NSND Bùi Bài Bình: '60 tuổi rồi, đóng phim dài tập lời vẫn thuộc vanh vách'

29/11/2016 07:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Điện ảnh và truyền hình đã có thời kì “bỏ rơi” những nghệ sĩ như NSND Bùi Bài Bình. Nhưng rồi trong cái guồng quay kinh khủng ấy, người ta buộc phải tìm về những diễn viên gạo cội. Những bộ phim truyền hình hiện tại nếu không có những nghệ sĩ gạo cội làm trụ cột, khán giả cũng chẳng biết xem gì, vì diễn viên trẻ giỏi thì ít, người xinh đẹp, diễn hời hợt thì nhiều.

Năm ngoái NSND Bùi Bài Bình tái xuất với bộ phim điện ảnh Nhà tiên tri, trong phim anh thủ vai Bác Hồ. Năm nay anh đóng hai phim truyền hình Chuyện tình bên đồng hoa tam giácChiều ngang qua phố cũ.

Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với NSND Bùi Bài Bình.

* Diễn viên bây giờ ngoài 30 cũng đã phải tính kế lâu dài khi những vai diễn ít dần. Còn thế hệ của anh chắc hẳn đã quá thấm sự ngắn ngủi của cái nghề này?

- Như mọi người vẫn nói nghề phim ảnh rất khắc nghiệt. Làm nghề này ít nhất phải có năng khiếu, sau nữa phải lao động liên tục để trau dồi và phải nắm bắt được thời cơ. Các em trẻ bây giờ có nhiều cơ hội hơn chúng tôi. Nhưng đến giờ làm nghề này vẫn ít người nuôi được bản thân lắm. Tôi đã dạy nhiều khóa diễn xuất tại Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình (VFC) thì nhiều em nữ năng động chuyển sang làm MC, ca hát thu nhập tốt hơn, còn lại nếu kiếm được anh chồng giàu là bỏ nghề luôn.

Cả hai vợ chồng tôi đều là diễn viên (vợ NSND Bùi Bài Bình là diễn viên Đặng Ngọc Thu - PV), nhà có hai đứa con, không phải nuôi cha mẹ già nhưng để sống ổn cũng phải làm thêm.


NSND Bùi Bài Bình trong phim “Chiều ngang qua phố cũ” lên sóng vào 20h45 thứ Năm, thứ Sáu hằng tuần trên VTV1, bắt đầu từ 2/12/2016.

* Một nghệ sĩ phải bươn chải bên ngoài, hỏi thật trong những năm tháng qua anh có thấy khổ tâm không?

-  Tấm lòng của mình với điện ảnh là sinh nghề tử nghiệp, đã học là phải làm đến nơi đến chốn, nhưng để có phim hay, vai đàng hoàng là cả sự lao động, hy sinh. Những phim tôi đóng ngày xưa từ năm 1970 đến 1990 không có tiền cát sê, mà mình hưởng lương nhà nước.

Sau này truyền hình phát triển mới có cát sê, nhưng chẳng được bao nhiêu. Có năm làm vài chục tập, có năm chẳng làm được tập nào. Kể cả mới đây đóng vai Bác Hồ, cát sê chẳng được bao nhiêu, nhưng được cái sung sướng vì được làm nghề. Năm 1990 khi điện ảnh đi xuống, truyền hình chưa phát triển, tôi đã bỏ đóng phim gần 10 năm và đi làm ăn.

* Nghệ sĩ làm ăn thế nào?

- Nghệ sĩ làm ăn thua nhiều, vì người ta 1 + 1 bằng 2, nghệ sĩ 1 + 1 có thể bằng 3, bằng 5. May mắn là tôi có một số người bạn tốt ở nước ngoài bày cách làm ăn cho hai vợ chồng. Chúng tôi làm bằng mồ hôi nước mắt chứ không đi xin.

Phim 'Nhà tiên tri' của đạo diễn Vương Đức tham dự LHP Quốc tế Moskva

Phim 'Nhà tiên tri' của đạo diễn Vương Đức tham dự LHP Quốc tế Moskva

Tại Liên hoan phim Matxcơva, công chúng thể xem bộ phim do Việt Nam sản xuất. Ngày thứ sáu 24/06 và và thứ tư 29/06, sẽ trình chiếu bộ phim "Nhà tiên tri" của đạo diễn Vương Đức.


Có thời gian tôi trông khách sạn, có thời gian chuyển hàng đi nước ngoài, đủ thứ, cái gì cũng làm. Chúng tôi có mở một quán cà phê từ năm 1990 đến giờ, nhờ Giời sống ổn. Con trai lớn đã kiếm được tiền, cậu thứ hai đang học năm thứ hai lớp Đạo diễn, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Tất nhiên lo cho con, lo cả đời. Nó ra trường xin việc lại lo chuyện vợ con, lo xem sau này gia đình nó thuận hòa êm ấm không, nó lủng củng cũng chết mình.

* Khi anh quay trở lại đóng phim, cách làm phim cũng đã khác, anh có phải thích nghi nhiều?

- Thực ra tôi không bỡ ngỡ, cho đến giờ phút này tôi 60 tuổi rồi, đóng phim dài tập, lời vẫn thuộc vanh vách. Tôi đi làm phó đạo diễn thì thấy các diễn viên trẻ giờ không thuộc lời, kịch bản chỉ xem qua loa. Điều đó rất tai hại, vì không thuộc thì không thể diễn. Nhưng môi trường bây giờ xô bồ, mọi thứ cứ cuốn đi phăng phăng. Những người không có ý chí, coi công việc này như trò chơi thì diễn như thế. Với thái độ làm việc như vậy thì cái họ gặt về cũng sẽ rất ít ỏi mà thôi.

* Anh có thấy buồn không khi quay trở lại và thấy thế hệ mới có phần kém hơn các anh ngày xưa?

- Nói thật là tôi cũng không buồn và tôi luôn giúp họ. Trong một cảnh phim mà có tới 6 ông diễn viên gạo cội, thì một diễn viên trẻ vào dễ “khớp” lắm. Nên kể cả khi em ấy không diễn được chúng tôi cũng sẽ động viên. Trong nghề này người già nên giúp người trẻ. Bản thân mình cũng học hỏi được nhiều từ người trẻ mà.

* Trong bộ phim sắp phát sóng Chiều ngang qua phố cũ anh thủ vai một người đàn ông Hà Nội, thấy anh có khá nhiều nét tương đồng với vai này…

- Thực ra nhân vật này không khác con người của tôi mấy. Tôi sống hài hòa, có phần đơn giản, không mưu cầu cái gì lớn, không tham lam. Nhân vật này hơi nhu nhược, trong gia đình không quyết được việc gì cả. Tôi thì khác, cuộc đời tôi, tôi rất kiên quyết. Với nghề tôi luôn hết mình và tôi luôn tâm niệm con tôi không thể bị đói khổ.

* Anh có hài lòng với cuộc sống hiện giờ?

- Đương nhiên, cá tính của tôi lúc nào cũng hài lòng. Trời cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, có nhiều tiêu nhiều, ít tiêu ít, chẳng sao. Mình có thể hy sinh, nhưng con cái không được khổ.

Thành công với vai Bác Hồ phim “Nhà tiên tri”

Bùi Bài Bình sinh năm 1956, là một diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Với ngoại hình gầy gò, giản dị thời kỳ đầu đóng phim anh thường được giao vai bộ đội, trí thức. Những phim anh đã đóng: Bức tường không xây, Thị trấn yên tĩnh, Lấy nhau vì tình, Ẩn diện thiền cô… Dù đóng rất nhiều phim nhưng phải đến vai Hòa trong bộ phim điện ảnh Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Bùi Bài Bình mới thực sự tỏa sáng. Với vai diễn này anh được trao giải Diễn viên Nam xuất sắc nhất trong Liên hoan phim lần thứ 13.

Vào những năm 1990 khi điện ảnh đi xuống, Bùi Bài Bình đã nghỉ đóng phim. Đến những năm sau này, anh được các đạo diễn truyền hình mời và gây dấu ấn với một loạt vai phản diện trong phim Hương đất, Gió làng kình, Ma làng. Điều thú vị nhất là sau những vai phản diện này anh được mời vào vai Bác Hồ trong Nhà tiên tri và thể hiện rất thành công.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm