Cần linh hoạt khi xử lý vướng mắc liên quan đến xét tặng danh hiệu

15/07/2018 10:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân và danh hiệu nghệ sỹ ưu tú đã được Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước thông qua, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là khi những tên tuổi “gạo cội” của nghệ thuật cải lương (nghệ sỹ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu) không có tên trong danh sách này.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, cơ quan này sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến phản hồi với thái độ cầu thị, nghiêm túc; đồng thời sẽ xem xét một cách thấu đáo, khách quan và công tâm.

Cần linh hoạt khi xử lý vướng mắc

Thời gian vừa qua, danh sách 77 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân và 303 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú trong đợt xét tặng lần thứ chín (năm 2018) được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua đã được đăng tải cụ thể tại Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước theo quy định).

Chú thích ảnh
Nghệ sỹ Minh Vương (phải) là một tên tuổi lớn của sân khấu cải lương. (Ảnh: TTXVN)

“Việc có những ý kiến tranh luận trái chiều là điều không thể tránh khỏi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ lắng nghe và xem xét một cách nghiêm túc những ý kiến phản hồi này để báo cáo Hội đồng cấp nhà nước,” Bộ trường Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận những ý kiến đóng góp về trường hợp ba nghệ sỹ cải lương (Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu) không có mặt trong danh sách do Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua. Theo quy định, hồ sơ không đạt tỷ lệ phiếu đồng thuận từ 90% trở lên của hội đồng chuyên ngành sẽ không được thông qua.

“Đó là quy định của nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới con người, tới những đóng góp, cống hiến to lớn trong suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của các nghệ sỹ.

Họ đã được giới chuyên môn ghi nhận và được công chúng yêu mến. Bởi vậy, trong quá trình giải quyết các vướng mắc, bên cạnh việc tuân thủ các quy định hiện hành, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chúng ta cũng cần linh hoạt xét đến những trường hợp đặc biệt,” Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ quan điểm.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, các văn bản, quy định là do con người làm ra. Khi xuất hiện những bất cập, quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tế thì cần đề xuất để điều chỉnh, thay đổi. 

Cụ thể, liên quan đến trường hợp ba nghệ sỹ cải lương (Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu) “trượt” danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú lần này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, để từ đó có những đề xuất, hướng giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn; nếu cần thiết, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.”

Liệu có tạo tiền lệ xấu?

Trước những ý kiến lo ngại rằng, việc xem xét này sẽ tạo ra tiền lệ xấu khi cứ “trượt” giải thưởng, người trong cuộc sẽ lại khiếu nại, thắc mắc, lãnh đạo ngành văn hóa khẳng định: “Từ trước tới nay, việc có những phản hồi trái chiều liên quan đến các vấn đề trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể né tránh.

Việc đăng tải danh sách nghệ sỹ được thông qua tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lên cổng thông tin điện tử cũng đồng nghĩa với việc, Bộ luôn sẵn sàng lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản hồi nhiều chiều của các chuyên gia, nghệ sỹ, nhân dân…; để từ đó có những đề xuất phù hợp.”

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, câu chuyện về việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt năm (năm 2016) cũng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Ban đầu, do những quy định về số giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm nghệ thuật cấp quốc gia…, nhiều tác giả có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà (như nhà thơ Thu Bồn, Xuân Quỳnh, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng…) đã không được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

“Tuy nhiên, đó là các văn nghệ sỹ trưởng thành trong kháng chiến. Các tác phẩm của họ ra đời phần lớn trong khói lửa chiến tranh, có tác động rất lớn đến việc phản ánh, cổ vũ cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ của cả dân tộc. Như vậy, làm sao chúng ta có thể cứng nhắc xét đến các giải thưởng của họ ở các hội thi, liên hoan nghệ thuật…,” lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định.

Bởi vậy, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác giả trên.

Trong đợt xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú lần thứ chín (năm 2018), Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đã thông qua 77 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân và 303 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú. Những hồ sơ này thuộc các lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, múa, phát thanh-truyền hình và sân khấu.

Theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (ngày 29/9/2014) của Chính phủ (Quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú), danh hiệu nghệ sỹ nhân dân được xét tặng cho những người có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, đã được tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú và có ít nhất hai giải Vàng quốc gia (sau khi được tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú).

Danh hiệu nghệ sỹ ưu tú được xét tặng cho những người có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, có ít nhất hai giải Vàng quốc gia (hoặc một giải Vàng quốc gia và hai giải Bạc quốc gia).

“Tạm để sang một bên việc phải làm đơn xin để được xét tặng danh hiệu nghệ sỹ vốn đã khiến những người trong cuộc cảm thấy rất buồn, việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú dựa vào số huy chương tại các kỳ liên hoan, hội diễn là điều chưa hợp lý.

Tôi cảm thấy rất buồn và tiếc nuối khi những nghệ sỹ đã nặng lòng gắn cả một đời với cải lương như anh Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu lại không có tên trong danh sách được thông qua lần này,” nghệ sỹ nhân dân Lệ Thủy chia sẻ.

Nữ nghệ sỹ bày tỏ: “Đành rằng, huy chương cũng là phần thưởng động viên để các nghệ sỹ nỗ lực nhưng đó không thể là thước đo tất cả. Những nghệ sỹ lớn như Minh Vương, Giang Châu… không chỉ biểu diễn mà còn dày công bồi dưỡng, đào tạo thế hệ sau.

Các anh cũng là những giám khảo uy tín tại nhiều cuộc thi, liên hoan. Ở tầm ấy rồi, sao các anh có thể cũng đi thi để lấy huy chương, giành phần của các em, học trò. Hơn nữa, nếu các anh đi thi, thử hỏi, ai đủ ‘tầm’ để chấm, đánh giá các anh?”

Bởi vậy, nữ nghệ sỹ cho rằng, việc xét tặng danh hiệu nên dựa vào cả quá trình cống hiến, lao động nghệ thuật của các nghệ sỹ.

Tranh cãi không dứt về tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Tranh cãi không dứt về tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Hai năm một lần, Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ, những người góp phần bảo tồn, xây dựng, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm