28/02/2013 07:34 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Bước ra từ hội thảo Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba vào tối 26/2 tại IDECAF (TP.HCM), nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn nhận xét một câu ngắn gọn, nhưng rất xác đáng: “Một di sản ngặt nghèo”, vì có quá nhiều vấn đề để bàn. Song hành cùng hội thảo này là triển lãm cùng tên, sẽ kéo dài đến ngày 6/4/2013.
Cuộc hội thảo do GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam) điều hành, các diễn giả là những nhà nghiên cứu tên tuổi như Philippe Papin (Trường Cao học thực hành Paris), Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội) và Pascal Bourdeaux (Viện Viễn Đông Bác cổ tại TP.HCM); thu hút khoảng 250 thính giả tham dự, nhiều người làm việc trong giới nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật.
Các diễn giả đề cập đa dạng về diện mạo dân gian, từ vẽ tay, mộc bản, tô màu… cho tới tính thẩm mỹ, quan niệm nghệ thuật và các phương cách kỹ thuật đặc thù khác. Trong đó tiêu điểm thứ nhì là bộ sưu tập của Maurice Durand, mà rất nhiều tranh đã trở thành đại diện cho các làng nghề bị thất truyền; còn tiêu điểm nhất thuộc về bản thảo tranh tô màu Lục Vân Tiên, được phát hiện sau khoảng 120 năm quên lãng.
Một trang bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên |
Bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên thực hiện vào cuối thế kỷ 19, nhưng vì nhiều nguyên do, sách chỉ nằm yên trong thư viện ở Pháp, chưa bao giờ được xuất bản, ngày 30/9/2011 được phát hiện, nên đây là cuộc tái ngộ sau gần 120 năm. Đồng phát hiện và chịu trách nhiệm nghiên cứu trực tiếp bản thảo này là Pascal Bourdeaux nói rằng “của người Việt trả về cho người Việt”, nên anh và viện đang có nỗ lực để xuất bản tác phẩm này.
Bản thảo gần 300 trang, hơn 1.000 tranh vẽ này do Eugene Gibert đặt hàng một nghệ nhân (hoặc họa sĩ) có tên viết ngoài bìa là Lê Đúi Trạch vẽ, trong khoảng 1895-1897; theo cách phát âm cổ của người Huế, “đối” cũng hay đọc thành “đúi”, nên có thể người này có tên là Lê Đối Trạch.
Nếu bản thảo này được nghiên cứu bài bản sẽ là một phản biện rất thú vị với luận điệu “phần lớn tranh dân gian Việt Nam phỏng theo tranh Tàu”. Mới nhìn các tranh dân gian phục vụ thờ cúng, tranh vẽ các vị thần tiên, Phật, thần tài thổ địa, phúc lộc thọ… nói chung có tính điển phạm, thì khá giống. Nhưng bộ phận tranh sinh hoạt, văn hóa nghệ thuật thì không phải như vậy, mà phong cách vẽ trong bản thảo Lục Vân Tiên là một minh chứng khá rõ. Bảo thảo cũng là một cứ liệu tiền phong về nghệ thuật truyện tranh của Việt Nam thời kỳ đầu.
Trong sách Tranh dân gian Việt Nam bằng tiếng Anh, nhà sử học Đào Hùng từng nhận định: “Tranh minh họa các câu chuyện lịch sử của người Việt là loại tranh thuần túy bản địa, ít chịu ảnh hưởng của các dòng tranh nước ngoài. Đó là những tranh chọn lọc các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (thế kỷ 1 sau CN), của Bà Triệu (thế kỷ 3), trận thủy chiến của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (thế kỷ 10)… Những tranh này cũng thường được treo vào ngày Tết để nhắc nhở đến truyền thống của cha ông. Thuộc dòng tranh này còn có những tranh minh họa một số cảnh trong các truyện Nôm của người Việt như Truyện Kiều, Trê cóc, Nhị độ mai (mai nở hai lần)…”.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất