13/08/2019 20:26 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(Thethaovanhoa.vn) - Quá trình đô thị hóa cùng sự xuất hiện của hàng loạt siêu thị và trung tâm thương mại, đã tạo ra một sức ép rất lớn lên chợ truyền thống. Nhưng đó cũng chính là cơ hội để loại hình này tự khẳng định sức sống riêng của mình.
“Người Mỹ đang mong muốn những gì mà các bạn có ở các ngôi chợ truyền thống. Tôi thấy rất tiếc khi một phần trong số chúng được cải tạo theo hướng trở thành những trung tâm thương mại”, KTS Steve Davies (Mỹ), nhận xét.
Không phải “kẻ thù” của siêu thị
Có hơn 40 năm nghiên cứu về chợ trên thế giới, chuyên gia này đã có chuyến khảo sát các chợ Hà Nội vào cuối năm 2018, theo một dự án do văn phòng tổ chức Health Bridge (Canada) tại Việt Nam thực hiện.
Như lời ông, khoảng 70 năm trước, rất nhiều thành phố tại Mỹ đã đóng cửa hoặc phá bỏ chợ dân sinh - khi mô hình siêu thị bùng nổ. Để rồi, theo thời gian, loại hình này lại bắt đầu được ưa chuộng trở lại với tầm quan trọng đặc thù của một không gian công cộng vừa quảng bá sản phẩm địa phương, vừa mang lại sinh khí từ các hoạt động cộng đồng – đồng thời lại tạo công việc cho tiểu thương và thúc đẩy các mô hình kinh tế nhỏ lẻ.
Câu chuyện của Steve cũng không quá xa lạ với Hà Nội, khi từ năm 2017, thành phố đã ngừng việc cải tạo các chợ truyền thống theo mô hình trung tâm thương mại. Trước đó, mô hình này được áp dụng tại một số địa điểm, nhưng đạt kết quả rất hạn chế: người mua luôn hờ hững với những “chợ truyền thống” được bố trí ở tầng hầm các trung tâm thương mại vừa xây.
Điều này tưởng như bất ngờ, khi theo đánh giá của Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội Hà Nội, phần lớn trong số gần 500 chợ truyền thống của thành phố (có 132 chợ thuộc các quận nội thành) đều đã tồn tại lâu năm và đang ở tình trạng xuống cấp về hạ tầng, thiếu hệ thống xử lý rác thải, không đảm bảo văn minh thương mại… Ngược lại, với ưu thế tuyệt đối ở chính những mặt này, đã có thời điểm, hệ thống siêu thị được kỳ vọng sẽ dần thế chỗ các chợ truyền thống trong tương lai.
Thế nhưng, việc chợ truyền thống vẫn tồn tại trước sức ép từ siêu thị là thực tế đang diễn ra ở Hà Nội, cũng như nhiều thành phố phát triển trên thế giới. Thậm chí, theo một khảo sát do Health Bridge thực hiện tại Hà Nội, có tới 70% số người được hỏi vẫn thích mua sắm cả ở siêu thị lẫn… hệ thống các chợ dân sinh này. Có nghĩa, trong một chừng mực, 2 loại hình đều có thể tồn tại và bổ sung cho nhau.
Một không gian đặc thù
Như lý giải từ các chuyên gia về kinh tế và xã hội học, dù có thể cung cấp những mặt hàng vốn có trong chợ truyền thống, những siêu thị hay trung tâm thương mại vẫn là sản phẩm gắn với các mối quan hệ xã hội của một đô thị hiện đại. Ở đó, sự riêng tư được coi trọng, và những “tương tác” chủ yếu diễn ra giữa người mua hàng và các sản phẩm trong sự lựa chọn của mình.
Ngược lại, với văn hóa của người Việt, từ hàng trăm năm nay, chính những mối quan hệ cá nhân mới là điều kéo cộng đồng đến với chợ truyền thống. Trong không gian ấy, người ta có thể thoải mái trò chuyện, giao tiếp, tâm sự, thậm chí là “thử sức” trong một kỹ năng dân gian: mặc cả để tìm mức giá rẻ cho mình.
Không phải ngẫu nhiên, ở nhiều ngôi chợ lớn tại Hà Nội, người ta có thể chứng kiến những gia đình có 3 - 4 thế hệ nối nhau bán một sạp hàng. Từ cuộc mưu sinh và những kinh nghiệm được đúc kết theo thời gian, những người bán hàng này có đủ cả sự nhạy cảm trước thị trường, sự khôn ngoan tinh tế để kết nối với người mua hay sự đảm bảo với bạn hàng trong chữ “tín”.
Giống như một so sánh mà nhiều người từng chỉ ra: chỉ tại chợ truyền thống, một bà bán thịt bình thường mới có thể cho khách quen mua chịu, rồi lại sẵn sàng xách giúp khách vài cân thịt về đến tận nhà nếu cần. Cũng như, ít khi trong các siêu thị, người ta có thể thấy những người bán hàng kết nối lại theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” để cùng hỗ trợ nhau kiếm sống.
Chính những giá trị ấy đã khiến mỗi ngôi chợ truyền thống tại Hà Nội mang một màu sắc và cá tính riêng. Để rồi, mỗi khi được nhắc đến, những cái tên như Đồng Xuân, Bưởi, Hàng Bè, Long Biên… có thể được “nhận diện” ngay là một ngôi chợ của Hà Nội. Không có gì lạ, khi với rất nhiều du khách tới Hà Nội, việc tìm tới các ngôi chợ chính là con đường ngắn nhất để có những cảm nhận về “dấu ấn địa phương” của vùng đất này.
Nói như PGS Nguyễn Quốc Thông (Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam), với lịch sử của một loại hình từng giữ vai trò hạt nhân trong quá trình đô thị hóa, chợ truyền thống chính là những điểm đến có sức hút đặc biệt tại Hà Nội, với chiều sâu văn hóa đã được hình thành theo thời gian của mình.
Việc bảo vệ và cải tạo những ngôi chợ ấy chỉ có thể đến từ cách tiếp cận khoa học ở góc độ văn hóa – chứ không thể đơn thuần về chức năng mua bán.
Hiện đại hay truyền thống? Các khái niệm về sự văn minh, hiện đại hay được sử dụng từ những người muốn từ bỏ vai trò của chợ truyền thống trong đô thị. Thật ra, điều này mang tính tương đối. Chẳng hạn, tại Việt Nam, loại hình siêu thị là khá mới – trong khi nó đã rất phổ biến ở Châu Âu từ nửa thế kỷ trước. Ngược lại, nhiều thành phố trên thế giới lại đang ưa chuộng những khu chợ do nông dân tổ chức, vốn rất gần với mô hình chợ truyền thống của Việt Nam (TS Stephanie Geertman - Health Bridge). |
(Còn tiếp)
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất