Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo: Trái tim luôn hướng về Tổ quốc

26/01/2009 17:06 GMT+7 | Âm nhạc

Giữa Paris tráng lệ, Nguyễn Thiện Đạo đã chỉ huy nhiều dàn nhạc, thắp sáng những bản hợp xướng dậy sóng đấu tranh, vọng vang niềm tự hào, tinh thần bất khuất của mỗi người dân Việt trong cuộc chiến chống xâm lăng.
 
Trong căn nhà xinh xắn, thơ mộng bên hồ Hoàng Cầu, Hà Nội củanhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Thiện Đạo, bên cạnh tấm ảnh về những người thân yêu, là bức ảnh Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Phía trong một chút, là những món quà của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dành cho ông trong các dịp gặp mặt.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo

Trong mọi câu chuyện với chúng tôi nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo luôn dành tình cảm yêu thương, kính trọng đối với dân tộc mình như thể, đó chính là máu thịt cuộc đời ông.

Niềm tự hào của đất Việt

Nhắc đến Nguyễn Thiện Đạo, những người yêu âm nhạc đều kính nể trước một tài năng xuất chúng. Với những giải thưởng quốc tế, Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã có tên trong 2 cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp: “Le petit Larousse” và “Le Petit Robert” cùng một số cuốn khác như “Who’s who?” (Mỹ) và “Who’s who in music” (Anh). Trong cuốn từ điển “Le Petit Larousse” danh giá, chỉ có 3 người Việt Nam được ghi danh là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.

Tài năng của GS. nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo tỏa sáng rực rỡ, nên năm 1983, ông đã vinh dự được Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp trao giải thưởng “André Caplet”. Ông cũng được Chính phủ Pháp tặng Huân chương “Chevalier des Arts et des Lettres”.

Không chỉ đóng góp cho âm nhạc thế giới, hơn nửa thế kỷ sống trên đất Pháp, ông chưa bao giờ nguôi quên nguồn cội con Rồng cháu Tiên của mình bằng những cống hiến lớn lao, nên đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Bộ Văn hóa - Thông tin trao Huy chương Chiến sĩ Văn hóa.

Cho đến nay, ông là 1 trong 2 nhạc sĩ Việt kiều (cùng nhạc sĩ Đặng Thái Sơn) được đặc cách mang 2 quốc tịch. Năm 2005, ông cũng là 1 trong 15 người được nhận danh hiệu “Vinh danh đất Việt”.

Đam mê âm nhạc từ nhỏ nên Nguyễn Thiện Đạo đã không nghe theo lời cha học nghề bác sĩ. Bởi theo ông âm thanh, giai điệu lắng hồn dân tộc đã ăn sâu trong tiềm thức của ông.

Sau 10 năm theo đuổi, Nguyễn Thiện Đạo thi đỗ vào Nhạc viện Quốc gia Paris. Thật khó có thể ngờ rằng, người thanh niên Việt Nam nhỏ bé ấy đã làm nên sự bứt phá ngoạn mục trước những người đồng lứa từ khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác: Ngay năm học đầu tiên, Nguyễn Thiện Đạo đã được nhận giải thưởng hạng Nhất của Nhạc viện với tác phẩm khí nhạc “Thành đồng Tổ quốc” (thơ Tố Hữu) và cho đến nay, ông vẫn là trường hợp “độc nhất vô nhị” được nhận giải thưởng khi mới học năm thứ nhất, vì ở Nhạc viện, người rất giỏi cũng phải hết năm thứ hai mới được nhận giải.

“Quê hương là chùm khế ngọt”

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc, Nguyễn Thiện Đạo đã có 84 tác phẩm khí nhạc và được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Là 1 trong 5 học trò xuất sắc của Olivier Messiaen - một nhà soạn nhạc lớn nhất thế giới thế kỷ XX; Nguyễn Thiện Đạo luôn khắc ghi lời thầy: “Các anh là người nước nào thì phải giữ cái gốc của nước đó”…

Lời dạy của nhạc sĩ thiên tài đã trở thành kim chỉ nam để Nguyễn Thiện Đạo tìm cho mình con đường đi độc đáo nhất, bắt nguồn từ truyền thống và mang đậm bản sắc dân tộc. Để từ đó, ông mải miết và tận tâm cống hiến bằng cả tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đi sâu vào chủ đề quê hương đất nước: Tây Nguyên, Khóc Tố Như, Bà mẹ Việt Nam, Phù Đổng, Máu và hoa, Mỵ Châu - Trọng Thủy…

Những giai điệu say đắm lòng người trong mỗi tác phẩm của ông chính là âm hưởng cuộc đời ông hiến dâng cho Đất Mẹ. Nhưng chính Đất Mẹ cũng ban tặng ông một tình cảm đặc biệt, để ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa âm nhạc phương Tây với ánh sáng huyền diệu của âm nhạc phương Đông, dệt thành những âm thanh kỳ ảo, tinh tế, từ tài năng và trải nghiệm bản thân.

Chính điều đó đã tôn vinh âm nhạc Việt Nam vốn chưa được biết nhiều trên thế giới, nhất là trong bối cảnh đất nước vừa trải qua gần trọn thế kỷ dưới ách thực dân. Nguyễn Thiện Đạo giống như một nhịp cầu đặc biệt nối liền âm nhạc Việt Nam tới những bến bờ xa lắc, để thế giới từ lạ lẫm đã trở thành ngưỡng mộ. Ông chia sẻ tâm tư:“Trời đất đã ban cho tôi khí thiêng hào sảng của sông núi đất Việt”.

Với quan điểm “dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong”, Nguyễn Thiện Đạo đã là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên đem vinh quang cho âm nhạc quê hương bằng việc đưa những âm thanh lắng hồn dân tộc bước ra thế giới, thực hiện ước mơ mà 40 năm trước ông đã ấp ủ:“Tôi luôn mong muốn được đóng góp tốt nhất cho nền âm nhạc bác học Việt Nam, muốn cùng các nhạc sĩ Việt Nam tạo ra một dòng nhạc Việt Nam xứng tầm trên thế giới”.

Trân trọng một tài năng đã kế thừa xuất sắc 2 nền văn minh Đông – Tây và trở thành hiện tượng trong nghệ thuật âm nhạc hàn lâm thế giới, thiên tài Olivier Messiaen đã bày tỏ tình cảm với Nguyễn Thiện Đạo bằng lời ghi tặng: “Nguyễn Thiện Đạo là người nhạc sĩ lớn nhất cuối thế kỷ XX”. Nhắc đến ông, nhạc sĩ Trọng Bằng cũng trân trọng: “Nguyễn Thiện Đạo là nhà soạn nhạc lỗi lạc của thế kỷ XX, người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Paris”.

Lá rụng về cội…

Những năm gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo thường xuyên có mặt ở Hà Nội, tham dự các chương trình âm nhạc lớn do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch hoặc Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Ông hiện là Việt kiều duy nhất đã đượcmua nhà ở Hà Nội.

Như một cách bày tỏ lòng cảm kích trước những đặc ân đất nước dành cho, các sáng tác mang đậm truyền thống quê hương đã liên tục ra đời: “So dây”, “Khói tháp”, “Hồn sông núi”... và mới đây nhất là bản “Khai giác” được dàn dựng trong Đại lễ Phật đản tổ chức ở Việt Nam tháng 5/2008, mà nhờ đó, ông không chỉ được tặng Bằng khen mà còn được ghi danh trong sách kỷ lục Việt Nam.

Âm nhạc của ông góp phần không nhỏ để bộ phim “Chuyện của Pao” (đạo diễn Ngô Quang Hải) đoạt giải Cánh diều vàng 2005. Sau đó, phần âm nhạc lại được biểu diễn chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 tổ chức tại Việt Nam. Mỗi tác phẩm của ông vẫn chắt lọc một cách tinh túy kỹ thuật, nghệ thuật hiện đại và ăm ắp văn hóa Việt, bởi được viết từ một trái tim luôn nóng ấm tình yêu quê hương…

Còn nhớ vào thời điểm đất nước còn bị chia cắt, tại Đại hội Âm nhạc thế giới Royan, Nguyễn Thiện Đạo là người Việt Nam duy nhất được mời tham dự. Khi biểu diễn đến tác phẩm “Tuyến lửa” của ông, Ban Tổ chức dự định cho treo lá cờ của chính quyền Sài Gòn khi đó để tượng trưng cho đất nước của nhạc sĩ, nhưng ông đã khảng khái: “Lá cờ đó không tượng trưng cho quê hương của tôi!”, ông đã yêu cầu hạ xuống, để lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phấp phới tung bay trong tiếng nhạc hùng tráng.

Thế giới đã thêm một lần biết đến một Việt Nam anh hùng qua âm hưởng hào hùng của “Tuyến lửa” và nhất là, qua tình yêu vô bờ đối với đất nước của người nhạc sĩ lớn.

Sẽ không ngạc nhiên, nếu biết rằng, hành động và lời nói của ông đều đi từ tình yêu sâu bền với mảnh đất đã nuôi ông lớn lên và tiễn chân ông ra đi ngày đó. Luôn hướng về nguồn cội không chỉ bằng những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, Nguyễn Thiện Đạo còn thể hiện bằng những việc làm cụ thể.

Ông tham gia phong trào yêu nước của người Việt ở Paris từ rất sớm và đến nay, vẫn là thành viên trong Ban Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp. Những năm chống Mỹ, với tài năng, tên tuổi của mình, Nguyễn Thiện Đạo đã cùng với Hội Người Việt tổ chức thành công nhiều đêm nhạc lớn, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở trong nước.

Giữa Paris tráng lệ, Nguyễn Thiện Đạo đã chỉ huy nhiều dàn nhạc, thắp sáng những bản hợp xướng dậy sóng đấu tranh, vọng vang niềm tự hào, tinh thần bất khuất của mỗi người dân Việt trong cuộc chiến chống xâm lăng. Những chương trình đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh trong nước và truyền niềm tin chiến thắng đến bà con Việt kiều khắp năm châu.

Trong một cuốn sách, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Paris Võ Văn Sung đã nhắc nhiều đến công lao của Nguyễn Thiện Đạo, là đã góp phần cùng bà con Việt kiều yêu nước làm nên “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris”. Người nhạc sĩ lớn ấy thực sự là niềm tự hào của quê hương...
 
Theo CAND

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm