20/08/2019 11:00 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(Thethaovanhoa.vn) - Việc bảo tồn một di tích hay một kiến trúc cũ chưa bao giờ là điều đơn giản ở một thành phố đang có tốc độ đô thị hóa quá nhanh như Hà Nội. Và có lẽ còn khó hơn thế - khi đó là câu chuyện bảo tồn một cái tên mà lịch sử đã mang đến cho thành phố một cách tự nhiên.
Chúng ta đang nói về những nỗ lực của người dân cũng như của các cơ quan chức năng của thành phố trong việc lấy lại tên gọi cho tòa nhà “Bưu điện Bờ Hồ”.
Tiếng nói từ người dân
Đầu tháng 11/2018, trong báo cáo gửi lên UBND thành phố, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội nhắc tới đề nghị xem xét đổi lại biển tên "Bưu điện Hà Nội" trên nóc tòa nhà số 75 phố Đinh Tiên Hoàng như trước đây. Như chia sẻ của lãnh đạo Sở, đó là cái tên chưa bao giờ thay đổi, cho dù bản thân công trình nhà Bưu điện này đã được tu sửa và mở rộng nhiều lần trong lịch sử.
Trước đó, trong nhiều tháng, biển tên “Bưu điện Hà Nội” từng tồn tại nhiều năm ở công trình này đã được đơn vị chủ quản thay bằng tấm biển mới với dòng chữ “VNPT Hà Nội”. Sự thay đổi này gắn với một thực tế: cuối năm 2007, Bưu điện thành phố Hà Nội (cũ) chia tách bưu chính và viễn thông để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Trong đó, VNPT được bàn giao tòa nhà 75 phố Đinh Tiên Hoàng.
Cũng cần nhắc lại, trước báo cáo của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, rất đông chuyên gia, cũng như những người dân thành phố, đã cùng lên tiếng về vấn đề này. Như quan điểm chung, việc “thay tên” ấy không sai về mặt pháp luật – nhưng lại chưa hợp lý, nếu xét ở góc độ lịch sử và văn hóa của thành phố.
Trên mặt báo cũng như các diễn đàn, những ý kiến ấy tiếp tục kéo dài. Để rồi, tới tháng 12/2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị giữ tên "Bưu điện Hà Nội". Như tinh thần của công văn, quyết định đổi tên "Bưu điện Hà Nội" thành "VNPT Hà Nội" đã làm mất đi hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người dân thủ đô và cả nước. Do vậy, mong muốn của người dân Thủ đô về việc giữ lại tên Bưu điện Hà Nội là hoàn toàn phù hợp.
Những nỗ lực của lãnh đạo và người dân thành phố Hà Nội đã bước đầu đưa tới một kết quả tích cực – khi qua báo giới, đại diện VNPT cho biết: cơ quan này đang xây dựng một đề án tổng thể để bảo vệ và tôn vinh các giá trị lịch sử của tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Theo đó, ngoài việc sửa chữa, trùng tu tháp đồng hồ 4 mặt trên nóc tòa nhà, việc thay thế, trả lại tên “Bưu điện Hà Nội” cũng là một phần hạng mục chỉnh trang....
Những gì diễn ra khá phù hợp với một thực tế đã thành quy luật: từ rất lâu, khu vực không gian quanh Hồ Gươm – trung tâm lịch sử văn hóa của thành phố – luôn là nơi thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội. Ở không gian ấy, không ngần ngại, cộng đồng luôn cho thấy sự mẫn cảm đặc biệt trong tâm thế của mình, trước mọi đổi thay trong quá trình đô thị hóa.
Ký ức song hành cùng Thủ đô trong suốt 120 năm
Chỉ là một cái tên, tại sao người dân thành phố lại quan tâm và... nặng lòng đến vậy?
Câu hỏi ấy không khó trả lời, nếu người ta tìm hiểu lại lịch sử của tòa nhà.
Năm 1893, những khối nhà đầu tiên của Bưu điện Hà Nội (nằm ở góc phố Đinh Tiên Hoàng và Lê Thạch hiện nay) được khởi công xây dựng cạnh Hồ Gươm – nơi người Pháp sớm chọn là không gian trung tâm của thành phố. Không có gì lạ, khi công trình này được xây dựng sớm và đặt ở một vị trí đặc biệt như thế: với chính quyền thuộc địa, nhu cầu về các trung tâm bưu điện và thông tin liên lạc luôn được đặt lên hàng đầu.
Chỉ sau 6 năm, nhà Bưu Điện hoàn thành với đầy đủ các hình thức bưu chính, điện báo, điện thoại… - cộng cùng mạng lưới thông tin đã được thiết lập để kết nối với Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Và theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, từ nhu cầu thực tế, các tòa nhà của Sở Bưu điện Hà Nội đã liên tục được nâng cấp và phát triển thêm ở những vị trí xung quanh.
Một phần Bưu điện Hà Nội đã bị phá hủy trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến - tuy nhiên, về tổng thể, quần thể này vẫn vận hành, và được thành phố tiếp quản sau 1954. Để rồi, từ giữa thập niên 1970, tòa nhà chính của Bưu điện Hà Nội đã được xây dựng lại trên nền công trình cũ và hoàn thành vào năm 1978, với kiến trúc 5 tầng chạy dọc phố Đinh Tiên Hoàng, cộng cùng chiếc đồng hồ 4 mặt vuông và các dàn loa phóng thanh trên nóc.
Có nghĩa, liên tục kéo qua 3 thế kỷ, cụm công trình này Hà Nội vẫn tồn tại và trở thành một chứng nhân đặc biệt trong lịch sử thành phố. Và theo những tư liệu được ghi chép lại, với sự giản dị và chính xác, ngay từ khi mới xuất hiện, người dân Thủ đô đã gọi kiến trúc ấy bằng các cái tên “Bưu điện Hà Nội” hoặc “Bưu điện Bờ Hồ”.
Như thế, dù chỉ được gắn lên tòa nhà từ năm 1997, giá trị của tấm biển “Bưu điện Hà Nội” không nằm ở góc độ thẩm mỹ. Đó là sự cụ thể hóa một cụm từ, một khái niệm quen thuộc tới mức đã ăn sâu bén rễ trong lòng người dân Thành phố.
Và, khi đã song hành cùng thủ đô trong suốt 120 năm như thế, cái tên ấy, cũng như những ký ức gắn với Bưu điện Hà Nội, đã trở thành một lớp trầm tích đặc biệt của văn hóa và lịch sử thành phố. Lớp trầm tích ấy có thể nằm khuất đâu đó trong dòng chảy hối hả của cuộc sống thường ngày – để rồi khi được khơi lại bất ngờ, nó lại hiện ra trước mắt cộng đồng, với sức sống vô cùng đa dạng.
Lưu giữ cho lịch sử thành phố
Trong dòng ý kiến đề nghị trả lại tên cũ cho tòa nhà Bưu điện Hà Nội, chúng ta có thể gặp lại muôn ngàn mảnh ký ức ấy, với những công dân ở mọi độ tuổi khác nhau.
Với những người cao tuổi, bốn từ “Bưu điện Hà Nội” gắn với câu chuyện huyền thoại vẫn được kể về chuỗi ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ở thời điểm ấy, nhà Bưu điện chính là nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng giữa bộ đội và tự vệ Hà Nội với lính Pháp. Chưa hết, chỉ ít năm sau, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nóc nhà Bưu điện Hà Nội cũng là một trong những điểm bố trí súng phòng không để bảo vệ bầu trời thành phố.
Với lớp độc giả độ tuổi trung niên, Bưu điện Hà Nội là nơi lưu dấu nhiều ký ức tuổi trẻ, là chuỗi năm tháng háo hức chờ nhận bưu phẩm, là những dòng thư tay viết vội và những cuộc điện tín đường xa. Và với những gương mặt ở độ tuổi ấy, trong ký ức, bốn chữ “Bưu điện Hà Nội” đã bao hàm đủ thông tin về địa điểm cho một cuộc hẹn hò.
Với những bạn trẻ, dù mạng lưới bưu cục ở Hà Nội bây giờ đã phủ khắp các con phố, rất nhiều người trong số họ vẫn muốn đi cố thêm một đoạn đường để vào Bưu điện Hà Nội gửi bưu phẩm khi cần. Như lời kể, những chuyến đi ấy không đơn thuần là công việc – bởi đã tới đây, ai cũng muốn nấn ná ngồi thêm tại một không gian đã trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố.
Và trong luồng ý kiến ấy, rất nhiều người đã khẳng định: Bưu điện Hà Nội trong một chừng mực, chính là “mốc số 0” của thành phố. Bởi theo nguyên tắc, trên thế giới, trụ sở bưu chính thường được mặc định là điểm trung tâm chính xác nhất của mỗi đô thị - do những đòi hỏi đặc thù của ngành ở cột mốc chính xác về địa lý, cũng như thời gian để đồng bộ và làm điểm chuẩn trong tính toán.
Như thế, Bưu điện Hà Nội không đơn giản là một địa danh nữa, mà là kỷ niệm, là ký ức mà người dân muốn lưu giữ cho lịch sử thành phố của mình.
“Hà Nội, trong lịch sử, là một thủ đô có kiến trúc và quy hoạch tinh tế, khiêm cung, không chạy theo những gì kì vĩ đồ sộ. Người Hà Nội cũng vậy, cũng chọn cách ứng xử điềm đạm và ý tứ, dành sự quan tâm tới những gì tưởng đơn giản nhưng lại đầy ý nghĩa” – GS. KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét – “Câu chuyện về tên gọi của Bưu điện Hà Nội cho thấy một triết lý đặc trưng: trong sự phát triển của đô thị, đôi khi điều quan trọng không phải là những khái niệm quá ầm ĩ, hoành tráng mà lại là vấn đề thuộc về chiều sâu, để thành phố có thể đi lên từ những điều tưởng như rất nhỏ...”
Các đề cử hạng mục giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội 2019 1. Nhóm kí họa đô thị Hà Nội với các hoạt động nhằm lưu giữ ký ức Hà Nội bằng tranh 2. Các hoạt động tích cực của TP Hà Nội và cả cộng đồng nhằm khẳng định vị thế và quảng bá hình ảnh Hà Nội “thành phố vì hòa bình” 3. Nỗ lực yêu cầu khôi phục tên gọi tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" ở Hồ Hoàn Kiếm |
Hoàng Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất