Cuộc tranh chấp di sản của Picasso: Hệ lụy từ một thiên tài đa tình

11/06/2020 07:42 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại London, một số tác phẩm nghệ thuật của Pablo Picasso đang được hãng Sotheby’s tổ chức đấu giá trong thời gian từ 8 - 18/6. Ở đó, các nhà sưu tầm nghệ thuật trên thế giới đang đua nhau trả giá để có thể sở hữu những tác phẩm của danh họa Tây Ban Nha mà họ mong muốn từ lâu.

Bức tranh của Picasso từng bị phát xít Đức đánh cắp đạt giá 1.000 tỷ

Bức tranh của Picasso từng bị phát xít Đức đánh cắp đạt giá 1.000 tỷ

Seated Woman in Blue Dress, một trong những bức tranh chân dung nổi tiếng nhất của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso, đã đạt giá 45 triệu tại cuộc đấu giá do hãng Christie’s tổ chức ở New York đêm 15/5.

Và cuộc đấu giá tranh này lại khiến người ta nhớ tới sự lãng mạn và đa tình của họa sĩ, điều đã gián tiếp gây nên những cuộc tranh chấp quanh di sản của ông.

Từ sở thích vẽ chân dung người tình

Picasso có nhiều người tình nhưng ông chỉ kết hôn với hai người phụ nữ. Sau vô số cuộc tình, Picasso đã gặp nữ diễn viên ballet người Nga, Olga Khokhlova vào năm 1917 và cưới cô vào năm 1918 trong Thế chiến I. Olga đã tự nguyện từ bỏ sự nghiệp của mình tại công ty “Ballets Russes” nổi tiếng thế giới để chung sống với Picasso. Chính Olga là người đã “bắc cầu” cho họa sĩ tiếp cận với những nhân vật nổi tiếng ở Paris.

Dù sau này Picasso đã khiến Olga gần như phát điên khi bị họa sĩ bỏ mặc để “chạy” theo những mối tình khác, nhưng họa sĩ đã vẽ rất nhiều chân dung về người vợ đầu tiên của mình. Triển lãm Picasso tại Phòng trưng bày Chân dung quốc gia London hồi năm 2017 từng dành toàn bộ căn phòng cho các bức chân dung của Olga.

Chú thích ảnh
Danh họa Picasso và người vợ đầu tiên, Olga Khokhlova

Picasso đã có con trai đầu lòng, Paulo, với Olga Khokhlova. Sau này, đúng ra, Paulo là thành viên duy nhất trong gia đình có quyền số tài sản của cha mình, nếu như hồi năm 1975 ông không chết vì nghiện rượu.

Sau Paulo, Picasso đã có những đứa con ngoài giá thú với những người tình của mình, gồm Maya Widmaier Picasso sinh (năm 1935) - con gái của Picasso với Marie-Therese Walter; Claude Picasso (sinh năm 1947) và Paloma (sinh năm 1949) - con của Picasso với người tình Françoise Gilot, người phụ nữ duy nhất đã rời bỏ ông.

Chú thích ảnh
Picasso vẽ cùng các con Paloma và Claude hồi năm 1953

Trong số những người phụ nữ Picasso mê mẩn không thể không nhắc đến Jacqueline Roque, người vợ thứ hai sau khi Olga qua đời. Picasso gặp Roque hồi năm 1952 tại xưởng gốm Madoura của ông. Khi Picasso kết hôn với Roque hồi năm 1961, ông đã gần 80 tuổi và Roque 34 tuổi. Người phụ nữ này đã giúp danh họa rất nhiều trong công việc và bảo vệ ông trước áp lực từ thế giới bên ngoài. Roque vẫn là người bạn đồng hành, “nàng thơ” đồng thời là người mẫu của danh họa cho đến khi ông qua đời vào năm 1973. Picasso đã vẽ hơn 400 bức chân dung về Roque.

Chú thích ảnh
Danh họa Picasso và người vợ thứ 2, Jacqueline Roque

Một trong những “nàng thơ” đáng nói nữa của của Picasso là cô gái Sylvette David 19 tuổi, đến từ Anh. Picasso gặp David vào năm 1954 và ông đã bị người phụ nữ tóc vàng này mê hoặc đến mức ông đã cho ra đời 50 bức vẽ, bức tranh và tác phẩm điêu khắc về David chỉ trong vòng 1 tháng. Kiểu tóc túm đuôi ngựa thương hiệu của David đã trở thành “trend” trong những năm 1950.

Như những gì được ghi lại, các xưởng vẽ của Picasso chất đầy các bản phác thảo vô số chân dung những người tình của ông. Và với họ, việc ngồi yên cho Picasso vẽ đã là một phần của thói quen hàng ngày.

Chú thích ảnh
Một bức vẽ “nàng thơ” Sylvette David

... tới một di sản bị băm vụn

Sau khi Picasso qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 8/4/1973, ông đã để lại gia tài nghệ thuật khổng lồ gồm 50.000 tác phẩm. Và bi kịch tranh chấp về quyền thừa kế đã kéo dài nhiều thế hệ, điển hình là cuộc tranh chấp nảy lửa giữa người vợ thứ hai của ông, Jacqueline Roque, với con của những người tình trước.

Tới năm 1975, những người con ngoài giá thú này và những đứa cháu mới được công nhận là người thừa kế hợp pháp một phần gia tài của họa sĩ cùng với Marina Ruiz-Picasso và Bernard Picasso, con của Paulo.

Chú thích ảnh
Pablo Picasso và bức tượng bán thân "Bust of a Woman" (1931)

Do Picasso không phân chia rõ di sản các tác phẩm nghệ thuật, biệt thự và tài sản của mình khi sinh thời, tất cả mọi thứ thuộc về họa sĩ đã phải nhờ đến luật sư của ông giải quyết sau khi ông qua đời.

Chưa kể, những người thừa kế Picasso còn phải chịu mức thuế tài sản (đánh vào quyền thừa kế tài sản sau khi chết) lên tới nhiều triệu franc. Chính vì vậy mà 3.800 tác phẩm của ông đã trở thành tài sản quốc gia, phần nhiều trong số này hiện đang được treo trong Bảo tàng Picasso ở Paris, bảo tàng lớn nhất thế giới dành riêng cho nghệ sĩ.

Sau khi sở hữu số tác phẩm nghệ thuật của Picasso, Chính phủ Pháp đã thuê nhà đấu giá Paris nổi tiếng, Maurice Rheims, cùng với các trợ lý của ông thống kê một cách có hệ thống tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Picasso nhằm tạo ra một danh sách đầy đủ nhất có thể. Ban đầu nhóm của Rheims dự tính chỉ mất vài tháng để làm việc này nhưng cuối cùng họ đã phải làm trong nhiều năm, từ năm 1974 đến năm 1981.

Năm 1976, toàn bộ di sản của Picasso, bao gồm bất động sản, đất đai và tài sản có giá trị của ông, đã được xác định và ước tính lên tới khoảng 3,75 tỷ franc (646,4 triệu USD). Trong số tài sản đó có 1,3 triệu USD là giá trị số vàng, 4,5 triệu USD tiền mặt và bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân với nhiều tác phẩm giá trị mà tác giả là những người bạn nghệ sĩ của danh họa, như Henri Matisse, Miro và Cezanne. Tài sản nghệ thuật của Picasso được định giá 1,4 tỷ franc (241,3 triệu USD).

Marina Ruiz-Picasso, cháu gái nội (chính thức) của Picasso, ban đầu bị choáng ngợp với khối tài sản lớn được thừa kế: “Tôi chẳng biết gì về nghệ thuật. Mọi thứ tôi biết về tác phẩm của Picasso chỉ là những gì tôi biết được trong lần phân bổ quyền thừa kế”.

Chú thích ảnh
Marina Ruiz-Picasso, cháu gái nội của Picasso

Theo lời Ruiz-Picasso, mối quan hệ của bà với ông nội không hề tốt đẹp và do không am hiểu nghệ thuật nên trong nhiều năm Ruiz-Picasso đã để các tác phẩm nghệ thuật chưa hề được đụng tới của ông nội mình trong kho.

Trong cuốn sách Picasso, My Grandfather (Picasso: Ông nội tôi - 2001), Ruiz-Picasso viết: “Lượng tác phẩm nghệ thuật sáng chói của ông tôi đã nhấn chìm cuộc sống bình thường của tất cả những người xung quanh mình. Không ai trong gia đình tôi thoát khỏi “thòng lọng” của thiên tài này. Họ là cha tôi, anh tôi, mẹ tôi, bà tôi và tôi nữa”

Nhiều năm trở lại đây, Ruiz-Picasso đã bán đấu giá nhiều bức tranh và bức vẽ trong khối di sản thừa kế của mình và đã kiếm được nhiều triệu USD. Bà hiện là một trong những người phụ nữ giàu có nhất Thụy Sĩ và đang sống trong một biệt thự bên hồ Geneva.

Bộ sưu tập gồm 60 tác phẩm nghệ thuật của Ruiz-Picasso đang được Sotheby's đấu giá ở London, trong đó có nhiều bức tranh, bức vẽ, đồ gốm, ảnh và thậm chí cả những bảng màu cũ của Picasso trong studio của ông.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm