Đêm thơ nhạc Hồng Thanh Quang: Thơ hay thì ở đâu cũng sang

09/11/2013 10:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sang ở đây là sang trọng, thơ lại vào Nhà hát Lớn, nhưng cái sang không nằm ở khán phòng kiểu Tây, ở rượu vang, tiệc đứng hay thảm đỏ (dù đều có cả), mà ở thơ sâu lắng và nhạc nồng nàn.

1. Đêm thơ - nhạc Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em (nhân ra mắt 2 tập thơ Nỗi buồn tốc ký) của nhà thơ Hồng Thanh Quang, 7/11 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) với nhiều bản nhạc phổ thơ do Phú Quang thực hiện đã khiến đồng nghiệp xuýt xoa vì cái sự sang hiếm thấy. Sang ở chỗ thơ và nhạc đều hay thật.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo bình luận trên trang cá nhân: “Thơ khủng và đêm thơ khủng”.

Về danh, từ một khía cạnh nào đó, cũng có thể coi là… khủng. Biểu diễn thì có các NSƯT: Quang Lý, Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Khang; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Phương Anh. Dẫn chương trình là NSND Lê Khanh. Minh Vượng góp mặt đọc thơ. Tất cả đều là bạn, cộng sự của “hai ông Quang”.

Nhưng nghệ thuật, sang hay hèn đều nằm ở chỗ hay hoặc dở. Chẳng có gì kệch cỡm hơn một sự kiện lấp lánh “tôn vinh” một hoặc nhiều tác phẩm dở. Nhưng trái lại, tác phẩm hay, thì hình thức trình diễn giản dị hay sang trọng đều chấp nhận được.


Nhà thơ Hồng Thanh Quang trên sân khấu tối 7/11. Ảnh: Mi Ly

Trong đêm thơ Hồng Thanh Quang, các ca sĩ nữ mặc váy dạ hội, các ca sĩ nam mặc veste. Tác giả cũng đóng bộ veste rất quý ông, dù khi đọc thơ, giọng ông vẫn sang sảng và hơi… ngang ngang. Nhưng chính điều đó lại tạo ra chút hài hước nhẹ nhàng cho chương trình, khi không khí bao trùm là đượm buồn.

2. Mở đầu, Minh Vượng, rồi Thanh Lam lên sân khấu, nhưng chất sâu lắng chưa thấy xuất hiện. Cho đến khi NSƯT Quang Lý hát: “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em, người đàn bà giấu đêm vào trong tóc” (bài Khúc mùa Thu).

Có những câu thơ/câu hát thốt ra như hơi thở, nhưng chỉ viết được một lần thôi và chỉ bởi một người. Về sau nếu ai đó cố tình lặp lại, kiểu gì cũng thấy có chút vô duyên. Đây là vài trong những câu như thế: “Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp”, hoặc “Em tìm gì khi thất vọng về tôi?”… nghe trực tiếp, rất thấm.

Rồi Đàm Vĩnh Hưng khiến người nghe giật mình: “Mẹ là người đầu tiên, người đàn bà mãi mãi không bao giờ phản bội, ngay cả khi con ngu dại một đời” (bài Mẹ).

Chẳng hiểu sao giọng hát của nam ca sĩ lại hợp với ca khúc này đến vậy. Có lẽ nói không quá là anh đã gây bất ngờ cho mọi khán giả trong khán phòng. Đây cũng là tiết mục mà khán giả vỗ tay rất lớn và đề nghị “hát lại đi”.

Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ với khán giả: “Trong sự nghiệp của tôi, chưa có bài hát nào về mẹ. Ca khúc này, tôi đã tranh giành các đồng nghiệp khác để được hát. Tôi đã trải qua tuổi thơ mà không được gần gũi mẹ nên ca từ bài hát khiến tôi rất xúc động. Tôi yêu bài hát ngay từ câu đầu tiên”.

Thơ không có nhạc, mất một nửa thơ. Nhạc không có thơ, mất một nửa nhạc. Vì thế nhà thơ thì yêu nhạc còn nhạc sĩ mê thơ. Đó là một điều may mắn của văn nghệ nước nhà. Nhà thơ mà không thèm nghe nhạc hoặc nhạc sĩ mà không đọc chút nào thì bi kịch lắm.

Cộng hưởng với nhạc, thơ càng làm tốt một nhiệm vụ quan trọng: Đi vào lòng người. Nhạc cộng hưởng với thơ, cũng thế. Nghe, mới hiểu vì sao nhạc trẻ ngày nay nhiều ca khúc vô cảm vô hồn.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm