Giao lưu văn hóa Việt - Nga (kỳ 4): Quảng bá văn học Việt Nam ở Nga

26/12/2019 18:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn học Nga Xô Viết ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, những tác phẩm văn học dịch của Việt Nam được giới thiệu ở Nga cũng đã góp phần quảng bá một nền văn học và văn hóa Việt Nam đặc trưng với nhiều dấu ấn.

Giao lưu văn hóa Việt – Nga (kỳ 3): Những học giả bắc nhịp cầu văn hóa

Giao lưu văn hóa Việt – Nga (kỳ 3): Những học giả bắc nhịp cầu văn hóa

Sự phát triển của một nền văn hóa sẽ không có nếu chỉ tồn tại một mình mà cần có quá trình tiếp xúc và giao lưu giữa các quốc gia, dân tộc. Trong quá trình này, yếu tố con người mà cụ thể là những nhà văn hóa chiếm giữ một vị trí quan trọng. Đối với sự kết nối, giao lưu văn hóa và văn học giữa Việt Nam - Liên bang Nga cũng vậy.

1. Từ những năm 1950 cho đến giữa những năm 1980, đông đảo các trí thức, nghệ sĩ được đào tạo một các bài bản ở Nga chính là đội ngũ chuyển tải, giới thiệu văn học Nga vào Việt Nam một cách hiệu quả. Nhiều học giả, nghệ sĩ Nga cũng đến Việt Nam để tìm hiểu văn hóa và văn học Việt Nam. Chính từ những nhịp cầu văn hóa này mà dần hình thành một đội ngũ dịch giả và đội ngũ Nga học, Việt Nam học khá chất lượng

Xét ở góc độ dịch thuật, đây được xem là hoạt động quảng bá có hiệu quả trong quá trình giao lưu văn hóa và văn học giữa hai quốc gia Việt - Nga. Những tác phẩm văn học dịch của hai nền văn học đã được dịch và giới thiệu từ rất sớm. Như đã thông tin ở kỳ trước, tác phẩm của văn học Việt Nam được giới thiệu sang tiếng Nga đầu tiên, có thể kể đến “ba bài ca dao đồng dao Việt Nam” được nhà thơ Nga nổi tiếng thuộc thế kỷ Bạc ở Nga Nikitin Gumiliov (1886-1921) dịch từ tiếng Pháp đăng trong tập thơ mỏng 80 trang có tên Tòa nhà bằng sứ ấn hành năm 1918.

Cũng theo dịch giả, nhà thơ Thúy Toàn, từ năm 1949, đội ngũ các nhà Việt Nam học ở Nga đã sớm dịch từ tiếng Việt, đã có những tác phẩm thơ của Trần Hữu Thung, Nguyễn Đình Thi được dịch và đăng báo.

Chú thích ảnh
Dịch giả, nhà thơ Thúy Toàn phát biểu tại Hội thảo khoa học Quốc tế: “Việt Nam - Liên Bang Nga: Giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa”

Năm 1950, nhà văn Thép Mới trong một chuyến công tác đã nhận được lời đề nghị từ phía Hội Nhà văn Liên Xô về việc gửi tác phẩm văn học Việt Nam sang Liên Xô để dịch và giới thiệu. Bởi lẽ ở vào thời điểm đó, nhân dân Liên Xô mong muốn tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Pháp bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam và văn học Việt Nam. Hội Nhà văn Liên Xô với lời hứa sẽ tổ chức cho những người biết tiếng Việt, dịch tác phẩm thẳng từ tiếng Việt mà không phải qua bất cứ thứ tiếng nào khác. Từ đó, cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1960, các tác phẩm Việt Nam được dịch liên tiếp, đăng trên báo chí của Liên Xô.

Từ những năm 1960 trở đi có thể nói Liên Xô đã dịch văn học việt Nam một cách bài bản. Trước hết, văn học dân gian và những tác phẩm cổ điển bắt đầu được dịch. Năm 1962, nước Nga đã có tập thơ Nguyễn Du 18 bài với trích đoạn của Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, thơ thời Lý - Trần. Rồi, những tác phẩm văn học giai đoạn trước 1945 như Đồng hào có ma của Nguyễn Công Hoan, Sống mòn của Nam Cao, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng… hay những tác phẩm của văn học kháng chiến chống Pháp như thơ Nguyễn Đình Thi cũng đều được dịch và giới thiệu ở Liên Xô.

Đến năm 1975, Liên Xô đã tổ chức dịch một hệ thống tuyển tập văn học Việt Nam được xem là một công trình lớn với 15 tập Văn học Việt Nam xuất bản từ năm 1979 đến năm 1985, tập hợp được số lượng lớn các chuyên gia, các nhà Việt Nam học dịch từ tiếng Việt bắt đầu từ năm 1949, trong đó nổi bật có GS Niculin Nikolai Ivanovich - vị giáo sư dành nửa thế kỷ nghiên cứu văn hóa và văn học Việt Nam.

Chú thích ảnh
“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du được dịch sang tiếng Nga

2. Bước sang thời kỳ hậu Xô Viết, mối quan hệ Việt - Nga có nhiều chuyển biến, dẫn đến sự ngưng trệ trong giao lưu văn hóa và hoạt động dịch thuật cũng không phải là một ngoại lệ. Cho đến năm 2012, cuốn sách tiếng Việt đầu tiên bằng tiếng Nga mới xuất hiện sau một thời gian dài gián đoạn, đó là tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng do Inessa Zimonina dịch. Sau đó, xuất hiện lẻ tẻ các tác phẩm được dịch ra tiếng Nga như Truyện Kiều của Nguyễn Du do Vasily Popov dịch, tập thơ Đôi cánh của Mai Văn Phấn, tập truyện ngắn Ngải đắng mọc trên núi của nhiều tác giả do nhóm Nguyễn Thị Kim Hiền và Igor Britov dịch sang tiếng Nga và giới thiệu.

Tuy rằng ở vào thời điểm hiện nay, hoạt động dịch thuật và quảng bá văn học giữa hai nước Việt - Nga giảm sâu so với thời kỳ trước nhưng triển vọng phát triển hoàn toàn có.

Dịch giả Thúy Toàn cho rằng: “Từ sau khi Liên Xô tan rã, việc dịch và phổ biến văn học Việt Nam một thời gian có phần thưa thớt. Chúng cần có sự quan tâm đầu tư và kế hoạch lâu dài cấp Nhà nước, cộng cùng đội ngũ người dịch, các nhà Việt Nam học người Nga hay dịch giả Việt Nam được đào tạo cơ bản như trước đây. Được vậy, trong tương lai, văn học Việt Nam sẽ lại sớm được giới thiệu ở Nga một cách phong phú và bải bản như trước.

(Còn tiếp)

Công Bắc - Đỗ Doãn Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm