05/10/2019 10:51 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 5/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có thông tin chính thức liên quan đến vụ việc tòa nhà xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Cụ thể, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sau khi kiểm tra hồ sơ di tích, thông tin trên báo chí và báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang (Cục Di sản văn hóa nhận được ngày 4/10/2019) cho biết: Tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (được xếp hạng tại Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Theo Luật Di sản văn hóa, tại Điều 32, khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích cũng như việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích được quy định cụ thể: Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I…".
Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều 32 phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.
Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Như vậy, việc xây dựng công trình nói trên không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích, không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, do đó, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và các quy định liên quan.
Tuy nhiên, Điều 36, Luật Di sản văn hóa quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”. Vì vậy, nhằm khuyến cáo cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương về trách nhiệm quản lý, chủ động ngăn ngừa việc triển khai các dự án xây dựng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến di sản, do công trình xây dựng gần khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, ngày 12/7/2019, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 495/DSVH-DT đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đối với công trình xây dựng nói trên, có biện pháp bảo vệ Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng theo Điều 36 nói trên của Luật Di sản văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định cho đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Cục Di sản văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thực hiện các biện pháp đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Luật Di sản văn hóa để tham mưu, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án xử lý về vấn đề này theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa.
Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan", một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Đèo là đoạn quốc lộ 4C dài khoảng 20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đỉnh đèo cao 2.000 mét, là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế. Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực đèo Mã Pì Lèng Hà Giang là danh lam thắng cảnh quốc gia...
Thanh Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất