Giáo sư Đặng Thai Mai - Nhà văn hóa lớn

25/09/2019 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - "Văn chương lý luận như gang thép/ Cốt cách tinh thần tựa trúc mai" là những nhận xét xác đáng của nhà thơ Tú Mỡ về GS Đặng Thai Mai. Ông được coi là một hiện tượng đặc biệt hiếm có trong số những nhà trí thức Việt Nam thời kỳ mở đường.

Văn học Việt Nam: Làm gì để… bước ra thế giới?

Văn học Việt Nam: Làm gì để… bước ra thế giới?

Từ ngày 15-21/2 tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Giang, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện “3 trong 1” gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII.

Quả thật rất khó chỉ xếp ông trong riêng một lĩnh vực nào: nhà chính trị yêu nước, yêu dân; nhà hoạt động văn hóa đa tài; nhà nghiên cứu ngữ văn, lịch sử uyên bác; nhà sư phạm mẫu mực... Bất cứ lĩnh vực nào, ông cũng được người đương thời và hậu thế nhắc đến bằng sự kính trọng, yêu mến và cảm phục.   

Ông mất ngày này cách đây 35 năm, ngày 25-9-1984.

Người mở đường cho nền văn hóa, giáo dục cách mạng   

GS Đặng Thai Mai sinh ngày 25-12-1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Lương Điền (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cuộc đời và sự nghiệp GS Đặng Thai Mai là hình mẫu tiêu biểu cho sự gắn bó giữa trí thức và cách mạng.   

Cùng với những nhà trí thức cách mạng, như Hải Triều, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp… GS Đặng Thai Mai đã sớm bước vào cuộc đấu tranh cách mạng, cổ vũ cho sự thắng lợi của nghệ thuật vị nhân sinh, khẳng định văn học nghệ thuật là một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Ông đã tập hợp, cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sỹ tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, gắn bó sâu sắc với nhân dân, xứng đáng là những nghệ sỹ-chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.   

Trên cương vị nhà lãnh đạo, quản lý văn nghệ, giáo dục (Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn khoa, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam), ông đã đào tạo được một thế hệ văn nghệ sỹ đứng vững trên lập trường nhân dân, yêu nước để sáng tạo; đào tạo một đội ngũ phê bình giàu bản lĩnh cách mạng, nhạy bén, kịp thời phát hiện và đấu tranh bài trừ những tư tưởng, khuynh hướng sai lầm, nguy hại đối với sự nghiệp cách mạng.   

Chú thích ảnh
Khánh thành tượng GS. Đặng Thai Mai tại Trường ĐH Sư phạm HN. Ảnh: dangcongsan.vn

Với tư cách là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, trong gần 40 năm, kể từ những bài viết đầu tiên trên các tờ báo nổi tiếng như “Thanh Nghị”, “Tri Tân”, “Văn Mới” (1940), đến năm 1985, GS Đặng Thai Mai đã để lại cho ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn một di sản quý, gồm hàng chục công trình, hàng nghìn trang viết có giá trị. Mỗi công trình của ông đều in dấu mốc quan trọng của từng thời kỳ hình thành và phát triển ngành nghiên cứu Ngữ văn ở nước ta. Về lý luận, tác phẩm “Văn học khái luận” (1944) của ông, theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, là công trình nghiên cứu lý luận văn học mác xít đầu tiên của một nền học thuật còn non trẻ như Việt Nam lúc bấy giờ. Ngay từ khi giới nghiên cứu nước ta còn loay hoay tìm đường, công trình “Giảng văn Chinh phụ ngâm” (1950) của ông đã mang “hơi hướng tiếp cận thi pháp học”, một phương pháp nghiên cứu hiện đại mà mãi đến sau này, khoảng những năm 80 của thế kỷ XX các nhà nghiên cứu nước ta mới bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng.   

Tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây, nhưng người con ưu tú của xứ Nghệ vẫn rất nhất quán và kiên trì theo đuổi những đề tài dài hơi mang đậm tinh thần dân tộc của mình. Ba tập “Trên đường học tập và nghiên cứu” (1959, 1965 và 1973) là cuộc tìm kiếm “từ tốn” của một học giả “yêu chân lý và con người”. Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu, tiếp cận văn học Việt Nam và một số nền văn học lớn khác trên thế giới, như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc… đều thể hiện kiến thức uyên bác của một người yêu tri thức, ham mê khám phá và sáng tạo.   

Có thể nói, sự nghiệp, phong cách và con người GS Đặng Thái Mai là sự kết tinh, hội tụ của nhiều nền văn hóa và phong cách, sự gặp gỡ của cổ đại và hiện đại, của Á và Âu, của văn hóa miền Nam và miền Bắc. Ông hiểu và tinh thông nền văn hóa Trung Hoa, phương Đông, nhưng cũng thấm đậm “chất Pháp”, vốn văn hóa phương Tây. Ông có nét lịch lãm, thâm trầm của một nhà nghiên cứu từng trải, và có cả cái say mê, trẻ trung của lứa tuổi thanh xuân. Những người thân thiết gần gũi với ông kể lại rằng, trong cuộc sống hàng ngày, ông bình dị, dễ gần, cởi mở. Nhưng cũng chính trong con người ấy, khi bắt tay làm bất cứ công việc gì, cũng đều nghiêm túc và nhiệt thành. Với các đồng nghiệp, đặc biệt những đồng nghiệp trẻ, bao giờ ông cũng giúp đỡ hết lòng, khơi gợi ở họ niềm say mê khám phá và sáng tạo.

Người chăm những “luống xanh”   

Trong suốt cuộc đời mình, dù phải chia sẻ thời gian, tâm lực cho nhiều công việc khác nhau nhưng GS Đặng Thai Mai vẫn dành thời gian và tâm huyết để giảng dạy, đào tạo đội ngũ kế cận sau này. Ông từng chia sẻ rằng, đối với ông, công trình lớn nhất, có giá trị hơn cả là công trình đào tạo biết bao môn sinh thành đạt. Có thế mới lĩnh hội hết ý nghĩa của cái bắt tay, nụ cười của ông khi thấy sách của học trò gửi đến tặng.   

Nhà văn Nguyễn Đình Thi, trong bài “Người chăm luống xanh” tặng ông, đã viết:   

"Thâu đêm trang sách mở…
Anh chăm những luống xanh
Cho thời đại con người..."   

Trong những "luống xanh" này, có cả hàng trăm bản thảo của các nhà xuất bản gửi đến xin ý kiến của ông. Ai đã thấy những bản nhận xét, góp ý kiến, những trang ông chữa móc nối vòng vèo mới thấy hết công lao sáng tạo thầm lặng vô giá này.   

Nhà văn Hoàng Văn Bổn từng hồi tưởng về thầy Đặng Thai Mai khi được theo học Trường Viết văn của Hội Nhà văn: “Hầu hết các tác phẩm ông giảng dạy chúng tôi là bi kịch, bi kịch cổ điển. Ông vừa hút thuốc lá vừa đi đi lại lại theo chiều dài của lớp, hai tay đút túi áo pađờsuy, nhìn theo những bước chân mình, bắt đầu đọc bằng nguyên văn tiếng Pháp các kịch bản cổ điển của Môlie, Sếchxpia như “Anđrômác”, “Êđip làm vua”, “Vua Lia”... với giọng ấm áp và diễn cảm theo tình huống trong tác phẩm, đôi khi kèm cả bộ điệu... Thỉnh thoảng ông im lặng. Dòng đời đang chảy trong tác phẩm như ngưng đọng... Ông không giảng mà ông hồi tưởng, suy nghĩ, nhấm nháp, chiêm ngưỡng một nền văn học cao cả của nhân loại. Từ chiêm nghiệm mà giảng, tự thân truyền đạt cho thế hệ chúng tôi. Trong khóa học đầu tiên ấy, hầu hết đều ít nhiều thành công, đều có tác phẩm”.   

Theo GS Hà Minh Đức, cuộc đời của GS Đặng Thai Mai là một tấm gương của người trí thức cách mạng, một nhà văn với sự nghiệp sáng tạo to lớn, một người thầy được tôn kính. Ông đã để lại một sự nghiệp văn chương to lớn, một tấm gương về đạo đức, về nhân cách. Có thể tìm thấy trong những bài báo thời trẻ của ông những ý kiến đanh thép, trong những bài phê phán những tư tưởng sai trái, các bài bình giảng văn chương với những lời đằm thắm, sâu sắc. Tuy nhiên, tất cả dường như vẫn mang âm hưởng, giọng điệu của một người thầy, người thầy trên giảng đường, trong trang sách và cả ở ngoài đời.   

Với những cống hiến to lớn trong các hoạt động chính trị-xã hội và văn học nghệ thuật, Giáo sư Đặng Thai Mai đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (1982), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật đợt I (1996)…

Phương Nam/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm