Ca khúc 'If': Vẻ đẹp 'thoát tục' vượt thời gian

02/06/2018 14:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “If… you don’t have If in your life” (Nếu cuộc đời ông không có “nếu”), một cây viết âm nhạc từng bâng quơ đặt ra giả thiết này với David Gates. Đáp lại, vị nhạc sĩ nay đã ở tuổi ngoài 60 chỉ trầm ngâm: “Tôi biết nghĩ sao đây. Nó là điều kỳ diệu nhất mà tôi có trong cuộc đời”.

Ngày còn đương rực rỡ sự nghiệp, không một show diễn nào của David Gates và Bread kể từ năm 1971 trở đi mà không có sự góp mặt của If.

Mãi về sau, khi Bread đã tan rã còn David lui về vùng nông thôn sống cuộc đời bình dị, vẫn có những nghệ sĩ khác thay họ lưu truyền nó, theo nhiều cách. Và chưa một lần, dù ở dạng thức nào, If thất bại trong việc làm cho người nghe thổn thức.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Bread

Bài hát “tiếng rưỡi”

David Gates nhớ lại buổi tối mà If tìm đến với ông: “Tôi ngồi đó, trên bàn bếp vào lúc 9h30 tối khi vợ và con đã đi ngủ hết, khởi động với giai điệu trên chiếc guitar thân quen. Và rồi nó đến, thật bất ngờ”.

“If a picture paints a thousand words. Then why can’t I paint you” (Nếu một bức tranh có thể vẽ ra ngàn từ ngữ. Vậy tại sao, anh không thể vẽ em). Nó đến rồi, và David Gates không có lý gì để cưỡng lại.

“Chiếc bút chì của tôi lướt không ngừng khi tôi nỗ lực bắt kịp với ý tưởng đang ngày càng lớn dần trong đầu mình. Cả giai điệu nữa, tất cả cùng đến”.

Đến tầm 11h đêm, những đợt sóng dồn của ý tưởng dần dịu lại cũng là lúc David Gates phát hiện mình đã hoàn thành một mạch 6 khổ thơ cùng sự mường tượng rõ nét giai điệu cho nó.

“Đây chính là bài hát đẹp nhất mình từng viết và chắc hẳn là sẽ viết!” - người nhạc sĩ sau cơn khoái trào cảm hứng thốt lên.

Chú thích ảnh
Đĩa đơn “If” của ban nhạc Bread

If của David Gates mang dáng dấp của một bản acoustic - ballad với hợp âm vòng bắt tai. Giai điệu ướt át đúng mực để nó vẫn giữ được vẻ lịch lãm còn lời ca thì đậm chất ngôn tình với việc tận dụng rất nhiều thủ pháp ẩn dụ.

Đối với những người nghe nhạc ưa phân tích ý nghĩa ca từ, thì việc đầu tư vào If sẽ là một nỗ lực vô ích. Thủ pháp ẩn dụ dù quả thật mang đến vẻ đẹp “thoát tục” cho bản tình ca này, nhưng lại khiến đôi chỗ có phần mơ hồ thậm chí vô nghĩa.

Chính David Gates cũng phải công nhận. “Nếu để ý, bạn sẽ thấy một vài câu hơi kỳ dị. Ví dụ như: Anh và em sẽ đơn giản là cất cánh bay đi- kiểu suy nghĩ hơn bất thường”. Nhưng biết sao được, ca khúc vốn là một món quà ngẫu hứng của thượng đế và David Gates cũng không có ý định làm khác đi.

Đó là với những người thích khám phá đến tận đáy dụng ý ngôn từ của nhạc sĩ. Còn với người nghe nhạc đơn thuần, họ vẫn đủ hiểu If là một sự tâng bốc dành cho tình yêu vĩnh cửu.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ - ca sĩ người Mỹ David Fates

Hay đến mức phiên bản “đọc thơ” cũng giành Top 1

If chính thức ra mắt tháng 3/1971, là single thứ 2 trong album phòng thu thứ 3 của nhóm Bread ở đó David Gates là một trong 2 giọng ca chính. Ngay lập tức, nó leo lên vị trí thứ 4 tại Billboard Hot 100, dẫn đầu BXH Billboard cho thể loại “Easy Listening”.

Thành tích này cũng đồng nghĩa với việc If của Bread trở thành ca khúc có tựa đề ngắn nhất lọt vào Top 10 BXH tại Mỹ, cho đến khi nó bị thay thế bởi bản hit 7 của Prince năm 1993 và về sau là Britney Spears với 3 năm 2009.

If cũng được cover lại bởi gần 200 nghệ sĩ khác nhau và theo đó cũng được “nhào nặn” đủ kiểu. Frank Sinatra từng hát trong một buổi diễn trực tiếp tại Madison Square Garden vào ngày 12/10/1974 theo lối hát hơi ngẫu hứng đúng kiểu của Frank.

Nữ ca sĩ nhạc đồng quê Dolly Parton chọn thực hiện phiên bản bluegrass của If. Rồi về sau có Julio Iglesias hay giọng ca Nhật Bản Emi Fujita cũng mang đến cho ca khúc này những màu sắc rất mới.

Song đặc biệt nhất trong số đó phải kể đến một nghệ sĩ người Anh -Telly Savalas. Có lần David Gates từng bày tỏ hy vọng: “Mong rằng kể cả khi không có giai điệu, những vần thơ của If vẫn được đón nhận”. Và chẳng biết Telly Savalas có “nghe” thấy không mà cuối cùng ông làm thật.

Phiên bản “ngâm thơ” của If được Telly Savalas, vốn là diễn viên và người kể chuyện trên sóng phát thanh Anh Quốc, phát hành năm 1973. Đoạn thu âm dài hơn 2 phút bao gồm chủ yếu là giọng đọc trầm đục truyền cảm của Telly trên nền giai điệu gốc, điểm vào một vài chỗ Telly cất giọng hát gọi là. Và nó leo thẳng lên Top 1 BXH tại Anh và Bắc Ireland trong sự ngỡ ngàng của nhiều người, có lẽ cả chính David Gates.

Về sau còn xuất hiện cả một phiên bản “chế” lại bản của Telly với giọng đọc của Chris Sanford và Bill Mitchell, trong đó Bill nhấn mạnh: “Chỉ đọc, không được hát”.

Đến nay, If luôn là lựa chọn hàng đầu cho những điệu nhảy trong các lễ cưới tại Mỹ.

David Gates- Người nghệ sĩ chưa từng phải nói chữ “nếu”

David Gates (tên đầy đủ David Ashworth Gates), sinh ngày 11/12/1940 là ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ. Ông được biết đến nhiều nhất với vai trò dẫn dắt ban nhạc Bread cùng với Jimmy Griffin đạt đến đỉnh cao sự nghiệp vào những năm 1970.

David Gates đã thể hiện năng khiếu âm nhạc từ nhỏ qua việc tham gia các ban nhạc trường học cũng như cuộc thi hát thiếu niên. Ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp khi cùng gia đình chuyển đến Los Angeles năm 1961.

Trong khoảng những năm 1960, ông hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong đó phải kể đến Elvis Presley, Brian Wilson hay nhà sản xuất nổi tiếng Phil Spector qua vai trò sáng tác và sản xuất âm nhạc. Đồng thời trong khoảng thời gian này, David Fates cũng kịp sở hữu cho mình một vài đĩa đơn cá nhân nhận được phản hồi tích cực từ công chúng như Little Miss Stuck Up/The Brighter Side, Let You Go/Once Upon A Time, No One Really Loves A Clown/You Had It Comin' To Ya...

Đây là tiền đề quan trọng để đến năm 1967, David Fates quyết định cùng với Jimmy Griffin thành lập ban nhạc Bread với 5 thành viên.

Bread đạt đỉnh cao thành công vào những năm đầu thập niên 1970 với các đĩa đơn đình đám Make It With You, If, It Don't Matter To Me hay Let Your Love Go. Cùng với America và The Carpenters, Bread được coi là nhóm nhạc soft-rock dù họ cũng chơi rất nhiều nhạc pop, ballad.

Đến năm 1973, Bread tan rã khi cả nhóm quá mệt mỏi với lịch trình dày đặc còn David Fates và Jimmy Griffin thì không thể giải quyết nổi mâu thuẫn. Jimmy cho rằng vai trò của David trong nhóm đang bị làm quá bởi trong mọi album, sáng tác của David luôn được để ở mặt A.

Sau đấy nhóm có 2 lần tái hợp, vào năm 1976 và 1996 để thực hiện sản phẩm được đặt hàng và rồi cũng lại nhanh chóng tan rã.

Về phía David Fates, ngoài thời gian hoạt động nhóm ông cực kỳ thành công với sự nghiệp solo.

Đến năm 1980, ông ngừng hoạt động và lui về Bắc California làm người chăn gia súc, đêm đến sáng tác cho vui và thi thoảng đi diễn khi có hứng.

Ca khúc 'My Immortal': Nỗi buồn bất tử

Ca khúc 'My Immortal': Nỗi buồn bất tử

"My Immortal" được xếp vào nhóm những ca khúc buồn nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Một nỗi buồn nhẹ mà thấm, huyền hoặc đầy ám ảnh.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm