31/03/2022 07:31 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày mai, chúng ta sẽ bước sang tháng Tư của năm 2022. Và, mở đầu cho chuỗi ngày ấy - ngày 1/4 - sẽ là câu chuyện “cá tháng Tư” mà cả thế giới không còn xa lạ.
Phần lớn người Việt Nam tất nhiên cũng không xa lạ - khi mà vài chục năm qua, những trò đùa trong ngày nói dối ấy liên tục được nối dài mãi bởi sự xuất hiện của internet, của mạng xã hội, và thậm chí cả sự nhập cuộc rất nhiệt tình của không ít tờ báo vốn cũng thích đùa.
Có sao đâu nhỉ, nếu trong một guồng quay căng thẳng của nhịp sống hiện đại, chúng ta có hẳn một ngày để trêu chọc, tạo niềm vui bằng cách đánh lừa người khác với những trò đùa vô hại?
Cá tháng Tư tất nhiên không có nguồn gốc bản địa. Người ta đã nói quá nhiều về sự ra đời của nó trên thế giới, nhưng cũng ít ai xác định được rõ thời điểm phong tục này du nhập vào Việt Nam.
Thậm chí, cho đến trước thập niên 1990, chúng ta cũng không có một cái tên cố định dành cho ngày này. Như khẳng định của những độc giả thuộc thế hệ 7x, cụm từ “cá tháng Tư” chỉ phổ biến kể từ sau năm 1992, khi nó xuất hiện trong bản dịch bộ truyện tranh Doraemon vốn là “hàng hot” với giới trẻ, và dần được người Việt sử dụng nhiều hơn hẳn so với những cái tên như “ngày nói dối”, “ngày nói khoác” từng có trước đây.
Bắt đầu từ người trẻ, rồi lan rộng dần như một hiệu ứng cộng đồng, cá tháng Tư cứ thoải mái đi vào đời sống ở Việt Nam theo cách ấy. Để rồi, như bao câu chuyện khác, những trò đùa trong ngày cá tháng Tư tới lúc được Việt hóa với những kiểu thức muôn hình vạn trạng - mà giới trẻ vẫn quen gọi bằng cụm từ “câu cá” trong dịp này.
Sự thái quá, nếu có, trong ngày cá tháng Tư của người Việt những năm qua không nhiều. Và bất chấp xu thế phản biện đầy khắt khe trên mạng xã hội, nhìn chung dư luận cũng không mấy khi “dị ứng” với những cú chơi khăm trong ngày mà nhiều người hào hứng... đi câu.
***
Nhưng cũng phải nói thêm, văn hóa Việt dù sẵn tính hỗn dung, nhưng cũng không dễ chấp nhận những yếu tố du nhập mà thiếu đi sự tương thích về giá trị chuẩn mực, nhân sinh quan, tâm lý dân tộc.
Nó giống như một thực tế mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra: Chúng ta có thể dễ dàng tiếp nhận những yếu tố văn hóa về ngày Tết, về tục thờ cúng người đã khuất từ phương Bắc và cũng có thể thoải mái để những ngày Quốc tế 8/3, ngày Valentine 14/2, ngày Giáng sinh... bén rễ ở văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, một ngày Tết “Té nước” vốn phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á lại không thể tìm được chỗ đứng với người Việt khi thiếu đi nền tảng phù hợp.
Vậy, đâu là lý do để cá tháng Tư trở thành một phần của văn hóa Việt trong những năm qua? Đã có nhiều người giải thích điều đó bằng sự lạc quan, yêu đời và thích vui đùa trong văn hóa bản địa của người Việt - với những chuyện Trạng, những “làng nói khoác”, những truyện tiếu lâm dân gian vốn đầy rẫy ở những vùng nông thôn Bắc Bộ.
Riêng người viết muốn bổ sung thêm một suy nghĩ khác: Đó còn là sự bao dung, vốn rất sẵn trong cách ứng xử của người Việt. Với rất nhiều người, ngày cá tháng Tư có thể không đủ thú vị, nhưng chúng ta vẫn có thừa sự bao dung và thoải mái để cười xòa, chấp nhận làm “con cá bị câu” trong dịp đặc biệt này - khi biết rằng người đối diện chỉ đang muốn làm một trò đùa vô hại để đem lại tiếng cười hưng phấn cho tất cả, trong đó có chính chúng ta.
Bởi thế, dù tự phát, hãy cứ để ngày cá tháng Tư được là chính nó, thay cho những suy luận mang màu sắc chua chát từng có về sở thích nói dối, hoặc về sự dối trá đang tồn tại trong xã hội Việt. Hãy để theo thời gian, những gì còn thiếu chuẩn mực trong ngày “câu cá” sẽ được điều chỉnh một cách tự nhiên từ chính cộng đồng.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất