08/12/2013 13:31 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà sưu tầm Thái Lan Tira Vanichtheeranont đã làm gì để thuyết phục ông Tô Ngọc Thành, con họa sĩ Tô Ngọc Vân, bán 380 bức ký họa của cha cho một người nước ngoài như ông? Đó là lời hứa làm một cuốn sách.
Cuốn sách ảnh kèm chú thích chi tiết do nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, một người quen lâu năm của ông Tira, biên soạn cùng các cộng sự. Sách công phu, to đẹp, in trên giấy màu, ra mắt chiều 6/12 tại L’Espace, Hà Nội, mang tên Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954.
Văn hóa quan trọng hơn mọi sự bán mua
Toàn bộ tranh in trong sách, 380 bức, là ký họa của Tô Ngọc Vân thuộc bản quyền của Tira Vanichtheeranont. Sách không đề giá bán, chỉ để tặng. Hôm ra mắt, có gần 50 cuốn sách được mang đến để tặng cho những người đến sớm nhất.
Cuốn sách Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954. Ảnh: Mi Ly.
“Trong công việc của tôi, trao đổi văn hóa quan trọng hơn mọi sự bán mua” - ông Tira Vanichtheeranont phát biểu trong buổi ra mắt. “Cuốn sách là một tài liệu quan trọng đối với hội họa Việt Nam. Việc xuất bản cũng là để giới thiệu về Tô Ngọc Vân và hội họa Việt Nam”.
Trong sách, có 8 bức ký họa Tô Ngọc Vân vẽ cô Sáu - nhân vật trong bức tranh nổi tiếng Thiếu nữ bên hoa huệ của ông. Cô Sáu đẹp nổi tiếng một thời là “nàng thơ” quen thuộc của Tô Ngọc Vân, nhưng theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, tay của thiếu nữ trong bức tranh hoa huệ lại là của cô Thăng - một người mẫu khác. Cô Thăng có bàn tay và bàn chân rất đẹp, được họa sĩ vẽ rất nhiều.
Tô Ngọc Vân vẽ nông dân
Trả lời câu hỏi của nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành “Tại sao lại gắn cụm từ “Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam” với tranh Tô Ngọc Vân?”, người biên soạn cuốn sách, ông Phan Cẩm Thượng cho biết: “Lâu nay tôi vẫn tìm kiếm một tác giả mà tác phẩm của người đó cho tôi hiểu được bộ mặt xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 và bộ tranh ký họa này của Tô Ngọc Vân đã làm được điều đó. Vì thế, ở đây tôi dùng từ tấm gương”.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, người biên soạn sách (trái) và ông Tira Vanichtheeranont, chủ bộ sưu tập tranh. Ảnh: Ngô Vương Anh. |
Về sau, ông đi sơ tán ở Sơn Tây, rồi lên Xuân Áng - Phú Thọ, rồi ông lên Việt Bắc vẽ Bác Hồ và bộ đội, sau này vẽ cải cách ruộng đất ở Ninh Dân, Phú Thọ và Thái Nguyên, rồi lên Điện Biên Phủ. “Đến một ngày ông phải thay đổi, phải nhìn rộng ra cuộc sống, còn có nhiều cái để vẽ, hơn là chỉ vẻ đẹp của phụ nữ” - Phan Cẩm Thượng nhận định.
Nhà nghiên cứu cho rằng, Tô Ngọc Vân đến với đề tài người nông dân và cách mạng là do “bản năng nghệ sĩ mách bảo ông phải làm điều gì đó lớn lao hơn”. “Ông nhận ra rằng vẽ người nông dân mới thể hiện đúng bộ mặt xã hội đương thời” - nhà nghiên cứu nói.
“Viết ra cuốn sách này, tôi thấy buồn, chẳng thấy vui. Tiếc là họa sĩ Tô Ngọc Vân đã không sống lâu hơn để biến những bức ký họa đó thành các bức tranh hoàn chỉnh. Ngày nay, chúng tôi có thể dễ dàng mua 1 tạ sơn dầu, còn ngày trước ông chỉ có cuốn sổ và cây bút, nhưng vẫn vẽ nên những tác phẩm có ý nghĩa với dân tộc” - tâm sự của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Tô Ngọc Vân và ao ước “sánh vai 5 châu” Trong cuốn sách, có 2 bức thư Tô Ngọc Vân gửi 2 danh họa Picasso và Matisse (ông gọi họ là “họa sư”), viết năm 1951. Trong thư, họa sĩ Việt Nam gửi lời đề nghị 2 họa sư quốc tế góp ý để nền hội họa Việt Nam tiếp cận tinh hoa thế giới. “Ông luôn khuyến khích các đồng nghiệp sử dụng kỹ năng để làm nên cuộc cách tân thị giác trong nước” - GS Nora Taylor thuộc Học viện Nghệ thuật Chicago, người có nhiều năm nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, viết trong sách. “Những ký họa của Tô Ngọc Vân cho thấy khía cạnh con người trong cuộc cách tân đó. Những đường nét của ông tao nhã và tinh tế nhưng không quá bóng bẩy”. |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất