06/12/2018 15:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 8 tháng chuẩn bị, sáng nay (6/12), Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật – nhiếp ảnh (thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) chính thức đi vào hoạt động theo hình thức dịch vụ công và theo nhu cầu của đời sống mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay, trước thực trạng tranh mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhu cầu có đơn vị làm công tác “trọng tài”, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật nhiếp ảnh trở lên một đòi hỏi bức thiết.
Sau một thời gian khuyến khích, vận động, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân phi Chính phủ đứng ra thực hiện công tác giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh như thông lệ quốc tế hiện nay, nhưng không có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận công việc này nên cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đề xuất, đề nghị với lãnh đạo Bộ VH,TT&DL bổ sung thêm thức năng làm công tác giám định tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh cho Trung tâm trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.
Tiếp đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Viên kho học hình sự - Bộ công an đã ký hợp đồng nguyên tắc triển khai thực hiện công tác kỹ thuật, chống tội phạm và giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng tổ chức đoàn đi khảo sát và học tập kinh nghiệm công tác giám định tác phẩm mỹ thuật tại Hàn Quốc, qua đó ban hành quy trình thực hiện giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh gồm: tiếp nhận hồ sơ, trả lời hồ sơ (sau 7 ngày tiếp nhận), ký hợp đồng giám định, nhận tác phẩm cần giám định, trả lời kết quả giám định bằng văn bản sau 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận tác phẩm đề nghị giám định.
Đối với vụ việc phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an thì thời gian trả kết quả giám định sẽ được thỏa thuận giữa 2 bên theo hợp đồng giám định.
Kinh phí giám định bao gồm kinh phí trả cho Hội đồng giám định và kinh phí để kiểm tra bằng công nghệ kỹ thuật, kinh phí mời chuyên gia khi cần thiết. Kinh phí này được thỏa thuận giữa Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và tổ chức, cá nhân yêu cầu bằng hợp đồng.
Bảng giá dịch vụ công tác giám định tác phẩm với mức giá như sau: Từ 1-3 tác phẩm mức giá cho hội đồng giám định là 35,2 triệu đồng; Từ 4-10 tác phẩm mức giá là 70,4 triệu đồng; Từ 11-20 tác phâm mức giá là 140,8 triệu đồng; Và từ 21-50 tác phẩm mức giá là 281,6 triệu đồng. Trên 50 tác phẩm, Trung tâm báo giá theo thỏa thuận.
Ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh, giá tiền trên được tham khảo từ phía Hàn Quốc và thấp hơn một chút để phù hợp với tình hình xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng, với tác phẩm mỹ thuật giá trị, nhiều tiền, thì mức kinh phí giám định trên là quá ít; trong khi ông Đỗ Kiên Trung -Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (thuộc Cục Bản quyền tác giả) lại cho rằng, mức giá này giá là "không tưởng".
Theo ông Đỗ Kiên Trung, Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan đi vào hoạt động từ tháng 10/2016 đến nay, dù còn non trẻ nhưng hiện tại trung tâm này cũng đã giám định các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Đến nay, Trung tâm đã giám định 14 vụ việc liên quan đến các tác phẩm thuộc 14 loại hình khác nhau theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Mức phí giám định rất rẻ, chỉ với 2 triệu đồng, số tiền chi trả cho hội đồng, các cuộc họp...
Trả lời thắc mắc về vấn đề "đắt - rẻ", ông Vi Kiến Thành cho hay: “Nhân đại diện Cục Bản quyền tác giả có mặt tại đây, cũng mong mọi người biết đến đó để giám định trước, nếu ở đó không làm được thì đến trung tâm này, chỗ nào rẻ thì làm. Giá của của trung tâm này theo hình thức xã hội hóa kinh phí, ban hành theo cơ chế thị trường, công khai minh bạch, đóng thuế Nhà nước đầy đủ, số tiền chi trả cho các thành viên của hội đồng, của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) nếu khi cần trang thiết bị... "
Ông Thành nhấn mạnh thêm: "Không có nước nào việc giám định tác phẩm mỹ thuật hay các tác phẩm nghệ thuật nói chung lại do cơ quan Nhà nước đứng ra cả. Việt Nam có lẽ là nước duy nhất. Việc này cho thấy sự quan tâm của chúng tôi nhưng cũng khó ngay cả với những người trong cuộc. Chúng tôi mong rằng, sau khi làm một thời gian, thị trường mỹ thuật được minh bạch, biết đâu lại có một người nào đó hay một tổ chức xã hội nào đó đứng ra làm, lúc đó, chúng tôi sẵn sàng xin rút. Chẳng qua hiện nay không ai muốn làm, chúng tôi đành phải đứng ra làm thêm chức năng để thành trung tâm với tên gọi như bây giờ”.
Hoài An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất