc lập, kết nối trong nước và quốc tế.
Tất nhiên không thể liệt kê hết các “nhân vật đáng nhớ” của cả một thập niên.
Đón chờ một thế hệ mới và các làn sóng mới
* Theo ông, từ tình hình thực tế của Mỹ thuật Việt Nam hiện nay, đâu sẽ là hướng đi tiếp theo trong những năm tới?- Tôi lạc quan rằng Mỹ thuật Việt Nam sẽ phát triển tốt trong thời gian tới. Hội họa, điêu khắc và contemporary art đều đang đón chờ một thế hệ mới và các làn sóng mới. Sẽ không buồn tẻ hay suy thoái. Tôi hy vọng rằng chính quyền sẽ có những điều chỉnh vĩ mô về mỹ thuật, thí dụ như vấn đề “lạm phát” tượng đài, luật hành nghề tự do, vấn đề cấp giấy phép, kinh phí hỗ trợ nghệ sĩ, xây dựng các quỹ phi lợi nhuận, vấn đề tạo cơ sở vật chất cho mỹ thuật hoạt động, việc giáo dục nghệ thuật và xây dựng bảo tàng nghệ thuật hiện đại v.v...
Tôi cũng hy vọng các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ nhận thức ra vai trò, sứ mạng, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật quốc gia và nhà nước sẽ có định hướng, luật lệ cùng những ưu đãi để họ có thể việc đó. Lớp đại gia và trung lưu có văn hóa sẽ mua nghệ thuật, tạo ra một thị trường nội địa đủ mạnh để đẩy được mỹ thuật vào thị trường quốc tế như Trung Quốc hay Indonsia đã làm được. Mỹ thuật Việt Nam sẽ không chỉ còn là xuất khẩu tại chỗ hàng giá rẻ nữa.
Tôi hy vọng nạn làm tranh giả tranh nhái, tự copy mình hạ nghệ thuật xuống hàng đồ lưu niệm sẽ giảm bớt. Hy vọng các cháu bé không còn phải khổ vì môn nhạc họa như hiện nay. Hy vọng các công sở nhà nước, các trụ sở công ty, các nơi công cộng sẽ thôi tràn ngập các sản phẩm mỹ thuật tồi và trở thành nơi trú ngụ của những giá trị mỹ thuật đích thực của các tác giả Việt Nam…
Tất nhiên mọi hy vọng tự nó đều chứa yếu tố viển vông!
* Xin cảm ơn ông.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất