Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sẽ do địa phương cấp phép?

08/09/2019 08:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã được Tổ soạn thảo hoàn tất với nhiều quy định cởi mở, thông thoáng hơn.

Nén chuyện buồn riêng, Hoa hậu Tiểu Vy dự sự kiện 'Hương sắc Việt Nam'

Nén chuyện buồn riêng, Hoa hậu Tiểu Vy dự sự kiện 'Hương sắc Việt Nam'

Hoa hậu Trần Tiểu Vy tham gia vào buổi Gala “Hương sắc Việt Nam” với vai trò là Hoa hậu đại diện của Việt Nam. Tuy gia đình đang có chuyện buồn, nhưng Tiểu Vy đã rất xuất sắc hoàn thành vai trò của mình trong sự kiện này.

Tại cuộc họp với các thành viên trong Tổ soạn thảo vừa mới diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Tổ soạn thảo, đồng thời thống nhất những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét, trình Chính phủ.

Chú thích ảnh
 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì buổi làm việc với Tổ soạn thảo Nghị định

Phân cấp rõ ràng về quản lý nhà nước

Báo cáo về nội dung của dự thảo Nghị định, NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, tinh thần của dự thảo Nghị định mới là hướng tới đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục hành chính. Tất nhiên giảm bớt không có nghĩa “bỏ trắng” mà ở đây là phân cấp mạnh cho địa phương. Theo đó, Điều 14 về Tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam đã quy định đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến 1 bộ hồ sơ đến Sở VHTTDL hoặc Sở VHTT tại địa phương nơi tổ chức. Theo dự thảo Nghị định, Sở VHTTDL hoặc Sở VHTT trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở thẩm định hồ sơ, ra văn bản chấp thuận.

Qua trao đổi với các thành viên Tổ soạn thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã thống nhất đưa vào dự thảo quy định các hoạt động nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật không thường xuyên, không bán vé, thu tiền nhằm mục đích phục vụ nội bộ tại trụ sở hoặc biểu diễn tại các khu dân cư… thì chỉ cần thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nơi diễn ra hoạt động. Quy định cụ thể như thế này để tránh biểu diễn trá hình và cũng kiểm soát được an ninh trật tự ở địa bàn nơi diễn ra hoạt động biểu diễn, đồng thời ngăn ngừa tính chất thương mại, trục lợi của một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Cuộc thi hoa hậu toàn quốc sẽ do địa phương cấp phép?

Về quản lý thi người đẹp, người mẫu, dự thảo Nghị định cũng đưa ra những quy định mới về cấp phép và quản lý. Đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VHTTDL sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể từng năm để xem xét, quyết định và không quy định cụ thể về số lượng. Đặc biệt, dự thảo Nghị định lần này cũng đã đưa ra quy định rất mở theo hướng phân cấp mạnh về cho địa phương quản lý, cấp phép: Với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, bất kể là toàn quốc hay cấp tỉnh, vùng, ngành, lĩnh vực sẽ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình cụ thể từng năm để xem xét, quyết định nhưng tổng số mỗi năm không quá 1 cuộc tại mỗi địa phương.

Để nắm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi thêm với NSND Nguyễn Quang Vinh, rằng cứ như dự thảo Nghị định quy định thì tới đây đơn cử như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, đơn vị tổ chức sẽ không phải gửi Đề án cuộc thi về Bộ VHTTDL thẩm định, cấp giấy phép mà gửi hồ sơ đến địa phương đăng cai tổ chức đêm chung kết cuộc thi để được xem xét? NSND Nguyễn Quang Vinh cho biết, tinh thần là như vậy. Tới đây sẽ có sự phân cấp mạnh mẽ cho địa phương quản lý, cơ quan ở Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra quá trình xem xét, cấp phép hồ sơ.

Bên cạnh phân cấp quản lý cấp phép về địa phương thì dự thảo cũng quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra những sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng như tổ chức thi người đẹp, người mẫu. Cục Nghệ thuật biểu diễn có trách nhiệm yêu cầu tạm dừng hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu bằng văn bản khi doanh nghiệp vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau: Vi phạm điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu; Vi phạm về trách nhiệm khi tổ chức thi người đẹp, người mẫu theo quy định của Nghị định; Thí sinh trong cuộc thi có hành vi vi phạm quy định… Để xử lý những vi phạm trong các cuộc thi sắc đẹp, dự thảo cũng đưa ra yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu trong các trường hợp như: Vi phạm quy định của Nghị định, Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận… Về thẩm quyền thu hồi, Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức thi người đẹp, người mẫu.

Trong xây dựng dự thảo Nghị định lần này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã có những buổi làm việc cùng Tổ soạn thảo để giải quyết những bất cập, tránh trường hợp Nghị định ra đời nhưng vẫn không thể áp dụng vào đời sống biểu diễn. Trao đổi riêng với Văn Hóa, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Không có văn bản luật nào là vĩnh cửu với thời gian. Nắm bắt được tinh thần ấy Tổ soạn thảo đã rất cố gắng nghiên cứu, xây dựng nội dung của Nghị định sát với thực tế. Sự thận trọng trong công tác soạn thảo văn bản cũng như tiếp nhận những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn là điều cần thiết khi tiến hành điều chỉnh Nghị định lần này. Chúng ta không thể chỉ dùng ý chí chủ quan của cơ quan quản lý để đưa vào Nghị định”.

Có thể nhận thấy rất rõ dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn tạo sự thông thoáng, cởi mở ở phần thủ tục, tuy nhiên “thoáng trước chặt sau”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần có sự phối hợp để xây dựng một hệ thống xử phạt, kiểm tra xử lý vi phạm mạnh hơn, thực sự có tính răn đe đối với những đối tượng, tổ chức vi phạm. Dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm nay. 

 Không có văn bản luật nào là vĩnh cửu với thời gian. Nắm bắt được tinh thần ấy Tổ soạn thảo đã rất cố gắng nghiên cứu, xây dựng nội dung của Nghị định sát với thực tế. Sự thận trọng trong công tác soạn thảo văn bản cũng như tiếp nhận những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn là điều cần thiết khi tiến hành điều chỉnh Nghị định lần này. Chúng ta không thể chỉ dùng ý chí chủ quan của cơ quan quản lý để đưa vào Nghị định.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm