24/12/2015 19:55 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Chiều ngày 24/12 tại Chùa Quán Thế Âm, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng, lần đầu tiên hàng trăm hiện vật là cổ vật Phật giáo sau nhiều năm sưu tầm và cất giữ đã được giới thiệu đến công chúng tại buổi lễ khánh thành Bảo tàng văn hóa Phật giáo.
Bảo tàng văn hóa Phật giáo được coi là Bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập cách đây tròn một năm theo Quyết định của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Khi mở cửa, Bảo tàng sẽ là nơi trưng bày, gìn giữ di sản văn hóa Phật giáo được thể hiện qua hiện vật, cổ vật như các loại tượng, tranh, chuông mõ và các loại pháp khí,… hàm chứa các giá trị niên đại, lịch sử.
Buổi Lễ khánh thành có sự tham dự của Nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Phạm Quốc Quân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Đình Chiến - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, là những người đã từng tham gia nghiên cứu và giám định các cổ vật.
Để được trưng bày và trở thành Di sản văn hóa như ngày hôm nay, từ những hiện vật vật chất đến các giá trị tinh thần đều đã trải qua quá trình thẩm định khoa học, chọn lọc công phu dưới bàn tay và ánh mắt của những nhà nghiên cứu nổi tiếng. Đặc biệt, nhiều cổ vật đã được lưu truyền qua bề dày thời gian, đến độ có những cổ vật có sức sống kỳ diệu vượt qua bao lần nương dâu bãi bể.
Với hơn 200 hiện vật chọn lọc từ 500 hiện vật sưu tầm lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi ra công chúng nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Phật giáo nói riêng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Các hiện vật được liên tục sưu tầm, bổ sung qua hai mươi năm với hai đời trụ trì Chùa Quán Thế Âm và đến nay là Thượng tọa Thích Huệ Vinh – Trụ trì đời thứ 3 sưu tầm, trong đó có nhiều bộ sưu tập phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á; nhiều sưu tập, hiện vật phản ánh di sản văn hóa Phật giáo phong phú, đa dạng về phong cách thể hiện và chất liệu; nhiều sưu tập, hiện vật có niên đại tập trung trong vài thế kỷ gần đây, nhưng cũng có hiện vật có niên đại khá sớm.
Trong số đó, có nhiều bộ sưu tập và hiện vật đặc biệt quý và hiếm, có niên đại từ 100 năm đến 7 thế kỷ như: Tượng Bồ tát Quan âm tống tử, Bổ tát Quan âm cưỡi long ngư, nhiều bộ linh tượng cổ như Thích Ca, Dược Sư, Di Lặc, Phật Bồ Tát Mật Tông, Quán Âm, Chămpa, Di Đà, các chuông đồng, Bộ trượng tám thế,…
Các hiện vật, bộ sưu tập được lựa chọn trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo lần này, ngoài giá trị là các tác phẩm nghệ thuật cổ còn kết tinh những nét tinh hoa của văn hóa Phật giáo. Đó là những huyền thoại, truyền thuyết đặc trưng tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện phong phú qua các chủ đề, đề tài đã đem lại cho không gian trưng bày của văn hóa Phật giáo với những tư tưởng hướng đến một đời sống văn hóa tinh thần – tâm linh cao quý, mang đến cho khách tham quan cảm giác an bình, cực lạc.
Ông Trần Quanh Thanh, Phó Gíam đốc Sở Văn hóa, Thể Thao & Du lịch Đà Nẵng cho biết, khi đi vào hoạt động, Bảo tàng văn hóa Phật giáo với mong muốn quảng bá những nét đặc sắc di sản văn hóa về Phật giáo đến đông đảo người dân cũng như du khách. Do đó, Bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí và thông qua việc tham quan, du khách có thể thể hiện lòng thành qua việc cúng dường, thiện nguyện.
Việc khánh thành Bảo tàng văn hóa Phật giáo cũng là Bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần - tâm linh của người Việt, đồng thời góp phần trong việc giữ gìn những di sản văn hóa Phật giáo mà nhiều đời trụ trì đã cất công lưu giữ, sưu tầm.
Hoàng Yến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất