Phim 'Yêu đi, đừng sợ'!: Xem đi, đừng tiếc!

29/08/2017 06:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau hai phim độc lập Cú và chim se sẻ, Sài Gòn yo!, đạo diễn Stephane Gauger trở lại với phim thương mại Yêu đi, đừng sợ! (làm lại từ tác phẩm Spellbound của Hàn Quốc). Và không ít người đã e dè khi nghĩ tới việc mua vé vào xem bộ phim nay.

1. Sự e dè ấy đến từ cú chuyển hướng bất ngờ của một đạo diễn phim độc lập, cộng thêm sự thất bại mới nhất của một bộ phim làm lại khác là  Sắc đẹp ngàn cân. Vậy nhưng, khi xem xong phim có thể nói Stephane Gauger đã không làm cho khán giả cảm thấy tiếc tiền và tiếc thời giờ vì đã đến rạp ủng hộ một phim Việt.

Phim Spellbound đã chiếu tại Việt Nam cách đây 6 năm với tựa Lời nguyền tình yêu, nay tái ngộ khán giả Việt qua phiên bản Việt hóa có tên Yêu đi, đừng sợ! Phim xoay quanh chuyện tình éo le, pha chút rùng rợn, của ảo thuật gia Tùng và Phương - cô gái có khả năng nhìn thấy ma.

Chú thích ảnh
Nhã Phương và Ngô Kiến Huy vào hai vai chính trong “Yêu đi, đừng sợ!”

Tình cờ chạm trán với Phương khi đang biểu diễn một tiết mục ảo thuật trên đường phố, vẻ lạnh lùng, bí ẩn của cô nàng gây chú ý, khiến Tùng tò mò đi theo, rồi mời Phương về cộng tác trong những tiết mục ảo thuật. Dù làm việc với nhau đã lâu nhưng Phương vẫn giữ thái độ xa cách với mọi người, chỉ sau một lần theo Phương về nhà cô, Tùng mới phát hiện ra lý do của sự lập dị ấy. Khi tình cảm giữa Tùng và Phương bắt đầu nảy sinh thì cũng là lúc những người xung quanh Phương như Tùng, Trang “Ú”, Diễm… gặp ma.

Điểm đáng chú nhất ở Yêu đi, đừng sợ! là tổng thể phim tạo được cảm xúc riêng, chứ không chỉ “sao y bản chánh” đến mức vô hồn. Làm được điều này, đạo diễn đã có cách kể, cách dựng phim mạch lạc, cùng vài sáng tạo nho nhỏ khá hợp lý. Chẳng hạn việc “chế” thêm nhân vật anh bạn học, người yêu của Vân - hồn ma đeo bám Phương - giúp nút thắt câu chuyện được giải mã dễ hiểu, có tình có lý hơn cách lý giải ở bản gốc.

Bên cạnh đó, dàn diễn viên cũng góp phần chuyển tải cảm xúc nhân vật đến khán giả. Nữ chính Nhã Phương cũng có sở trường đóng “đào thương” giống như “nữ hoàng nước mắt” Son Ye Jin - người thủ vai nữ chính Yeo Ri trong bản gốc Spellbound. Xuyên suốt, Nhã Phương đã nhập vai khá hợp, chỉ trừ những đoạn diễn say xỉn ngắn, cô thể hiện còn hơi gượng. Kiều Minh Tuấn tiếp tục chứng tỏ phong độ diễn xuất, dù nhân vật Phúc - bạn thân, kiêm quản lý của Tùng - chỉ xuất hiện mang tính phụ họa.

Tuy nhiên, nhân tố gây bất ngờ nhất lại là Ái Phương (vai Diễm), với lối diễn tưng tửng, rất duyên. Chỉ xuất hiện vài phân cảnh, chủ yếu diễn qua điện thoại, nhưng từng câu nói và biểu cảm của nữ ca sĩ - người mẫu này đều làm người xem phải bật cười.

Với một chuyện tình lãng mạn như Yêu đi, đừng sợ! thì âm nhạc cũng là yếu tố quan trọng để nâng cảm xúc người xem, và phiên bản Việt xử lý ấn tượng hơn cả bản gốc. Có thể dự báo sau khi phim ra rạp, ca khúc chủ đề Yêu đi, đừng sợ! với phần thể hiện ngọt ngào, ấm áp của Only C không khó để trở nên ăn khách.

Đạo diễn Stephane Gauger và hành trình 'yêu đi, đừng sợ!'

Đạo diễn Stephane Gauger và hành trình 'yêu đi, đừng sợ!'

Từng gây ấn tượng với người xem bằng hai phim đậm chất Việt là 'Cú và chim se sẻ' (2007), 'Sài Gòn yo!' (2011), nay Stephane Gauger bất ngờ trở lại Việt Nam bằng một phim phái sinh (remake) từ kịch bản của Hàn Quốc, có tên 'Yêu đi, đừng sợ!', công chiếu từ ngày 25/8.

2. Bên cạnh những điểm sáng kể trên, phiên bản Việt tất nhiên vẫn còn một số điểm chưa thật thuyết phục, vì còn quá câu nệ bản gốc.

 Ví dụ như chi tiết Phương muốn giấu danh tính khi gọi đến công an để báo án, nhưng lại sử dụng điện thoại di động sẵn có. Hoặc khán giả cũng sẽ khó hiểu khi Trang cứ bị gọi là Trang “Ú”, trong khi cô suốt ngày tập thể dục và thân hình khá mi nhon. Trong bản gốc thì hoàn toàn có thể gọi là ú được, vì diễn viên đó có thân hình quá khổ. Bối cảnh hai cha con bị tai nạn xe mà Phương giúp đỡ cũng chưa thật hợp lý, nếu so với không gian sống và đường phố của Việt Nam.

Đây là phim Việt hóa thứ 4, sau Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp, và Sắc đẹp ngàn cân. Tuy chưa mang nhiều yếu tố Việt như Em là bà nội của anh, nhưng nhìn chung Yêu đi, đừng sợ! đã khá tự nhiên, mượt mà, không đến nỗi là một phim ngoại nói tiếng Việt. Bản làm lại ít nhất cũng có màu sắc riêng: ấm áp hơn, nhiều tiếng cười hơn, dễ phù hợp với tâm lý thị hiếu khán giả Việt.

Đây có lẽ sẽ là một khích lệ với các nhà làm phim đang theo đuổi dòng phim làm lại (remake) tại Việt Nam.

Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm