24/04/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/4 cho biết: Từ ngày 29/4 đến ngày 3/5, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tưng bừng chào mừng ngày lễ 30/4 với chủ đề “Bài ca thống nhất”.
Trong đó, hoạt động điểm nhấn là chợ phiên vùng cao "Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang" với không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc. Chợ vùng cao gồm 33 gian hàng, có sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và không gian giới thiệu ẩm thực, sản vật của đồng bào dân tộc Dao, Mông, La Chí, Thái...
Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của UBND huyện Hoàng Su Phì... với các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông (thắng cố dê, rượu ngô, mèn mén...; của dân tộc Thái: xôi nếp màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng...); sản phẩm nông - lâm nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực đặc trưng của huyện Hoàng Su Phì.
Tại đây cũng giới thiệu văn hóa - du lịch của huyện Hoàng Su Phì qua trưng bày, triển lãm ảnh, sách, tờ rơi với chủ đề “Hoàng Su Phì - Thiên đường kỳ vĩ”; đồng thời giới thiệu và bán thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Dao... ( trang phục, khăn, vòng tay, đồ lưu niệm...). Không gian văn hóa chợ vùng cao có sự tham gia của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, La Chí... cùng trao đổi, mua bán, chế biến các món ăn truyền thống. Có 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống, phục vụ nhu cầu khách tham quan không gian chợ.
Đặc biệt, tại không gian chợ vùng cao sẽ diễn ra phần tái hiện tục lệ “kéo vợ” của đồng bào dân tộc Mông huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Đây là phong tục truyền thống, hình thành từ lâu đời, chứa đựng nét văn hóa rất riêng của người Mông, vừa chất phác, táo bạo nhưng cũng không kém phần ý nhị.
“Kéo vợ” thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của chàng trai, cô gái Mông. Giới thiệu tục “Kéo vợ” tại chợ phiên tại Hà Nội giúp du khách cảm nhận rõ hơn về phong tục độc đáo này; cùng với địa bảo tồn phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang.
Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì cũng được tái hiện vào dịp này với sự tham gia của khoảng 15 nghệ nhân. Đây là lễ hội tưởng nhớ tổ tiên của đồng bào dân tộc Dao, được phục dựng và tổ chức hàng năm tại các địa phương có người Dao sinh sống, cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc. Đồng bào dân tộc La Chí, huyện Hoàng Su Phì sẽ tái hiện lễ mở kho xin thóc giống…
Trong không gian chợ vùng cao còn diễn ra chương trình dân ca, dân vũ “Sắc màu chợ phiên”. Trong đó, nghệ nhân đồng bào các dân tộc Mông, dân tộc Dao, La Chí huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; dân tộc Thái tỉnh Sơn La và cộng đồng dân tộc đang hoạt động hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ trình diễn dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền; mừng non sông thống nhất, người dân đoàn kết, rạng ngời niềm tin...
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 14 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại chùa Khmer, tháp Chăm…
Thanh Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất