01/01/2020 07:27 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là điện ảnh Việt năm 2019 đã khép lại cùng Mắt biếc, một cái kết có hậu cho cả nghệ thuật và thương mại. Sau 10 ngày công chiếu, bộ phim này đã thu về hơn 100 tỷ đồng và thậm chí có thể còn cao hơn trong tương lai. Trước nó, trong “câu lạc bộ các phim trăm tỷ”, năm 2019 đã có 5 phim, gồm Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Lật mặt: Nhà có khách, Chị trợ lý của anh, Trạng Quỳnh.
Nhìn lại, năm 2019 sắp qua, có hơn 50 phim sản xuất, 44 phim đã ra rạp. So với 3 năm gần đây, con số này tăng trưởng tương đối ổn định, nhưng vẫn đáng lo khi số phim trung bình yếu vẫn còn khá nhiều.
Những phim trung bình yếu
Đáng mừng, năm 2019 không có phim thảm họa. Nhưng phim trung bình và trung bình yếu vẫn còn khá nhiều. Có thể hơn 20/44 phim đã công chiếu, bao gồm: Thiên sứ không phép màu, Trạng Quỳnh, Táo quậy, Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Yolo - Bạn chỉ sống một lần, Cậu chủ ma cà rồng, Cà chớn, anh đừng đi!, Tìm chồng cho mẹ, Người lạ ơi, Ngốc ơi tuổi 17, Oppa phiền quá nha, Vô gian đạo, Tình đầu thơ ngây, Cuộc gọi định mệnh, Ước hẹn mùa Thu, Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp, Tháng năm để dành, Hạnh phúc của mẹ, Thật tuyệt vời khi ở bên em...
Điểm chung đầu tiên của các phim này là có cốt truyện và kịch bản hơi vô lý, thậm chí có cảm giác rằng người làm phim không quan trọng kịch bản cho lắm, chỉ cần dàn dựng và hậu kỳ là xong. Các ví dụ về dàn dựng và hậu kỳ không cứu nổi kịch bản có thể thấy qua: Trạng Quỳnh, Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Oppa phiền quá nha, Vô gian đạo, Ước hẹn mùa Thu… Nhưng cũng có vài phim kịch bản có chút ý tứ nhưng dàn dựng và hậu kỳ lại lực bất tòng tâm như: Thiên sứ không phép màu, Yolo - Bạn chỉ sống một lần, Tìm chồng cho mẹ, Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp…
Một điểm chung nữa, phim là sản phẩm của tập thể, nên ê-kíp sản xuất phải tương đối đồng đều về quan niệm và tay nghề thì mới mong làm tốt. Trong bối cảnh kỹ thuật và tay nghề đang phát triển nhanh tại Việt Nam, các phim trung bình yếu này để lộ nhiều khâu yếu. Nhiều phim có vẻ chỉ đầu tư cho các diễn viên chính, đạo diễn, bối cảnh… mà hoàn toàn bỏ qua âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo… nên kết quả không đạt. Ví dụ về hậu kỳ và kỹ xảo, có cảm giác các phim Thiên sứ không phép màu, Táo quậy, Cậu chủ ma cà rồng, Người lạ ơi… chỉ là làm cho có.
Điểm chung cuối cùng: Hình như các nhà sản xuất các phim này nghĩ thị trường điện ảnh đang khá dễ dãi nên cứ “làm đại thôi”, nếu không được cũng không sao cả. Các phim như Oppa phiền quá nha, Yolo - Bạn chỉ sống một lần, Cậu chủ ma cà rồng… còn được đồn rằng do “nhà có điều kiện nên thích thì cứ làm”.
Những phim “tốt đạo đẹp đời”
Tại LHP Việt Nam lần thứ 21, Hai Phượng và Cua lại vợ bầu đoạt Bông sen Bạc, trong khi Lật mặt: Nhà có khách lại ra về “trắng tay”. Kết quả ấy đã chứng tỏ phần nào chất lượng của hai sản phẩm rất ăn khách này.
Việc Hai Phượng được chọn để tranh giải hạng mục Phim quốc tế hay nhất tại Oscar lần thứ 92 là hoàn toàn xứng đáng. Phim này cũng thành công ở thị trường quốc tế, khi thu về hơn 1 triệu USD (tính đến cuối 2019), chưa kể còn được hệ thống Netflix và VOD mua bản quyền khai thác trực tuyến và truyền hình; được phát hành tại thị trường Trung Quốc. Các phim khác như Lật mặt 4: Nhà có khách, Thất Sơn tâm linh, Người vợ ba, Cha ma… cũng vươn ra phát hành ở thị trường nước ngoài trong năm 2019.
Đạo diễn - NSƯT Bùi Tuấn Dũng (thành viên Ban giám khảo LHP Việt Nam lần thứ 21) cho biết: “Với cá nhân tôi, đây là một trong những kết quả công tâm và thống nhất trong rất nhiều liên hoan phim mà tôi tham gia cùng vai trò”. Bùi Tuấn Dũng còn cho biết: Dưới góc độ giải trí và khán giả thì anh thích Cua lại vợ bầu hơn, nhưng dưới góc độ học thuật và tiêu chí chính của liên hoan này, thì anh cũng như các thành viên khác đã chọn Song lang cho vị trí Bông sen Vàng.
PGS-TS Trần Luân Kim thì nhận xét đây là liên hoan “tốt đạo đẹp đời”, hy vọng nó sẽ thành tiền lệ hay để từ nay các kết quả chấm giải luôn tiệm cận nhiều hơn với sự “khâm phục khẩu phục” của đa số.
Ngoài Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, các phim gây ấn tượng tốt ở các khía cạnh khác nhau còn có: Chị trợ lý của anh, Anh trai yêu quái, Vu quy đại náo, Thưa mẹ con đi, Anh thầy ngôi sao, Thất Sơn tâm linh, Pháp sư mù, Bắc kim thang, Hoa hậu giang hồ, Cha ma… Cũng có một số phim mới “sạch nước cản” nhưng doanh thu lại khá cao như Lật mặt: Nhà có khách, Chị Mười Ba, Pháp sư mù…
Ấn tượng và bài học
Cuối năm 2019 là hai ấn tượng vượt bậc, gồm Mắt biếc và Chị chị em em. Một trong những điểm sáng của Mắt biếc là chuyển thể thành công tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, làm cho hàng trăm ngàn độc giả tuổi mới lớn tiếp tục thổn thức trong vai trò khán giả. Đây cũng là một gợi ý cho những ai đang than phiền về việc thiếu ý tưởng và thiếu vỉa từ cho kịch bản.
Một trong những sai sót và tai nạn đáng tiếc nhất của điện ảnh Việt năm 2019 đã xảy đến với phim Người vợ ba và phim Ròm. Thiết nghĩ các nhà làm phim ở Việt Nam cần nhìn vào hai phim này để rút ra những bài học thiết thực.
Những ngày cuối năm 2019, một dự án quy mô, được ấp ủ từ lâu của nhà sản xuất Trần Bảo Sơn là Con đường vô tận đã bấm máy tại New York, sau đó sẽ về Việt Nam quay tiếp khoảng 30 ngày.
Dày đặc phim Việt ra rạp trong năm 2020 Bước vào 2020, điện ảnh Việt sẽ chào đón nhiều phim có đầu tư khá hoặc chỉn chu như Trạng Tí, Gái già lắm chiêu 3, Hương Ga 2, Thanh Sói, Chị Mười Ba 2, Nắng 3: Lời hứa của cha, Lật mặt 5: 48h… Nói chung đến nay đã có gần 35 phim dự kiến ra rạp trong năm 2020 và theo ước tính, con số này có thể lên tới 50 phim. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất