Trần Hùng John: Muốn nhập quốc tịch Việt

23/08/2013 14:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trở lại Hà Nội từ 2 tuần trước sau khoảng 2 tháng về Mỹ, Hùng John trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, tiết lộ kế hoạch xuyên Việt lần 3 sắp tới.

Sắp tới Hùng sẽ đi xuyên Việt lần thứ 3 để giới thiệu sách John đi tìm Hùng, dự kiến đầu tháng 9 khởi hành. Song song với chuyến đi là cuộc thi viết trên facebook về ước mơ để tìm ra 3 bạn trẻ đồng hành cùng Hùng.

* Hãy bắt đầu bằng việc khiến cuộc sống của anh thay đổi không ít: đề thi đại học năm nay về tính “tiên phong” của người Việt, xuất phát từ một câu bạn viết trong sách John đi tìm Hùng. Thực ra, bản thân anh chưa có cơ hội diễn giải ý của mình, chỉ được trích dẫn mỗi một câu. Gốc gác của câu nói là sao?

- Tôi nghĩ đến tính tiên phong sau khi gặp một người anh tên là Quý ở Hà Tĩnh. Anh quyết định bỏ việc ở một công ty tư nhân, lương từ 5-7 triệu đồng, về làm nông dân, nay thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Nhưng trong cả xã chỉ có mình anh Quý dám làm như vậy, những người không thành công như anh lại ghen ghét và quấy phá, khiến anh phải xây tường cao để bảo vệ ngôi nhà của mình.

Khi tranh luận, nhiều người đưa ra dẫn chứng người Việt tiên phong trong quá khứ, nhưng tôi muốn nói về hiện tại và giới trẻ. Nêu ra những tấm gương số ít trong xã hội mà mỗi người tự mình tiên phong thì tiên phong mới có thể chiếm số đông.


Trần Hùng John trong chuyến đi tình nguyện ở Hà Nội tuần trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

* Hình như anh có thiện cảm với người nông thôn hơn là người thành thị?

- Đúng thế. Sau khi đi dọc Việt Nam, tôi khẳng định 95% người dân sẵn sàng giúp đỡ những người như tôi, trong số đó có rất nhiều nông dân. Còn ở thành thị, tôi hơi buồn khi thấy giới trẻ quá quan tâm đến văn hóa nước ngoài mà không màng đến văn hóa Việt.

Người thành phố cũng tò mò về người nước ngoài. Các trung tâm dạy ngoại ngữ ở Việt Nam thích thuê những người tóc vàng, mắt xanh, dù chưa chắc họ dạy tốt, đơn giản vì người Việt muốn học người nước ngoài. Trong khi đó, đa số bạn bè giỏi tiếng Anh của tôi đều học thầy cô người Việt, thậm chí tự học.

* Vậy anh cũng không có ấn tượng tốt về người nước ngoài ở đây?

- Mọi người cứ tưởng tôi có nhiều bạn bè nước ngoài ở Hà Nội lắm, nhưng không phải. Bạn tôi hầu hết là người Việt, thậm chí tôi còn tìm chơi với những bạn không biết tiếng Anh để luyện tiếng Việt. Còn người nước ngoài, nói thật tôi không thích “Tây ba lô”. Đa số đến đây dạy tiếng Anh, đi chơi, tiêu rất ít tiền và hầu như không đóng góp gì cả, họ lợi dụng sự hiếu khách của người Việt. Tôi tránh tiếp xúc với họ.

* Anh có biết Joe Ruelle, blogger người Canada mà giới trẻ Việt yêu thích không?

- À, anh “Dâu Tây”. Đó là một người đặc biệt, thực sự sống và học tiếng Việt, thông minh và suy ngẫm sâu sắc về Việt Nam. Ngoài ra, anh còn làm từ thiện nữa.

Một người nước ngoài quen tôi rất muốn làm ca sĩ ở đây. Tôi bực mình vì thấy họ lợi dụng lòng hiếu khách của người Việt để có danh tiếng.

* Tại sao giọng nói của anh pha trộn đủ chất Bắc, Trung, Nam vậy?

- Bà và mẹ tôi ở Mỹ nói giọng miền Nam, còn tôi khi sang đây học tiếng Việt lại học theo giọng Bắc. Trong những lần đi xuyên Việt, tôi nói chuyện với nhiều người miền Trung nên cũng nói được giọng miền Trung. Khi nói chuyện với người miền Trung tôi cũng tự động lái sang giọng đó và nói “mô”, “chi”… (cười).

Tôi đã qua thời băn khoăn "Thế nào mới là Việt Nam?" và rất thích thú với sự đa dạng ở mỗi vùng miền.

* Anh không vui lắm khi đến giờ mà một số tờ báo Việt Nam vẫn viết tên anh không có dấu: Tran Hung John?

- Đúng vậy. Tôi không muốn tại quê hương, mọi người vẫn coi mình như người nước ngoài. Tôi nghĩ, nếu Việt Nam không có chiến tranh thì tôi chắc chắn đã sinh ra, lớn lên ở đây như một người Việt thực thụ. Hiện tại tôi vẫn mang quốc tịch Mỹ nhưng đang tìm hiểu việc nhập quốc tịch Việt Nam.

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm