Ai Cập phát lộ thêm mộ cổ gần 5.000 năm tuổi

16/12/2018 15:42 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/12, giới chức Ai Cập thông báo các nhà khảo cổ học nước này đã phát hiện một ngôi mộ cổ, được cho là nơi an nghỉ cuối cùng của một thầy tế cấp cao trong triều đại Pharaoh thứ 5 cách đây khoảng 4.400 năm.   

Ai Cập phát hiện ngôi mộ cổ 4.400 năm tuổi

Ai Cập phát hiện ngôi mộ cổ 4.400 năm tuổi

Ngày 3/2, Bộ Cổ vật Ai Cập đã xác nhận thông tin trên, đồng thời bày tỏ hy vọng phát hiện mới này sẽ làm hồi sinh ngành du lịch khám phá đang gặp khó khăn ở đất nước Trung Đông này.

Bộ trưởng Bộ Khảo cổ Khaled al-Anani cho biết ngôi mộ cổ năm ở Saqqara, gần thủ đô Cairo, cũng là nơi có Kim tự tháp Djoser (còn gọi là kim tự tháp bậc thang) nổi tiếng. Theo ông, ngôi mộ cổ còn nguyên vẹn và bên trong có 24 bức tượng với các kích cỡ và màu sắc khác nhau. Nghiên cứu ban đầu cho thấy nhân vật được chôn trong ngôi mộ này là thầy tế "Wahtye" - thầy tế có ngôi vị cao nhất phục vụ trong triều đại Neferirkare. Trang trí bên trong mộ là hình ảnh mô phỏng những thầy tế trung thành với "Wahtye", vợ, mẹ và các thành viên khác trong gia đình ông.   

Tháng 11 vừa qua, Ai Cập cũng đã công bố nhiều phát hiện mới của các nhà khảo cổ học nước này trong quá trình khai quật tại khu vực thuộc quần thể Kim tự tháp vua Userkaf ở Saqqara, cách thủ đô Cairo khoảng 30 km về phía Nam. Qua quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy 3 ngôi mộ thuộc giai đoạn các năm 1550 – 1070 trước công nguyên (từ Vương triều thứ XVIII cho đến Vương triều thứ XX) cùng với 4 ngôi mộ cổ khác thuộc thời kỳ Ai Cập cổ đại. Phát hiện quan trọng nhất trong những ngôi mộ này là ngôi mộ của Khufu-Imhat, người cai quản các lâu đài trong hoàng cung. Ngôi mộ này có thể có niên đại từ cuối Vương triều thứ V và đầu Vương triều VI của Ai Cập cổ đại.   

Chú thích ảnh
Những bức tượng bên trong ngôi mộ cổ mới được phát hiện tại Saqqara, Ai Cập ngày 15/12/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nhà khảo cổ Ai Cập đã chọn địa điểm trên để tiến hành các công tác khai quật do cho rằng khu vực này có nhiều khả năng tập trung nhiều ngôi mộ thuộc thời kỳ Ai Cập cổ đại, đặc biệt tại đoạn dốc bao quanh quần thể Kim tự tháp Vua Userkaf. Theo giới chức, chương trình nghiên cứu khảo cổ này đã thành công trong việc lần đầu tiên phát hiện ra các xác ướp loài bọ hung ở nghĩa địa Memphis (thành phố thời Ai Cập cổ đại, phía Nam Cairo). Hai xác ướp bọ hung lớn đã được phát hiện ở bên trong một quan tài bằng đá hình chữ nhật với nắp quan tài kiểu uốn vòm được trang trí bằng 3 con bọ hung được vẽ bằng màu đen. Những nghiên cứu về những con bọ hung này cho thấy rằng chúng được bọc bằng vải lanh và được bảo quản trong điều kiện rất tốt. Ngoài ra, một số xác ướp bọ hung khác cũng đã được phát hiện thấy trong một quan tài đá hình vuông có kích thước nhỏ hơn, được vẽ trang trí bằng hình một con bọ hung đen.     

Theo một tài liệu nghiên cứu về khảo cổ, thời Ai Cập cổ đại, bọ hung là biểu tượng của sự hồi sinh. Người Ai Cập cổ đại cho rằng bọ hung là đại diện của thần mặt trời Khepri. Khepri được mô tả là vị thần rất cần mẫn, được biểu thị dưới dạng một con bọ hung lăn mặt trời lên vào buối sáng ở phía Đông, liên quan tới sự hồi sinh. Người Ai Cập cổ đại tin rằng bọ hung là loài vật mang lại sức mạnh và may mắn cho họ, nên biểu tượng về loài bọ cánh cứng này rất phổ biến trong những chiếc bùa hộ mệnh và các đồ trang sức. Chúng thậm chí còn được khắc vẽ hình trên các đồ vật và đặt trên các xác ướp để chống lại ma quỷ.    

Có thể thấy Ai Cập luôn là vùng đất ẩn giấu nhiều câu chuyện bí ẩn đáng kinh ngạc trong lịch sử. Trải qua hàng nghìn năm, nền văn minh của "xứ sở kim tự tháp" đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử nhân loại. Các nhà khảo cổ học sẽ còn phải tiếp tục dày công nghiên cứu, mất nhiều thời gian tìm tòi và khám phá những kho tàng đồ sộ, huyền bí đang ẩn giấu sau lớp bụi thời gian ở vùng đất sa mạc khô cằn này.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm