Giữ Hà Nội sạch để bảo tồn văn hóa

13/04/2010 13:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Sau những háo hức đón cái Tết Việt đầu tiên tại Hà Nội cùng gia đình, bà Katherine Muller - Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội, lại hối hả với hàng loạt công việc trong chương trình lớn của UNESCO cùng Hà Nội và Việt Nam hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bà chia sẻ với TT&VH những tình cảm và cả sự quan tâm lo lắng của bà trước sự kiện này.

Bà Katherine Muller - Marin
1. Phiên họp Đại hội đồng lần thứ 35 của UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện quan trọng để thúc đẩy công tác bảo tồn văn hóa và nghệ thuật truyền thống đồng thời nâng cao nhận thức của giới trẻ về tầm quan trọng của việc bảo vệ những sáng kiến văn hóa hòa bình, hòa hợp và đối thoại giữa các nền văn hóa. UNESCO hỗ trợ đại lễ kỷ niệm này để bày tỏ sự tôn vinh giá trị văn hóa đa dạng của Việt Nam cũng như vẻ đẹp của thành phố Hà Nội.


Nhân đây, tôi muốn được nói thêm là nghị quyết có ý nghĩa vô cùng to lớn vì cho đến nay, mới chỉ có 2 thành phố khác trên thế giới cũng được phối hợp với UNESCO để tổ chức đại lễ 1.000 năm; thành phố Yaroslav (Nga) và thành phố Nara Heijo-kyo (Nhật Bản).

Trong định hướng hoạt động của mình hướng đến đại lễ này, chúng tôi sẽ nhấn mạnh đến sự bảo tồn văn hóa truyền thống và tính cộng đồng trong hoạt động văn hóa, đặc biệt hướng đến giới trẻ.

Thứ nhất, trong khuôn khổ quan hệ hợp tác với UBND thành phố Hà Nội, hiện nay UNESCO Hà Nội đang thực hiện việc bảo tồn khu thành cổ Thăng Long thông qua dự án Bảo tồn Khu di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Dự án hỗ trợ các biện pháp bảo tồn những khu vực đã phát lộ dựa trên các nghiên cứu khảo cổ, kiến trúc và kinh tế - xã hội. Sau 3 năm thực hiện, dự án sẽ hoàn thành một hệ thống quản lý nhằm bảo đảm việc bảo tồn lâu dài và đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

“2 việc lớn nên làm ngay là: Làm sạch các hồ ở Hà Nội và tuyên truyền văn hóa giao thông đô thị ít ồn ào và có trật tự hơn”

(Bà Katherine Muller - Marin )

Thứ hai, chúng tôi đang theo sát quá trình ba hồ sơ đề cử mà Việt Nam đã gửi cho UNESCO về Hoàng thành Thăng Long và Lễ hội Gióng. Chúng tôi hy vọng có thể sớm cập nhật cho các đối tác Việt Nam thông tin về những hồ sơ đề cử này. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động với các trường phổ thông và đại học, tham gia các diễn đàn, hội nghị. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với thành phố Hà Nội để xác định các di sản văn hóa giàu truyền thống, bản sắc và đưa ra những biện pháp bảo tồn hiệu quả những giá trị văn hóa này cho các thế hệ tương lai.


2. Hẳn là không chỉ có cá nhân tôi hay văn phòng UNESCO Hà Nội mà sẽ có rất nhiều người cùng đặt câu hỏi: làm thế nào để đại lễ thực sự là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc với đại đa số nhân dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Từ những quan sát cuộc sống Hà Nội và trải nghiệm công việc nơi đây, tôi cho rằng câu trả lời sẽ không đơn giản bởi nó gồm một “núi” công việc cần phải làm ngay.


Hồ Gươm được cho là khá sạch, nhưng cụ rùa hồ Gươm
 từng phải nổi lên giữa làn nước đặc sánh

Việc đầu tiên là làm cho người dân cảm thấy họ là một phần rất quan trọng của đại lễ này, cảm thấy tự hào được sống ở thành phố Hà Nội và được cùng chung sức để làm cho thành phố ngày càng đẹp hơn. Tôi nhấn mạnh là để cho người dân tự cảm thấy tầm quan trọng của mình chứ không phải là một sự “quan trọng khiên cưỡng, hình thức”.

Hà Nội có thể đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa bằng cách khuyến khích việc làm cho thành phố sạch, đẹp và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường đối với việc bảo tồn các địa điểm và di tích văn hóa.

Đại lễ sẽ là một dịp tốt để nâng cao lòng tự hào của tất cả mọi người thông qua việc giới thiệu với thế giới một Hà Nội không chỉ đẹp về các giá trị văn hóa lịch sử, mà còn là một thành phố có môi trường sống trong sạch và lành mạnh. Vì vậy, hai việc lớn nên làm ngay là: Làm sạch các hồ ở Hà Nội sẽ có ý nghĩa hết sức đặc biệt vì đây là những hòn ngọc xanh của thành phố; tuyên truyền văn hóa giao thông đô thị ít ồn ào và có trật tự hơn cũng sẽ góp phần tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho người dân Hà Nội.

Lĩnh vực thứ ba nên được quan tâm là bảo tàng. Chúng ta cần khuyến khích người dân tham quan các bảo tàng. Hà Nội có rất nhiều bảo tàng tuyệt vời và đây là một nguồn tài nguyên giáo dục vô cùng quý giá. Đồng thời, các bảo tàng cũng cần tìm cách gắn kết các trưng bày của mình với những vấn đề đương đại như thay đổi khí hậu, di cư, đô thị hóa và bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn di sản cũng cần phải được lưu ý. Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất nhanh và việc đô thị hóa, phát triển công nghiệp, du lịch cũng tạo ra nhiều sức ép đối với các di sản văn hóa. Công tác bảo tồn di sản không chỉ là việc trùng tu, tôn tạo, mà còn liên quan tới các kế hoạch phát triển của địa phương và cuộc sống của người dân. Vì vậy, mỗi di sản cần có một phương án quản lý tổng thể, trong đó gắn kết việc bảo tồn di sản đối với tác động của môi trường, kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển nông thôn, công nghiệp sáng tạo và nghề thủ công, phát triển du lịch, cũng như quyền sử dụng đất và tập quán sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người dân địa phương.

Nghe có vẻ thật nhiều việc quá phải không... Song tôi cho rằng sự đồng thuận của nhân dân chính là nền tảng thành công của bất kỳ một sự kiện xã hội dù lớn hay nhỏ nào.

An Trung (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm