Ai cứu cải lương? (Kỳ 1): Các đoàn cải lương Nhà nước… 'xuôi tay'

09/12/2019 19:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cải lương là bộ môn nghệ thuật có giá trị, mang tính truyền thống của Việt Nam. Cải lương từng có những thời kỳ rực rỡ, làm nên những tác phẩm để đời, những nghệ sĩ tài danh lẫy lừng. Nhưng gần hai thập niên này, cải lương lâm vào khó khăn, khủng hoảng. Ai đã và sẽ ra tay hồi sức cho cải lương, chí ít là giữ cho cải lương không bị tắt đèn?

Khi nghệ sĩ cải lương 'lấn sân'  kịch nói

Khi nghệ sĩ cải lương 'lấn sân'  kịch nói

Những tháng gần đây, sân khấu kịch nói phía Nam bỗng xuất hiện nhiều… nghệ sĩ cải lương. Có lẽ, đó là một sự chuyển dịch thú vị của làng sân khấu, kèm theo những hiệu ứng khá tốt đẹp.

1. Ở miền Nam lẫn miền Bắc hầu như tỉnh thành nào cũng có một đoàn cải lương do nhà nước quản lý, với kinh phí hằng năm cả tỷ đồng, hoặc vài tỷ đồng, có biên chế với nhân sự lên đến 20-30 người, với trụ sở là những tòa nhà và rạp hát, nếu không thì tối thiểu cũng có nơi đặt văn phòng, tập tuồng, có cả âm thanh, ánh sáng… Tóm lại kinh phí Nhà nước lo từ lương cho đến cơ sở vật chất và cả kinh phí dàn dựng vở mới.

Nhưng rốt cuộc, những đơn vị quốc doanh này lại hoạt động rất ít hiệu quả, thậm chí nhiều đoàn ít ai biết tên biết tuổi. Mỗi năm, một đoàn dựng chừng 1-2 vở, thường đi diễn vùng sâu. Riêng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là “anh cả đỏ” của TP.HCM, có thể nói luôn là của cả miền Nam, thì cũng chỉ dựng 3-4 vở cho cả 3 đoàn hùng hậu của mình.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Lê Tứ và Mỹ Hằng trong vở “Hiu hiu gió bấc”, một vở ăn khách của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: H.K

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có tất cả 3 đoàn, đoàn 1 và 2 có những nghệ sĩ thành danh và khá lớn tuổi, đoàn 3 tiền thân là nhóm Thắp sáng niềm tin do soạn giả Hoàng Song Việt thành lập cách đây khoảng 20 năm, hoạt động theo cách thức xã hội hóa, giờ sáp nhập vào Nhà hát lấy tên là đoàn 3. Tổng cộng gần 100 con người. Mỗi đoàn chỉ có 1 vở cho suốt năm thì làm sao chia đủ vai cho nghệ sĩ. Và mỗi vở cũng không diễn được bao nhiêu suất. Đa số cũng đi phục vụ các huyện vùng ven. Chính vì vậy mà nghệ sĩ khó bật lên được.

Riêng nhóm Thắp sáng niềm tin đã nổi tiếng trước kia, toàn những nghệ sĩ trẻ, đẹp, hát hay, diễn giỏi, nay có tuyển thêm một số gương mặt mới thì cũng chọn từ các cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ hoặc Trần Hữu Trang được mọi người biết mặt biết tên. Và đây là thành phần chủ lực của Nhà hát mỗi khi có vở lớn.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Tấn Giao và Thanh Ngân trong vở “Giấc mộng đêm xuân” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: H.K

Như vở Thầy Ba Đợi chào mừng 100 năm cải lương, do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện, có cả thành phần nghệ sĩ Nam lẫn Bắc, thì vẫn thấy những nghệ sĩ của Thắp sáng niềm tin chiếm đa số. Nhưng lạ ở chỗ, Thắp sáng niềm tin mà diễn tại sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ), mới sửa chữa, xây lại khang trang, thì vẫn không đông khách mua vé. Chỉ khi các nghệ sĩ này chạy sô cho nơi khác thì mới sáng giá và cát sê cao.

Lý giải điều này, nhiều người cho rằng vì các đoàn nhà nước phải diễn những vở tuyên truyền, làm sao hấp dẫn được công chúng. NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát, nói: “Mình nhận kinh phí thì mình phải tuyên truyền thôi. Các đoàn xã hội hoá họ không tuyên truyền, thì đoàn nhà nước phải lo chuyện đó chứ, bởi cuộc sống cũng có nhiều vấn đề phải nói, như chuyện chiến tranh, hy sinh, chống tham nhũng…”. Những vở như Chiến binh được dàn dựng rất nghiêm túc, câu chuyện cũng gay cấn, đáng suy nghĩ. Tuy nhiên những đề tài như vậy xem ra khó ăn khách. Sau này Nhà hát đã đổi mới, diễn nhiều vở hấp dẫn hơn, như Tô Ánh Nguyệt, Trà hoa nữ, Hiu hiu gió bấc… tình hình có khá hơn đôi chút.

Chú thích ảnh
NSƯT Quế Trân và NSƯT Trọng Phúc trong vở “Chiến binh” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: H.K

2. Các đoàn cải lương tỉnh còn khó khăn hơn. Hầu hết phải đi diễn vùng sâu vùng xa, và cũng không có bao nhiêu khán giả bởi sân khấu đa số tạm bợ, che ngoài trời, mưa gió thất thường, không bảo đảm cho cái gọi là “thánh đường sân khấu”.

Nghệ sĩ Minh Mẫn từng là trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp nói: “Hồi mới giải phóng thì hát ngoài trời, ngoài bãi cát thấy vui, đông nghẹt khán giả. Nhưng đời sống ngày càng khấm khá hơn, người ta cần một không gian đàng hoàng hơn, nên hát ngoài trời không còn thích hợp lắm. Lại còn truyền hình, Internet quá phổ biến, chỉ ngồi nhà bấm nút là coi đủ thứ ngôi sao, đủ thứ chương trình, khỏi phải lặn lội ra ngoài ban đêm đi coi hát”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm và Thy Trang trong vở “Đời như ý” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: H.K

Đoàn Văn công Đồng Tháp năng động đi ra tận miền Trung, ký hợp đồng với các trại giam, hát cho phạm nhân xem, cũng được yêu mến, và mỗi năm đến hẹn lại lên riết rồi phạm nhân quen mặt. Đoàn hát còn nhận thêm sô hát vọng cổ và trích đoạn cho các sự kiện, lễ hội, lễ kỷ niệm v.v… Thậm chí Trưởng đoàn Minh Mẫn còn làm dịch vụ cho đoàn như mở phòng thu, quay phim, chụp ảnh… Đó cũng là cách nuôi sống anh em nghệ sĩ cầm cự trong lúc cải lương khó thể tồn tại một cách mạnh mẽ.

Nhưng cũng không cầm cự được bao lâu, hầu hết các tỉnh đã sáp nhập đoàn cải lương chung với trung tâm văn hoá tỉnh, như vậy hoạt động còn bèo bọt hơn nữa, nghệ sĩ càng khó khăn hơn nữa. Chỉ riêng anh Minh Mẫn khi về hưu đã xông ra mở công ty tổ chức sự kiện, và kéo sô về cho anh em nghệ sĩ rất nhiều. Nhiều người nghỉ đoàn Nhà nước, chuyển sang cộng tác với công ty tư nhân của anh Minh Mẫn, lai rai sống được bằng nghề. Tất nhiên là không hát cải lương nguyên tuồng, mà chỉ hát vọng cổ, trích đoạn, ca nhạc, tấu hài, quanh năm không ngớt sô.

Anh Minh Mẫn cười vui: “Trong lúc đoàn Nhà nước mỗi năm nhận cả tỷ đồng từ ngân sách, thì bây giờ tôi đã đóng thuế ngược lại cho Nhà nước. Nhưng vui nhất là tôi giữ được đội ngũ nghệ sĩ của mình…Sống không nổi nên anh em nghỉ hát, đi tứ tán, còn lại một số theo tôi thì còn bơi được qua cơn khó khăn. Chúng tôi nương tựa nhau giữ lửa nghề, chưa phải khá giả gì, nhưng cũng ráng giữ cho tiếng đờn vọng cổ còn réo rắt quanh năm. Tôi yêu cải lương, gắn bó với nó từ hồi trẻ cho tới lúc về hưu, giờ còn chút sức lực thì ráng cống hiến thêm chút nào hay chút ấy”.

Nhìn chung, hoạt động của các đoàn Nhà nước vẫn không có gì nổi bật, không làm cho bộ mặt cải lương sáng sủa hơn. Có chăng là mỗi kỳ Liên hoan sân khấu toàn quốc thì các đoàn Nhà nước được chi kinh phí đi thi, đem lại huy chương cho nghệ sĩ, nhờ đó có cơ sở để xét duyệt phong Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân.

Đời sống cải lương thực sự không thể gói gọn trong những kỳ liên hoan và trong những danh hiệu. Cứ lâu lâu lại nhá lên một chút rồi tắt đèn quanh năm, thì cải lương sẽ chết. Cải lương chỉ sống khi nào nó tiếp cận khán giả thường xuyên, được báo chí nhắc đến, được người xem bình luận, mong chờ… Vậy thì ai sẽ làm được những điều đó?

(Còn nữa)

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm