(TT&VH) - Nghệ nhân tranh dân gian làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh TT - Huế) Kỳ Hữu Phước cho biết, Trung tâm Khuyến công tỉnh TT-Huế vừa đồng ý “Đề án thiết kế bản mẫu mới sản xuất các sản phẩm tranh làng Sình phục vụ du lịch” do cơ sở ông đề xuất.
Đề án có tổng giá trị đầu tư hơn 33 triệu đồng, khoảng ½ số kinh phí được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công năm 2009. Theo đó, có 9 bản khắc thuộc 4 mẫu mới mô phỏng các hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu của Huế bao gồm: 4 bản tranh về vật làng Sình; 2 bản về trò chơi kéo co; 2 bản về trò chơi bị mắt bắt dê; 1 bản về chơi bài chòi. “Sau khi lấy ý kiến của các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, người dân làng Sình... các mẫu mới dự kiến ra mắt tại Festival nghề truyền thống Huế 2009. Tương lai, bộ tranh này sẽ được phát triển rộng rãi trong làng Sình khi đã tìm được đầu ra trên thị trường”.
Tranh làng Sình thuộc dòng tranh thờ cúng xuất hiện từ 400 năm trước gắn với cư dân nền văn minh lúa nước. Loại tranh này hiện vẫn phổ biến trong các nghi thức tế, lễ, cúng ở các tỉnh miền Trung, nhiều nhất vẫn là Huế. Ông Kỳ Hữu Phước là truyền nhân về chế tác bản khắc tranh làng Sình còn lại tại Huế. Những bản khắc cổ đã được ông bảo quản bằng cách chôn dưới hầm sâu. Tranh làng Sình hiện còn 42 bản (6 bộ): 12 con giáp, bát âm, thế mạng... Tại Festival 2004, quy trình in tranh làng Sình lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước, sau đó tham gia nhiều đợt triển lãm nghệ thuật với hoa giấy Thanh Tiên, triển lãm giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống...
Khang An