08/08/2019 15:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ khai mạc triển lãm Đối diện và công bố giải thưởng mỹ thuật Dogma sẽ diễn ra vào 18h ngày 8/8/2019 tại Galerie Quỳnh (118 Nguyễn Văn Thủ, TP.HCM).
Sáng lập từ năm 2009, đến nay Dogma là một giải thưởng về chân dung tự họa tạo được dấu ấn tại Việt Nam. Mùa giải năm nay, một tác giả đoạt giải chung cuộc sẽ được nhận 180 triệu đồng và lưu trú sáng tác tại Bamboo Curtain Studio, Đài Loan (Trung Quốc).
1. Được sự tài trợ độc lập từ bộ sưu tập Dogma, sau 3 lần tổ chức năm một, giải đi đến tổ chức hai năm một lần, đây là lần thứ 6. Với chủ đề đối diện, triển lãm và cuộc thi năm nay muốn tìm kiếm những tác phẩm truy vấn được bản thể luận của tác giả. Tính khôi hài và châm biếm cũng được khuyến khích khám phá, thể hiện. Mỗi tác giả nộp duy nhất một tác phẩm để dự thi; Tác phẩm được sáng tác trong vòng một năm trước ngày gởi dự thi.
Dogma 2019 có 14 nghệ sĩ vào vòng chung kết là Nguyễn Văn Bảy, Phạm Hồng, Phạm Nguyễn Anh Tú, Phan Hoài Nhi, Trần Quốc Giang, Đặng Việt Linh, Nguyễn Hoàng Giang, Nghĩa Đặng (Iggy), Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tấn Phát, Trương Minh Quý, Vũ Ngọc Vĩnh, Vũ Quang, Vũ Thị Hà. Ngoài tranh vẽ, năm nay còn có tượng, sắp đặt hình ảnh tài liệu và tác phẩm hoạt họa.
Không phải tất cả họa sĩ tranh giải đều trẻ tuổi, ví dụ năm 2011 có Phan Quang, năm 2015 có Đinh Ý Nhi, năm 2017 có Bùi Công Khánh - đó đều là các nghệ sĩ đã thành danh. Dù vậy, Dogma không giới hạn tuổi tác và phong cách sáng tạo, nhưng như lẽ tự nhiên, luôn thu hút được nhiều gương mặt trẻ tham gia. Ví dụ năm 2012 có hơn 300 tác phẩm dự thi, với 46 tác phẩm được chọn vào chung khảo.
Nhìn lại các gương mặt trẻ đã tham dự, chúng ta thấy nhiều gương mặt đã tạo được dấu ấn trong giới như Ngô Văn Sắc, Bàng Nhất Linh, Dương Thùy Dương, Nguyễn Minh Nam, Võ Thành Thân, Phạm Trần Việt Nam, Nguyễn Khắc Chinh, Phạm Tuấn Tú, Trương Thế Linh, Nguyễn Phan Anh, Trần Thế Vĩnh… Danh sách này còn rất dài, nhiều họa sĩ sau giải thưởng đã chuyển biến mạnh mẽ, phát triển được nghề nghiệp.
Họa sĩ Võ Thành Thân từ Huế cho biết: “Giải thưởng này đã giúp tôi rút ngắn lại khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật, giúp tên tuổi đến gần hơn giới chuyên môn trong và ngoài nước. Khi ra trường, tôi phải gián đoạn việc sáng tác trong 4 năm, đến khi quay trở lại năm 2015, được giải nhất chung cuộc. Đó là một động lực rất quan trọng, giúp tôi vững tin hơn trên con đường đã chọn”.
2. Xem trưng bày mùa giải 2015, họa sĩ Phạm Huy Thông từng viết: “Giải thưởng Dogma năm nay tương đối thú vị. Không chỉ vì có nhiều tác phẩm đẹp mắt lọt vào chung kết, mà còn từ những chuyện giải thưởng đến chuyện tổ chức, có khối thứ để bàn tán”. Anh viết thêm: “Giải thưởng Dogma chuyên về chân dung. Bản thân chủ đề chân dung đã tạo ra một giới hạn nhất định cho các tác giả”.
Nhìn lại hành trình 10 năm của giải thưởng này, họa sĩ Lê Kinh Tài thẳng thắn: “Cần thiết có những giải như vậy, tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn đề tài chân dung thì hơi phí. Việc mở rộng tiêu chí và các xu hướng thẩm mỹ cho giải này, ngay cả với mảng chân dung tự họa, cũng là việc cần thay đổi mạnh vào các mùa giải tiếp theo”.
Tuy còn một vài giới hạn về tiêu chí, cũng như việc điều hành giải, nhưng nhìn tổng thể thì 10 năm qua Dogma đã góp được một tiếng nói khá rõ nét vào các hoạt động có tính chất thi thố về mỹ thuật tại Việt Nam. Nhìn chung Việt Nam vẫn còn thiếu khá nhiều giải thưởng, nên hệ thống giải chưa phản ánh đủ và đúng diện mạo thực thụ của nền mỹ thuật đang khá đa dạng.
Với hàng trăm tác phẩm dự thi, Dogma cũng đã cho thấy chân dung và chân dung tự họa là một phần rất quan trọng trong cuộc đời sáng tác của từng tác giả. Tiêu chí của Dogma là chân dung tự họa, đây vừa là giới hạn của giải, nhưng nếu biết khai thác, thì đây cũng sẽ là thế mạnh riêng, nó kích thích các tác giả đầu sâu hơn trong việc tìm tòi, sáng tạo. Bởi suy cùng, về mặt chủ đề trong nghệ thuật, chẳng còn gì mới dưới mặt Trời, dấu ấn có chăng là ở quá trình tìm tòi, sáng tạo có được dấu ấn.
Vài cá tính của Dogma 2019 Theo nhận diện từ chính tác phẩm vào chung khảo Dogma 2019, có thể thấy: Nghĩa Đặng đi giữa sinh thành và hoại diệt; Đặng Việt Linh, Vũ Thị Hà đi giữa phô bày và che giấu; Trần Quốc Giang đi giữa tự do và ràng buộc; Phạm Hồng đi giữa cảm xúc và lý tính; Nguyễn Hoàng Giang đi giữa mâu thuẫn của hiện tại và tương lai; Trương Minh Quý đi giữ bản sắc cá nhân và ký ức tập thể; Phan Hoài Nhi và Phạm Nguyễn Anh Tú đi giữa rối rắm nội tại và hỗn độn thông tin; Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tấn Phát và Vũ Ngọc Vĩnh đi giữa hiện sinh cá nhân và khuôn khổ đời sống, xã hội; Vũ Quang đi giữa vật chất và siêu hình. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất