Kẻ Chợ và những chợ đầu mối(*)

24/06/2012 15:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Việc thương mại giữa Việt Nam và phương Tây không hẳn thuận lợi như người ta nghĩ. Các thương nhân phải biếu xén rất phiền toái cho quan lại bản xứ...

1. Những trung tâm của các tỉnh lỵ trước đây gọi là thị trấn, thị xã đều nói lên nguồn gốc nó là một cái chợ (chữ thị là chợ), ví dụ: thị xã Bắc Ninh, thị trấn Thứa… Kẻ Chợ là một cái chợ lớn, ban đầu người ta tụ họp ở kinh kỳ để bán hàng, sau rồi chia cơ sở sản xuất từ địa phương lên kinh kỳ để lập phường thợ, bỏ qua khâu vận chuyển hàng hóa.

Mặt bắc và mặt đông của 36 phố phường Thăng Long cổ sát sông Hồng, mặt tây sát thành cổ, mặt nam thì sát hồ Thủy Quân, lại có các sông Kim Ngưu và Tô Lịch dẫn ra nhiều đường thủy, nên cái chợ này thật tiện cho đi lại buôn bán.

Việc chia phường cũng có nghĩa là chuyên kinh doanh sản xuất một số mặt hàng nhất định trong phường, cho nên tên của phường cũng là tên mặt hàng chính. Đầu phường có cổng, có đình, chùa và đền riêng, vì bản thân phường cũng xuất thân từ một làng nghề nào đó, có ông tổ nghề, có thần thành hoàng và có cư dân theo Phật giáo.



Chợ trong ngày hội đình. Tư liệu ảnh Bắc Bộ cổ.

Tuy nhiên, vào thời vua Lê, chúa Trịnh, không thuyền buôn nước ngoài nào được phép ghé sát kinh thành, cùng lắm được đỗ ở đồn thủy sông Hồng, mà mọi buôn bán giao dịch lui về phía Phố Hiến. Từ Phố Hiến ra biển hay vào Thăng Long đều có thể đi bằng thuyền trên sông Hồng thuận tiện. Các nước muốn buôn bán có thể lập thương điếm ở Phố Hiến, như thương điếm của Anh, Hà Lan và người Hoa. Có thể nói xây cất phố phường ở Phố Hiến và Hội An trong thế kỷ 17 tốt hơn rất nhiều so với xây cất ở 36 phố phường Thăng Long.

Cho mãi đến thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, những nhà mái lá ở 36 phố phường Thăng Long mới được thay bằng lợp ngói, trên nhà gạch xây theo lối thu hồi, một tầng rưỡi. Tất nhiên thương nhân ngoại quốc giàu có hơn nhà buôn trong nước và buôn bán với ngoại quốc cũng thu về nhiều lợi nhuận hơn. Và tất nhiên dù xây tốt hơn, quy hoạch của Phố Hiến và Hội An cũng chỉ là một tiểu đô thị so với 36 phố phường ở Thăng Long. 

2. Do hai Đàng Trong và Ngoài có nội chiến, nên giao thương coi như không có. Thương nhân Nhật, Hoa và Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vào Hội An, thương nhân Hoa, Anh và Hà Lan thì đến Phố Hiến. Đi theo những thuyền buôn phương Tây luôn có những cha cố truyền đạo Thiên Chúa giáo.

Việc thương mại giữa Việt Nam và phương Tây không hẳn thuận lợi như người ta nghĩ. Các thương nhân phải biếu xén rất phiền toái cho quan lại bản xứ và đặt tiền trước cho người Việt gom hàng, đôi khi mất cả nửa năm trời thương thuyền mới rời cảng được.

Một mặt do tình hình sản xuất trong nước chưa bao giờ đặt ra một nhu cầu cung cấp đều đặn cho hàng xuất khẩu, mặt khác do thói quen lề mề nông dân, nên việc lái thương rơi dần vào tay Hoa kiều, cũng như sau thế kỷ 17 một số thương điếm phương Tây thoái lui. Thương mại ở Hội An nằm trong tay thương nhân Nhật và Hoa, hai dãy phố chính ven sông cũng được gọi là khu phố Nhật Bản và phố người Hoa.

Sự phát triển và suy thoái của Phố Hiến và Hội An có vẻ không làm ảnh hưởng đến kinh doanh của Kẻ Chợ - Thăng Long. Đây là cái chợ mang tính nội địa và nó chưa bao giờ có ý định biến thành một trung tâm thương mại với nước ngoài.

3. Kẻ Chợ lại rất cần nhiều chợ phụ khác cung cấp hàng hóa cho nó, bởi vì dân phường thợ tập trung vào sản xuất đồ tiểu thủ công nghệ, lương thực thực phẩm trông vào sự cung cấp từ bên ngoài.

Chợ Đông Xuân xưa chính là chợ gạo lớn nhất ở Kẻ Chợ, ngoài ra các đầu ô đều có chợ thực phẩm cũng cấp rau hoa quả và thóc gạo, thịt cá, như chợ Bưởi, chợ Cửa Nam, chợ Bạch Mai… Xa hơn nữa ra phía ngoại thành lại có những chợ đầu mối trung chuyển từ các tỉnh và ngoại thành vào Hà Nội. Nếu nghiên cứu cho kỹ, bản thân Kẻ Chợ tự nhiên tạo ra một hệ thống nhiều chợ từ ngoại thành, vào cửa ô, và vào 36 phố phường, ấy là chưa kể một đội ngũ bán hàng rong cung cấp những nhu cầu ăn uống tại chỗ.

Cái chợ thoạt tiên mang tính thương mại, rồi dần dần tùy theo cách thức mà người ta tới chợ mà mang tính văn hóa nhất định. Có chợ thuần túy là buôn bán, có chợ là nơi giao lưu vui chơi, có chợ cho người lớn, có chợ cho trẻ con (chợ Trung Thu, hàng mã). Người ta đến chợ để thấy mình có mặt trong cuộc sống, mà lại không có gì quan trọng cả. Nên có câu: Có cô thì chợ cũng đông/ Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.

(*) Tiếp theo kỳ 1, 2 trên TT&VH số ra ngày 10/6 và 17/6

 Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm