(TT&VH) - Hai lần dự LHP Cannes, đạo diễn Hàn Quốc Park Chan Wook đều đoạt giải. Ở LHP Cannes năm nay (vừa bế mạc hôm 24/5), ông được trao Giải thưởng của Ban giám khảo cho bộ phim rùng rợn về ma cà rồng Thirst.
Park Chan Wook tự tin với tác phẩm của mình nên ông không hề e ngại khi được mời tham gia cuộc đua tranh với các đạo diễn xuất sắc nhất thế giới. Tuy vậy, Park lại không dám chắc rằng phim của ông có nhận được sự ủng hộ từ phía khán giả hay không. Thế nên, sau khi Thirst nhận được sự tán thưởng của công chúng tại Cannes thì Park quả quyết đó mới thực sự là giải thưởng dành cho ông. “Cứ như thể tôi nhận được cả thảy ba giải thưởng vậy”, Park bộc bạch, “Bên cạnh các giải thưởng, tôi chỉ cầu mong rằng khán giả đừng chế nhạo phim của mình hay rời rạp giữa chừng. Tôi thực sự hạnh phúc khi thấy khán giả thích tác phẩm điện ảnh của mình. Lúc đó, tôi bối rối đến mức muốn chạy ra ngoài”.
Từng được trao Giải thưởng Lớn tại LHP Cannes năm 2004 với Oldboy, Park tiếp tục củng cố vị thế của một đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng quốc tế khi năm nay lại nhận Giải thưởng của Ban giám khảo. Khi được hỏi liệu ông có thấy buồn vì chưa thể đoạt giải cao hơn ở LHP Cannes, Park cười và nói: “Các con ma cà rồng không thể hút máu của mọi người mà chúng muốn. Mặc dù các cấp độ giải thưởng cũng là vấn đề, nhưng đơn giản tôi thấy hạnh phúc khi được gia nhập hàng ngũ những nhà làm phim đoạt giải, đặc biệt ở LHP Cannes lần thứ 62, bởi năm nay có nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng hàng đầu tham dự cuộc đua. Tôi là một nhà làm phim tuổi trung niên ở Hàn Quốc nhưng tại LHP Cannes, mọi người đều nghĩ tôi còn trẻ”.
Cảnh trong phim Thirst
Giải thưởng mà Thirst đạt được tại LHP Cannes thực sự đã gieo thêm niềm tin vào công cuộc phục hồi nền công nghiệp điện ảnh nội địa đang đình trệ ở xứ sở kim chi. “Thời gian gần đây, phim Hàn Quốc không gây được nhiều sự quan tâm của công chúng. Tôi tin là Thirst cùng với phim Mother của đạo diễn Bong Joon Ho sẽ giúp điện ảnh nước mình tạo được ảnh hưởng lớn hơn”, Park cho biết. Giải thưởng của Thirst có ý nghĩa đặc biệt đối với đạo diễn Park. Ông nói rằng 3 bộ phim mang đề tài báo thù của mình (Sympathy For Mr. Vengeance, Oldboy và Sympathy For Lady Vengeance) có thể coi như một bữa ăn chính, còn phim I’m A Cyborg, But That’s OK (2006) tiếp theo đó giống như chiếc bánh ngọt tráng miệng và giờ đây Thirst - cũng đầy bạo lực - là lúc ăn xong chiếc bánh và thanh toán hóa đơn.
10 PHIM ĂN KHÁCH NHẤT BẮC MỸ CUỐI TUẦN QUA
1. Up: 68,2 triệu USD 2. Night At The Museum: Battle Of The Smithsonian: 25,5 triệu USD 3. Drag Me To Hell: 16,6 triệu USD 4. Terminator Salvation: 16,1 triệu USD 5. Star Trek: 12,8 triệu USD 6. Angels & Demons: 11,2 triệu USD 7. Dance Flick: 4,9 triệu USD 8. X-Men Origins: Wolverine: 3,9 triệu USD 9. Ghosts Of Girlfriends Past: 1,9 triệu USD 10. Obsessed: 665.000 USD
|
Nói như vậy, dường như Park đã bắt đầu “chán” những bộ phim bạo lực với các nhân vật dị thường. Có lẽ vì thế trong dự án phim tiếp theo của mình, đạo diễn này muốn mô tả những người dân thường trong một câu chuyện gần gũi với cuộc sống thực tế. “Với suy nghĩ đó, tôi muốn thử làm phim Viễn Tây. Tôi đề nghị các hãng phim Hollywood gửi cho những kịch bản hay vì tôi muốn thực hiện một bộ phim về sự hình thành của nước Mỹ”, ông nói.
Có tham vọng như vậy nhưng Park lại không đặt mục tiêu thâm nhập Hollywood lên hàng đầu. Ông giải thích: “Miễn là có ý tưởng hay, tôi có thể sẵn sàng tới quay phim ở Bangladesh. Do không chỉ dồn hứng thú làm phim bom tấn vì vậy Hollywood không phải là mục tiêu hàng đầu của tôi”.
Lương Tuấn Vĩ