Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trong dòng chảy văn hóa Huế

24/12/2018 16:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, một nhà nghiên cứu văn hóa Huế đã phát hiện thêm bộ châu bản gồm 2 văn bản có giá trị chứng thực về mặt pháp lý việc thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cận cảnh: Tư liệu mới khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Cận cảnh: Tư liệu mới khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Các tư liệu mới được UBND huyện Hoàng Sa giới thiệu đều khẳng định: Cực Nam lãnh thổ của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều là của Việt Nam.

Đó là các tờ Châu bản của nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An phát hiện tại phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, con gái vua Đồng Khánh, là cô ruột của vua Bảo Đại. Tờ Châu bản thứ nhất được lập ngày 15/2 năm Bảo Đại thứ 13 (tức năm 1939), do quan Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh tấu lên. Sau khi xem xét, vua Bảo Đại phê hai chữ “Chuẩn y” với bút phê màu đỏ và ký 2 chữ “BĐ” (Bảo Đại). Nội dung của tờ Châu bản ghi "Vào ngày 10/ 2/1939, Toà Khâm sứ Trung Kỳ có đề nghị Nam Triều nên thưởng huy chương Long Tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn "man di" ở miền núi và có công  trong việc "lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa".

Chú thích ảnh
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế bàn giao Châu bản thời Nguyễn liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao 

Tờ Châu bản thứ 2 ghi ngày 3/2/1939, đính kèm là văn bản bằng tiếng Pháp của Khâm sứ Trung kỳ trình lên Nam triều. Nội dung của tờ Châu bản này như sau: "Vào ngày 2/2/1939, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng Huy chương Long Tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời đúng ngày hôm ấy.

Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian công tác tại đây, ông đã bị nhiễm bệnh sốt rét, rồi mất tại Nhà thương lớn ở Huế".

Ngay trong ngày 3/2/1939, tờ phiến và bản sao văn thư này được Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua Bảo Đại. Đọc xong tờ phiến và văn thư đính kèm, vua Bảo Đại chấp nhận ngay lời đề nghị, liền phê 2 chữ "Chuẩn y" và ký tắt 2 chữ "BĐ" bằng bút chì màu đỏ. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, cả 2 tờ Châu bản này đều có giá trị về mặt lịch sử, đặc biệt là tờ châu bản thứ 2 được ban cho Louis Fontan là người Pháp, ông đã bất chấp gian khổ để giữ gìn đảo Hoàng Sa.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng: “Với những ngày tháng cụ thể, nhân vật cụ thể cho chúng ta thấy rằng, trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra, thì chủ quyền của Việt Nam vẫn được khẳng định một cách rõ ràng trên vùng biển Đông nói chung và Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng...”.

Chú thích ảnh
Bản đồ Đại Việt Quốc

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An lập luận thêm: “Khi tôi công bố những những văn bản này, chúng tôi muốn góp phần rất nhỏ chứng cứ khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là điều không thể thay đổi, bàn luận, bởi vì lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng, chân xác”.

Lịch sử có giá trị bất biến, vì vậy châu bản vừa được phát hiện một lần nữa khẳng định giá trị trên. Với con người ở vùng đất giàu bản sắc văn hóa như Thừa Thiên - Huế, thì tinh thần yêu nước gần như đã ăn sâu vào tâm thức và đó là giá trị văn hóa quý giá.

Hoàng Sa, Trường Sa trong dòng chảy văn hóa Huế còn sáng tỏ hơn khi về làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc). Tại đây, hiện còn lưu giữ văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm, khẳng định thêm một lần nữa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.

Ông Trần Văn Luyến, Bí thư Đảng uỷ xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cho biết, văn bản liên quan Hoàng Sa nói trên có nội dung xử lý việc kiện tụng của phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang) và làng Mỹ Lợi, lập ngày 19/9 năm Cảnh Hưng 20 (6/11/1759) về việc tranh chấp giữa 2 làng liên quan đến một con thuyền và tiền trợ cấp cho đội thuyền phục vụ Hoàng Sa.

Nội dung văn bản này cho thấy cách đây 250 năm, nhà Nguyễn đã có quân trấn giữ quần đảo Hoàng Sa. Văn bản liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở làng Mỹ Lợi đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bàn giao cho Bộ Ngoại giao để bổ sung thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Người già làng Mỹ Lợi kể, làng được thành lập năm 1562, do các ngài khai canh, là ngư dân di cư bằng đường biển từ Bắc vào Nam, chọn mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này để lập làng. Hiện làng Mỹ Lợi có diện tích 896 ha với 1.400 hộ, 6.000 nhân khẩu. Đình làng Mỹ Lợi, được xây dựng năm 1808, hiện là nơi lưu giữ văn bản liên quan Hoàng Sa nói trên.

Chú thích ảnh
Bản đồ Trung Quốc năm 1910 không hề có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Khẳng định Triều Nguyễn xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với biển, đảo, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các vua triều Nguyễn bấy giờ đã xác lập và khẳng định chủ quyền đối với biển, đảo Tổ quốc. Bằng chứng là ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là do cai đội Phạm Văn Nguyên cùng lính và phu dân hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây dựng.

Tháng 6 âm lịch năm Ất Mùi niên hiệu Minh Mạng 16 (năm 1835), sách Đại Nam thực lục chép rằng: "Dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than thạch. Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu. Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mươi ngày làm xong rồi về".

Như vậy, có thể khẳng định, triều Nguyễn đã thực thi chủ quyền nước ta liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng: Có thể nói, triều Nguyễn là triều đại đã vẽ nên một hình thể lãnh thổ đất nước thống nhất từ đất liền đến biển đảo để có một nước Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay.

Biển, đảo dưới thời Nguyễn luôn được xem là một phần lãnh thổ quan trọng của đất nước. Triều Nguyễn đã ban hành và thực thi cả một hệ thống chính sách về quân sự, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế… về biển đảo nhằm bảo vệ, khai thác vùng lãnh thổ này. Các chính sách ấy bao gồm việc xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển, xây dựng lực lượng hải quân, ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn và chống hải tặc trên biển.

Tại kinh đô Huế, ngoài tuyến phòng thủ từ xa và tuyến phòng thủ trung tâm trên đường bộ, triều Nguyễn còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đồn lũy, cửa tấn ven biển. Năm 1813, vua Gia Long cho xây Trấn Hải thành ở cửa biển Thuận An (thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay). Đây là một pháo đài quân sự kiên cố hình tròn, chu vi 285m, cao 6,3m, dày 4m; xung quanh có hào nước sâu bao bọc, trên đắp 99 ụ súng, ngoài đóng cọc, xây kè và cho trồng 4000 cây dừa để ngăn sóng biển.

Ngoài pháo đài này là một hệ thống đồn lũy khác bên cạnh cửa Thuận An, gồm đồn Hòa Duân, đồn Côn Sơn, đồn Hạp Châu và đập chắn Thuận An. Hệ thống đồn lũy này đều được bố trí một lực lượng lớn binh lính với các vũ khí mạnh nhất của triều Nguyễn. Cuối năm 1861, tại khu vực này có 1.961 binh lính, 308 đại bác các loại (đại pháo, Oanh sơn, Quá sơn, Thần công, Vũ công, Đăng uy, Thắng cơ, Chấn uy); đến những năm 1881-1882, số binh lính và vũ khí còn được tăng cường nhiều hơn nữa. Ngoài cửa Thuận An, triều Nguyễn còn cho xây dựng hệ thống đồn lũy phòng thủ ở các cửa biển Hải Vân, Chu Mãi (Chân Mây), Cảnh Dương và cửa Tư Hiền để bảo vệ các vùng biển quan trọng thuộc kinh đô.

Tại cửa biển Đà Nẵng - Quảng Nam, khu vực được xem là cửa ngõ mặt nam của kinh đô Huế, nơi có cảng quốc tế Hội An vốn đã hoạt động từ hàng trăm năm trước, triều Nguyễn cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề phòng thủ cửa biển. Vua Gia Long quy định việc đón tiếp các đoàn sứ ngoại quốc đến quan hệ với vương triều bắt buộc phải qua cảng Đà Nẵng. Các vua triều Nguyễn kế tiếp sau như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... đều nhất quán thực thi luật định này một cách nghiêm túc…

Với ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo cả về vị trí chiến lược quân sự, giao thông, mậu dịch, lẫn khai thác các nguồn lợi thủy hải sản… triều Nguyễn đã có một hệ thống chính sách bài bản và khá nhất quán về biển đảo, cũng như xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với Việt Nam trên các đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng…

Quốc Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm