30/03/2017 07:17 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Rất nhiều ý kiến khác nhau đã được các chuyên gia văn hóa, lịch sử và mỹ thuật cùng đưa ra sau thời điểm tác giả Tạ Hồng Quân đề xuất dựng tượng Rùa Vàng tại Hồ Hoàn Kiếm.
Nên thận trọng
Khi xây dựng đề án năm 2011, ông Quân đã lấy ý kiến và nhận được sự tán đồng của một số chuyên gia... Tuy nhiên, khi ý tưởng này được công bố rộng rãi vào tuần qua, phản biện của dư luận khá khác nhau.
Cụ thể, một số ý kiến khẳng định: rằng sự xuất hiện của một tác phẩm mới như tượng Rùa Vàng là không phù hợp với nét cổ kính sẵn có của Hồ Gươm. Do vậy, đề án này không nên được triển khai, hoặc nếu triển khai thì bắt buộc phải dùng chất liệu và màu sắc khác. Chẳng hạn, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng có thể chấp nhận một bức tượng rùa nhỏ bằng đá, với màu xám trầm.
Không gian cổ kính và hài hòa bên Hồ Gươm là một thách thức với ý tưởng đặt thêm tượng Rùa Vàng
Bên cạnh đó, cũng có những chuyên gia cho rằng việc Hồ Gươm vốn đã có Tháp Rùa và tiêu bản cụ rùa tại đền Ngọc Sơn, nên việc dựng thêm một bức tượng Rùa Vàng sẽ gây cảm giác thừa và rối mắt. Hoặc, việc "cụ thể hóa" những thần Kim Qui hay "cụ rùa Hồ Gươm" bằng một bức tượng là kém hấp dẫn hơn so với sự tồn tại hư hư, thực thực của các linh vật này như đã có trong truyền thuyết và quá khứ.
"Không đơn thuần, có thêm một tác phẩm điêu khắc thì Hồ Gươm mặc nhiên sẽ đẹp hơn. Bởi kèm theo bức tượng ấy, ta lại phải tính đến những không gian phụ trợ, hoặc các công trình bổ sung" – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chia sẻ - "Với những không gian nhỏ như Hồ Gươm, có lẽ cách tư duy như người Nhật là thiết thực. Họ chỉ bố trí vài điểm nhấn, còn lại để trống và chờ lượng khách thăm quan tới lấp đầy. Trong khi đó, Hồ Gươm đã có quá nhiều điểm nhấn rồi".
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét thêm: "Từ thời điểm năm 2011 tới nay, cảnh quan Hồ Gươm đã thay đổi nhiều. Cụ thể, không gian này ngày càng bị thu hẹp lại và trở nên nhạy cảm. Do vậy, khi Hà Nội đang triển khai xây dựng quy hoạch quanh Hồ Gươm, tôi nghĩ việc dựng tượng Rùa Vàng phải được bàn thảo rất kĩ".
"Tôi vẫn cho rằng ý tưởng của Quân là tốt và có tính cầu thị cao khi đề nghị cộng đồng cùng tham gia đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, việc đặt những công trình ít nhiều có tính tâm linh tại một khu vực nhạy cảm như vậy cần thận trọng" – ông Quốc nói thêm - "Nếu tìm được giải pháp tốt, chúng ta có thể tạo thêm ra một biểu tượng, làm tăng nội hàm văn hóa sẵn có của Hồ Gươm. Nhưng làm không chuẩn, đó sẽ là những sai sót rất khó khắc phục, mà trường hợp tượng đài Cảm tử quân cạnh đền Bà Kiệu là điển hình".
Tác giả vẫn tiếp tục... lắng nghe
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa vào hôm qua 29/3, tác giả Tạ Hồng Quân cho biết, ông vẫn giữ tinh thần cầu thị và lắng nghe những phản hồi từ dư luận.
"Có những ý kiến phản biện mang tính xây dựng, và cũng có những người chưa nắm rõ thông tin nên hiểu sai về đề án" – ông nói. "Chẳng hạn, chữ Rùa Vàng khiến có người nhầm rằng đây là tượng được đúc bằng vàng, nặng tới 10 tấn. Trong khi đó, tôi chỉ đề xuất đúc tượng đồng, và mạ một lớp vàng lên để giữ màu sắc cho tượng."
Theo lời ông Quân, đề xuất sử dụng chất liệu đồng (thay vì đá) đến từ việc muốn giữ độ bền vững, ổn định và không sứt mẻ theo thời gian của tượng. "Nhiều người quan tâm tới con số 10 tấn đồng. Thật ra đó là con số phù hợp với một bức tượng rất vừa phải. Và xét về giá nguyên liệu, thì thật ra 10 tấn đồng cũng không quá đắt" – ông Quân cho biết thêm - "Tượng theo đề xuất chỉ có chiều dài từ 2,5 mét – 3,5 mét, nghĩa là bằng kích cỡ của một chiếc ô tô Matiz. Kích thước ấy phù hợp với không gian của Hồ Gươm mà không phá vỡ cảnh quan".
Thực tế, mẫu thiết kế trong bản đề án gửi lên lãnh đạo Hà Nội, cũng như những đề xuất về vị trí đặt tượng (ở khu vực đồng hồ Thụy Sỹ hoặc khu vực trước cửa siêu thị Intimex) của ông Quân mới chỉ là những phác họa ban đầu. Do vậy, ông nhấn mạnh về việc mời các chuyên gia và cộng đồng cùng tham gia bàn thảo, góp ý về mẫu thiết kế và vị trí của tượng, trong trường hợp đề xuất được thông qua.
"Tôi được biết, Hà Nội đang xây dựng bản quy hoạch chung về không gian quanh Hồ Gươm. Đây chính là thời điểm thích hợp, để chúng ta cùng cân nhắc việc có nên đặt tượng Rùa Vàng tại Hồ Gươm hay không?" – ông nói. "Là một công dân Hà Nội và gắn bó với Thủ đô nhiều năm, đề xuất của tôi đơn thuần chỉ đến từ tình yêu với văn hóa Hà Nội".
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất