Chùa Cầu, Hội An 'gồng gánh' khách: 'Nín thở' chờ trùng tu

25/05/2019 08:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước dấu hiệu xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của di tích chùa Cầu, UBND TP Hội An vừa đề nghị Trung tâm Văn hóa Thể thao- Truyền thanh Truyền hình tăng cường giám sát việc thực hiện quy định số lượng khách tham quan tại di tích tối đa là 20 khách/lượt.

Chuyện Chùa Cầu, Hội An: 'Sức chứa' của di sản

Chuyện Chùa Cầu, Hội An: 'Sức chứa' của di sản

Một thông tin đáng chú ý: thành phố Hội An sẽ sớm hạn chế lượng khách tham quan tại Chùa Cầu ở số lượng không vượt quá 20 người mỗi đợt. Lý do: di tích này đang xuống cấp và ở vào tình trạng quá tải, khi mỗi năm qua vẫn đón khoảng 4000 lượt người/ngày.

Đồng thời thông báo đến các đơn vị lữ hành, du khách để cùng phối hợp trong quá trình tham quan tại di tích.

Chú thích ảnh

Cách đây ba năm UBND TP Hội An cũng đã chỉ đạo về việc điều tiết số lượng khách tham quan tại di tích chùa Cầu, với quy định số lượng khách tối đa mỗi đợt tham quan tại di tích này là 20 khách nhằm đảm bảo an toàn cho di tích.

Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện quy định này chưa triệt để. Lượng khách tham quan qua lại chùa Cầu mỗi lượt vẫn còn khá đông càng khiến cho di tích này gồng gánh thêm những tác động gây ảnh hưởng, đối diện với nguy cơ xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện trung bình mỗi ngày chùa Cầu đón hơn 4.000 lượt khách tham quan, lúc cao điểm số này tăng lên rất cao khiến công trình chịu tải lớn.

Chú thích ảnh
 Hội An tạm thời hạn chế 20 khách tham quan chùa Cầu mỗi lượt để đảm bảo an toàn cho di tích

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết việc điều tiết, hạn chế lượng khách tham quan tại di tích cũng chỉ là biện pháp tạm thời trong khi chờ giải pháp tối ưu trùng tu chùa Cầu. Dự kiến, cuối năm 2019, UBND tỉnh và TP Hội An sẽ tổ chức hội thảo lần cuối để nhận diện các nguy cơ cũng như xác định phương thức trùng tu di tích.

Trả lời về việc trong thời gian chờ phương án thống nhất để có thể triển khai tu bổ di tích chùa Cầu theo đúng quy định thì việc thực hiện phương án hạn chế lượng khách có giảm bớt áp lực lên di tích, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An, cho rằng đó là điều cần thiết để giảm thiểu sự mài mòn do tiếp xúc giày dép của người qua lại lên mặt cầu làm bằng gỗ. Không thể để khách đi tự do như hiện nay mà cần giảm áp lực lên mặt cầu, hạn chế lượng người qua lại để bảo đảm an toàn cho di tích cũng như cho du khách.

Chú thích ảnh
 Di tích chùa Cầu tạm thời được gia cố chờ phương án trùng tu

Tuy nhiên, ông Trung cũng bày tỏ quan ngại khi di tích này ngày càng xuống cấp theo mức độ lớn dần. Cùng với sự thay đổi của thời tiết như mưa bão hay lũ lụt kéo dài, dòng chảy lớn..., cùng với những sức ép khác gây áp lực thì di tích này sẽ ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn. Nếu không nhanh chóng tìm cách giải quyết vấn đề và cùng tìm ra phương án, giải pháp phù hợp để nhanh chóng tiến hành tu bổ thì di tích sẽ ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu cứ kéo dài như thế.

Một vấn đề phát sinh là chỉ sau một thời gian khi Trạm xử lý nước thải chùa Cầu được đưa vào vận hành hồi tháng 11.2018 giúp di tích này hết mùi hôi, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm mà dư luận phàn nàn lâu nay thì nay kênh nước chảy dưới chân di tích lại tái diễn ô nhiễm. Đặc biệt những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, kênh nước lại quay trở lại tình trạng đen ngòm, bốc mùi mà dư luận đã phản ánh khá nhiều trước đây. Theo ông Sơn, việc kênh chùa Cầu vẫn còn ô nhiễm là do còn một số ít lượng nước thải ở khu vực phường Minh An, đường Phan Châu Trinh vẫn đổ về hồ điều hòa và từ hồ này, nguồn nước đã chảy thẳng ra chùa Cầu.

Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã tiến hành triển khai gia cố gầm chùa Cầu bằng cách dùng 2 trụ gỗ chống phía dưới vì gầm nằm vị trí trên mố cầu tiếp xúc với bê tông, lâu ngày nên trụ chống đỡ cũ đã mục, dễ gây đứt ngang dầm. Hiện nay, trụ của di tích chùa Cầu đang có dấu hiệu bị nghiêng, chân trụ bị lệch ra ngoài không còn nằm trên đường thẳng chứa tâm các trụ còn lại trên trục dọc biên của công trình. Kết cấu gỗ nằm trên dầm trụ đã mục ở khá nhiều bộ phận, dễ bị tác động bởi các tác động như gió bão, lũ lụt. Phần dưới di tích cũng xuống cấp nghiêm trọng, các bệ dầm đỡ thân cầu mục nát, dầm thép bị mục gỉ, móng trụ bị nứt, ván sàn cầu bị ăn mòn nhanh chóng do có sự tác động liên tục của khách tham quan lên mặt cầu.

Theo Khánh Chi - Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm