11/12/2017 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trên thế giới nhiều nước đã có Luật Ngôn ngữ như Pháp, Kazakhstan, Bỉ… cho nên Việt Nam hoặc một nước nào đó nghĩ đến việc xây dựng Luật Ngôn ngữ cũng là điều bình thường. Vấn đề đặt ra là: Phạm vi quy định của Luật Ngôn ngữ sẽ rộng đến đâu, hay chỉ nên khu biệt trong một vài lĩnh vực cần độ chính xác và sự đơn nghĩa như văn bản hành chính, văn bản pháp luật…
Theo PGS-TS Hoàng Dũng (chuyên gia ngôn ngữ) thì giới chuyên môn về ngôn ngữ đã tổ chức rất nhiều hội thảo bàn về vấn đề này. Tài liệu đã in nhiều vô số kể, bên ủng hộ hoặc phản đối đều có lý lẽ riêng của mình. Rồi nhiều quyết định, nghị định, thông tư… cũng đã được ban hành từ đầu thập niên 1980 cho đến nay, nhưng sự áp dụng có tính cách chấp hành như luật vẫn chưa đồng bộ.
Nên giới hạn phạm vi
“Cần có Luật Ngôn ngữ. Nhưng sẽ khó xây dựng nếu ôm đồm. Sẽ không quá khó nếu biết giới hạn. Tôi nghĩ chỉ nên giới hạn phạm vi hiệu lực trong các văn bản hành chính mà thôi. Trên thế giới cũng vậy, nhiều nước đã có Luật Ngôn ngữ, nhưng chủ yếu chỉ mang đến những vấn đề vi mô như ngôn ngữ chính thức được dùng là gì, quyền của các ngôn ngữ thiểu số... Nghĩa là chỉ nói về chính sách ngôn ngữ (language policy) hơn là quyền và nghĩa vụ cụ thể trong việc dùng ngôn ngữ ra sao” - TS Hoàng Dũng nói.
“Chữ viết gắn liền với ký ức, kỷ niệm, tình cảm của con người nên phải hết sức thận trọng nếu muốn thay đổi, chuẩn hóa, hoặc luật hóa nó. Đáp ứng được yêu cầu khoa học nhưng làm tổn thương đến tâm thức cộng đồng có khi lại là... không khoa học. Ngôn ngữ là những ký hiệu có tính quy ước, được vận hành dựa vào sự đồng thuận của đám đông nên có khi tính hợp lý phải lùi bước trước tập quán. Đó là chưa nói những thay đổi đó, việc luật hóa đó có thật sự hợp lý và có tính thuyết phục cao hay không” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết.
Anh nói thêm: “Theo tôi, những cải tiến đơn giản, tiện lợi và không gây nhiều xáo trộn đến sinh hoạt xã hội thì có thể làm được. Chẳng hạn trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc thêm các phụ âm như j, f, w, z... vào bảng chữ cái để người Việt, đặc biệt là trẻ em, có thể đọc, viết được những từ thông dụng như quần jean, nhạc jazz, wifi, lướt web, bánh pizza... là rất cần”.
“Chữ viết là công cụ giao tiếp, diễn đạt, do đó tiêu chí hàng đầu là thuận tiện cho người sử dụng - cả người viết lẫn người đọc. Mọi cải tiến, luật hóa nếu đưa đến sự bất tiện sẽ khó được cộng đồng chấp nhận, vì vậy tính khả thi không cao. Hiện tượng này không chỉ chữ Việt mới gặp phải mà xảy ra ở nhiều ngôn ngữ trên thế giới”.
Ngôn ngữ cần tự do để sinh sôi
Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn thì cho rằng: “Không cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ, vì ngôn ngữ luôn là một thực thể chuyển động của đời sống, nên đời sống sẽ giúp ngôn ngữ định dạng ở hình thái phổ quát nhất, tiện ích nhất, thông dụng nhất. Cách chuẩn hóa hiệu quả nhất là sức ảnh hưởng của tri thức, mà cụ thể là giới cầm bút và giới dạy học. Chỉ cần văn bản của họ thuyết phục, sẽ tạo ra quy chuẩn cho xã hội”.
TS Ngô Minh Hiền (Đại học Đà Nẵng) cũng cho rằng ngôn ngữ cần tự do để sinh sôi, nếu luật hóa dễ bị đóng khung, lúc ấy sinh ngữ có thể biến thành tử ngữ.
“Tôi nghĩ việc luật hóa có thể áp dụng cho một vài trường hợp cũ thể, có quy mô nhỏ như văn bản pháp luật, văn bản hành chính, còn văn bản văn chương, báo chí thì không nên và không thể. Chẳng phải trước Xuân Diệu không ai viết “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”, nhưng sau ông, chữ rũa đã có nên ngữ nghĩa mới đó sao.
Tiếng Việt trước và sau Gia Định báo, trước và sau Tự lực văn đoàn, trước và sau Thơ mới… rõ ràng rất khác nhau, mà chẳng cần một văn bản pháp quy nào áp đặt phải thay đổi hoặc gìn giữ. Hơn nữa, sức hấp dẫn của ngôn ngữ văn chương chính là tính đa nghĩa, nếu chuẩn hóa, luật hóa thì hoàn toàn giới hạn sự sáng tạo”.
* Kỳ 5: Cải cách và luật hóa liệu có làm tiếng Việt trong sáng?
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất