Nhạc sĩ Quốc Trung: Độ choáng chưa dừng lại ở Hoàng Thùy Linh, Tóc Tiên...

19/08/2015 06:50 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Được đánh giá thành công ngay từ mùa đầu tiên trên mọi phương diện, từ công chúng, giới chuyên môn âm nhạc tới giải thưởng Chương trình của năm (Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần 10), cơn “gió mùa” của Monsoon Music Festival sớm trở lại trong mùa Thu này.

Quy tụ hơn 200 nghệ sĩ, tham gia biểu diễn trong 4 đêm từ 8 – 11/10 tại Hoàng Thành Thăng Long, với những gương mặt đáng chú ý như Tóc Tiên, Hoàng Thùy Linh, Tiên Tiên, Phạm Anh Khoa, Đông Hùng, Tạ Quang Thắng (Việt Nam), WhoMadeWho (Đan Mạch), Samaris (Iceland), Catfish (Pháp), From The Airport (Hàn Quốc)... đây chính là nỗ lực tiếp tục đem đến sự đa dạng văn hóa trong lễ hội âm nhạc này.

Nhạc sĩ Quốc Trung, tổng đạo diễn chương trình đã có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa về Monsoon Music Festival 2015 (MMF).


Nhạc sĩ Quốc Trung

* Từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa về sự trở lại sẽ có thể gây "choáng" của MMF 2015. Lời bật mí đó của anh cho đến giờ này, chắc sẽ không chỉ là sự xuất hiện của những cô nàng nóng bỏng cả về hình ảnh và âm nhạc như Tóc Tiên, Hoàng Thùy Linh chứ?

- Một festival âm nhạc cần nhất là một không khí lễ hội được tạo nên bởi âm nhạc chứ không phải bằng hình ảnh. Năm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng mang đến cho khán giả những nghệ sĩ tài năng, những phong cách âm nhạc đa dạng và văn minh của thế giới. Đây cũng là cơ hội cọ xát giao thoa cho những nghệ sĩ trẻ Việt Nam - những người thật sự có khát vọng nghệ thuật. Và vì thế, mức độ "choáng" chưa dừng lại ở đây đâu!

* Vậy anh đánh giá về những gương mặt nghệ sĩ – những dự án âm nhạc sẽ xuất hiện trong MMF như thế nào?

- Vẫn còn sớm để tôi có thể công bố thông tin về các dự án của nghệ sĩ nhưng tôi muốn đặt những áp lực và sự tin tưởng lên các nghệ sĩ trẻ có khát vọng để họ vươn lên và phát huy được hết khả năng của mình.

MMF không phải là một cuộc thi để mang lại tên tuổi nhưng là nơi các nghệ sĩ được thoả sức sáng tạo, là nơi khán giả đón nhận cái mới của nghệ sĩ và là nơi nghệ sĩ biết được mình làm được gì và cần làm gì cho khán giả. Tôi nhận được rất nhiều sự đồng lòng của các nghệ sĩ và tôi hy vọng MMF sẽ là một bệ phóng cho sự sáng tạo của các nghệ sĩ tham gia.


Ca sĩ Hoàng Thùy Linh, gương mặt tham gia Monsoon Music Festival 2015

* Anh từng chia sẻ, một trong những giá trị khi thực hiện festival là định hướng về nghệ thuật thông qua việc giới thiệu những gương mặt nổi trội trong năm, những dự án âm nhạc mới và luôn luôn kèm theo những nghệ sĩ triển vọng. Qua một mùa, “trọng trách” định hướng nghệ thuật cho khán giả của các nghệ sĩ đã diễn ra đến đâu?

- Định hướng với khán giả ở đây là "gieo mầm" những cái mới, những sáng tạo mới để tương lại xây dựng được khán giả cho mình. Những gì chúng tôi đang làm là để cho khán giả thấy sự đa dạng của âm nhạc và sự phong phú của các nền văn hoá.

Nó không nghèo nàn và nhàm chán như những gì chúng ta đang có và đang làm. Nghệ sĩ trẻ của Việt Nam cũng sẽ có thêm cảm hứng, sự tự tin, hiểu biết để đi trên con đường sáng tạo của mình.

* Năm ngoái, MMF 2014 được đánh giá là khá thành công nhưng điều đó không có nghĩa là làm vừa lòng tất cả mọi người. Có ý kiến cho rằng thành công của lễ hội là sự đón nhận của khán giả với âm nhạc và các nghệ sĩ quốc tế hơn là với các nghệ sĩ Việt. Riêng anh, anh nghĩ sao về thành công của mùa lễ hội trước?

- Âm nhạc đa dạng thì ý kiến cũng sẽ rất đa dạng. Tôi không thể làm vừa lòng tất cả nhưng tôi nghĩ mọi người tham gia MMF sẽ đều vui và tìm thấy những điều mình thích. Đó mới là mục đích hướng tới và giá trị lớn nhất mà ít đâu có được như Monsoon.

* Và thành công đó có giúp cho chương trình năm nay bớt gánh nặng về nhà tài trợ hơn trước không?

- Như bạn biết, trong thời kỳ mà kinh tế không thuận lợi, các nhà tài trợ đa số đều cắt giảm ngân sách, bản thân họ cũng muốn tự làm những event riêng theo cách của mình để vừa đúng định hướng vừa tiết kiệm thì việc thuyết phục các nhà tài trợ không hề đơn giản.

Vì thế, ngoài việc phải cạnh tranh với các “đối thủ” khác thì chúng tôi cũng cần phải cho các nhà tài trợ thấy những lợi ích mà họ không thể tự làm được. Và một trong những điều đó chính là tính nhân văn của dự án và hình ảnh của một nhà bảo trợ văn hoá mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng chứ không chỉ đơn thuần là một event quảng cáo nhãn hàng.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lam Anh (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm