Điểm lại các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào các trung tâm văn hóa

18/11/2015 07:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Các trung tâm văn hóa là tâm điểm của một xã hội, nhưng cũng thường là mục tiêu ưa thích của những kẻ cực đoan, muốn dập tắt ham muốn sống của con người. Đó dường như là lý do để nhà hát Bataclan trở thành địa điểm bị khủng bố chết chóc nhất trong các vụ tấn công gây chấn động ở Paris mới đây.

Trước khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris, trong đó có nhà hát Bataclan, thế giới đã phải chứng kiến nhiều vụ tấn công khác nhằm vào các trung tâm văn hóa hay các văn nghệ sĩ. Báo Thể thao & Văn hóa xin điểm lại những vụ nghiêm trọng nhất (theo năm).

Năm 2015

- Nhà hát Bataclan ở Paris (Pháp): Tour diễn châu Âu đã đưa ban nhạc rock Eagles of Death Metal (Mỹ) tới sân khấu của nhà hát Bataclan, một trong những nhà hát nổi tiếng nhất Paris. Màn diễn hết vé của họ vào đêm 13/11 đã nhận được sự cổ vũ của 1.500 người hâm mộ. Tuy nhiên, 4 kẻ khủng bố đã trà trộn vào đám đông và sau 10 phút xả súng, chúng đã giết hại 89 người, làm hơn 100 người bị thương.

- Thành phố cổ Palmyra (Syria): Hồi tháng 8, nhóm phiến quân của Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS đã chặt đầu học giả nổi tiếng về cổ vật người Syria, ông Khaled al-Asaad (82 tuổi) ở thành phố cổ Palmyra, trước khi treo xác ông lên một cây cột.


Nhiều địa điểm văn hóa ở Paris đã đóng cửa sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố đêm 13/11

Al-Asaad trở thành con tin, ngay sau khi IS chiếm được Palmyra hồi đầu năm. Ông đã quản lý các di tích cổ ở Palmyra trong hơn 50 năm và được xem là một trong những nhà tiên phong trong ngành khảo cổ Syria. Cái chết của ông, vì thế, đã gây thiệt hại lớn cho đất nước này cũng như cộng đồng khảo cổ nói chung.

- Bảo tàng quốc gia Bardo ở Tunisia: Hồi tháng 3, 2 kẻ vũ trang liên quan đến IS đã đột nhập vào Bảo tàng quốc gia Bardo ở Tunisia và giết chết 24 người. Bảo tàng Bardo là một trong những điểm thu hút khách du lịch chính ở Tunisia, nơi lưu giữ bộ sưu tập phong phú nhiều phát hiện khảo cổ, gồm tàn tích từ thành cổ Carthage.

- Tòa soạn báo Charlie Hebdo: Ngày 7/1, 2 kẻ cực đoan đã mang súng xông vào văn phòng tòa soạn tờ báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris và giết chết 12 người. Trước đó, Charlie Hebdo từng xuất bản các hình ảnh châm biếm liên quan đến Hồi giáo, khiến những kẻ cực đoan phẫn nộ.

Năm 2014

- Đánh bom liều chết trong màn trình diễn ở Kabul: Tại buổi trình diễn vở kịch Heartbeats. Silence After the Explosion ở Kabul hồi tháng 12/2014, một kẻ đámh bom cảm tử đã nổ tung thân mình và giết chết một người khác. Sau đó, Taliban tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ này và nói rằng màn diễn làm xúc phạm các giá trị Hồi giáo.

Được biết vở kịch đề cập đến vấn đề đánh bom liều chết.

Năm 2010

- Tấn công họa sĩ biếm Đan Mạch Kurt Westergaard: Ngày 1/1/2010, họa sĩ biếm Kurt Westergaard đã may mắn thoát khỏi vụ ám sát, do một thành viên của tổ chức khủng bố Al Qaeda tiến hành.

Năm 2005, Westergaard đã khiến những kẻ Hồi giáo cực đoan tức giận khi đăng tải một hình biếm họa mô tả Nhà tiên tri Mohammed với trái bom trên đầu, trên tờ báo Jyllands Posten. Hiện Westergaard đang sống trong sự bảo vệ của cảnh sát.


Nhà biếm họa Đan Mạch Kurt Westergaard hiện phải sống trong sự bảo vệ của cảnh sát

Năm 2004

- Vụ sát hại nhà làm phim Hà Lan Theo van Gogh: Nhà làm phim này nổi tiếng do hay đưa ra các bình luận phảm cảm về Hồi giáo, thậm chí còn so sánh tín đồ theo đạo Hồi là những người có quan hệ tình dục với động vật.

Ngày 2/11/2004, Theo van Gogh bị một kẻ Hồi giáo cực đoan sinh ra ở Hà Lan  giết chết trên một đường phố ở Amsterdam, Hà Lan. Trước đó, phim Submission của anh này bị coi là một sự lăng nhục nhằm vào đạo Hồi, khi trong phim có cảnh một số cuốn kinh Koran đặt trên cơ thể của những cô gái

Năm 2001

- Thảm sát Luxor ở Ai Cập: 62 người, hầu hết là du khách, đã bị giết chết hồi tháng 11/2001, trong một cuộc tấn công gần di chỉ khảo cổ Luxor.

Năm 1993

- Nhiều nghệ sĩ bị giết trong vụ thảm sát ở Sivas, Thổ Nhĩ Kỳ: Tháng 7/1993, một đám đông giận dữ đã tập trung phản đối ở bên ngoài lễ hội văn hóa Alevi ở thành phố Sivas. Nhiều nhạc sĩ, nhà văn và nhà thơ tham dự lễ hội phải trốn họ bên trong một khách sạn làm hoàn toàn bằng gỗ.

Tức giận, đám đông đã châm lửa đốt cháy khách sạn, khiến 35 người thiệt mạng, gồm nhiều nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng. Bi kịch này vẫn được biết đến với tên vụ thảm sát Sivas.

Năm 1989

- Phạt án tử hình nhà văn Ấn Độ Salman Rushdie: Nhà văn Anh gốc Ấn Độ xuất bản cuốn tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan hồi năm 1988,  khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Thế giới Hồi giáo đã phản ứng dữ dội với tác phẩm này, cho rằng Rushdie có hành vi báng bổ.

Ngày 14/2/1989, lãnh tụ tôn giáo Iran Ayatollah Khomeini đã tuyên phạt án tử hình đối với Rushdie. Ông này treo mức tiền thưởng 2,8 triệu USD để có được cái đầu của nhà văn. Hiện Rushdie sống trong sự bảo vệ của cảnh sát.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm